Hết lòng vì công tác dân số

09:11 | 07/10/2018
Hơn 20 năm làm cộng tác viên dân số, chị Hoàng Thị Chanh ở xóm 6, xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã giúp cho nhiều phụ nữ trong xóm được tiếp cận quyền chăm sóc sức khỏe sinh sản, có thêm nhiều hiểu biết về kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ).
het long vi cong tac dan so Thích ứng với già hóa dân số nhanh ở Việt Nam
het long vi cong tac dan so Hà Nội: Tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn đạt 84,9% dân số
het long vi cong tac dan so Tập huấn cách tiếp cận và cung cấp thông tin về công tác dân số

Chia sẻ với đoàn phóng viên về thăm và làm việc tại tỉnh Thái Nguyên, chị Chanh tâm sự: Tôi bắt đầu làm công việc này từ năm 2000. Khi ấy, đa phần mọi người đều ngại khi nhắc đến những chuyện tránh thai, quan hệ tình dục, sức khỏe sinh sản,… Nhiều khi đi tư vấn, tôi cũng ko biết cách mở lời như nào cho tế nhị, để mọi người hiểu mà ko ngượng khi chia sẻ.

het long vi cong tac dan so
Chị Hoàng Thị Chanh tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân trong xóm. (ảnh: Mai An)

Qua các buổi tập huấn kiến thức, tìm tòi các tài liệu về dân số - KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, chị Chanh dần nắm vững các kiến thức để tuyên truyền đầy đủ cho bà con trong xóm. Đặc biệt, chị Chanh có một “thư ký” của riêng mình là chồng, anh làm cán bộ Trạm Y tế xã Vạn Thọ cho nên việc tiếp cận với những kiến thức về dân số càng trở nên thuận lợi.

Vững kiến thức, hiểu bà con, chị Chanh đến từng nhà để vận động nhân dân thực hiện chính sách dân số - KHHGĐ. Qua những câu chuyện, chị hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con, từ đó nắm bắt thông tin để tháo gỡ vướng mắc của gia đình, giúp họ hiểu rõ về trách nhiệm và nghĩa vụ của người làm cha, làm mẹ đối với con cái.

“Ngày đó, cả vùng Vạn Thọ rất ít dân, địa bàn xóm lại rộng, đường sá chật hẹp, cây cối rậm rạp nên việc đi lại rất khó khăn. Thêm nữa, vì phải lo lao động, sản xuất tại gia đình nên tôi chỉ có thể đến các hộ dân vào buổi tối, vừa trò chuyện kết hợp tư vấn, tuyên truyền”, Chị Chanh kể.

Theo kinh nhiệm của chị, người cộng tác viên dân số không chỉ đến hộ dân lúc có việc mà cần thường xuyên trò chuyện, nhiệt tình giúp đỡ họ trong những lúc khó khăn và đặc biệt phải có kiến thức chuyên môn về sức khỏe sinh sản.

Cùng với công tác tuyên truyền, vận động trực tiếp, chị Chanh còn phối hợp với các đoàn thể tuyên truyền lồng ghép các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân số - KHHGĐ.

Vào chiến dịch truyền thông dân số lồng ghép với dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, chị xây dựng kế hoạch và tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề theo nhóm hay các lớp cung cấp kiến thức tại nhà văn hóa xóm để nói về tác hại của việc đẻ nhiều, đẻ dày, động viên những gia đình đông con thực hiện KHHGĐ; tư vấn sử dụng biện pháp tránh thai, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ, vị thành niên tuyên truyền ý nghĩa của các mô hình, đề án “Nâng cao chất lượng dân số”, …

Với những nỗ lực của chị Chanh, nhiều năm qua, xóm 6 không có trường hợp sinh con thứ 3 trở lên; tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt hơn 95%; tỷ lệ phụ nữ tham gia các chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản đạt 100%; ở xóm không xảy ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh…

“Gần 20 năm làm công tác dân số, niềm vui lớn nhất với tôi là sự ủng hộ, yêu quý của người dân. Dù thù lao ít ỏi, công việc vất vả nhưng tôi vẫn sẽ gắn bó với công việc này trong những năm tiếp theo”, chị Hoàng Thị Chanh bày tỏ.

Nguyễn Công

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này