![]() | Tổ chức Quốc tang nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười trong 2 ngày 6, 7/10 |
![]() | Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười từ trần |
“Sinh - lão - bệnh - tử” là quy luật không ai có thể cưỡng lại, song di sản mà nguyên TBT Đỗ Mười để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân vẫn luôn là bài học quý. Nguyên TBT Đỗ Mười sinh ngày 2/2/1917, tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Sớm tham gia hoạt động cách mạng và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản, được tôi luyện, trưởng thành qua các thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng chí Đỗ Mười đã từng trải qua nhiều cương vị công tác, có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
![]() |
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười thăm Nhà máy ximăng Hải Phòng, ngày 25/3/1991. Ảnh TTXVN |
Trong những năm giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng (6/1991-12/1997), với kinh nghiệm thực tiễn phong phú, đồng chí Đỗ Mười đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đoàn kết, thống nhất, lãnh đạo, chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Đồng chí đã được trao tặng Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng.
Có thể nói trong sự nghiệp hoạt động cách mạng của mình, kể cả khi đang trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng –PV), rồi Tổng Bí thư đến khi về hưu, đồng chí Đỗ Mười luôn trăn trở về vận nước và đặc biệt quan tâm đến các vấn đề quan trọng của quốc gia như: Mô hình phát triển kinh tế; chính sách giáo dục, đời sống, việc làm người lao động trong quá trình xây dựng mô hình kinh tế thi trường định hướng Xã hội chủ nghĩa..
Ông Vũ Hữu Ngoạn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Mác - Lênin - Hồ Chí Minh, nguyên Thường trực Ban Chỉ đạo Biên soạn Văn kiện Đảng toàn tập trong bài: "Tổng Bí thư Đỗ Mười: Người học trò xứng đáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh" viết: “Khi đương chức cũng như khi nghỉ công tác, đồng chí Đỗ Mười thường mong sao nhân dân ta, Đảng và Nhà nước ta tiết kiệm để đầu tư cho phát triển.
Đồng chí thường nhận xét, hiện nay có một bộ phận trong xã hội tiêu dùng vượt quá trình độ của nền kinh tế. Đồng chí lo lắng nhiều về tình trạng lãng phí tài nguyên, đặc biệt là đất đai - thứ tư liệu sản xuất quý nhất của nước ta. Đồng chí cho rằng, những kỳ cuộc khai trương, khởi công, khánh thành, lễ hội là cần thiết, chi phí cho nó là cần thiết, song hiện nay quá nhiều, còn tình trạng phô trương hình thức, rất lãng phí”.
Về tiền lương, thu nhập của công nhân trong tình hình mới, ông Hữu Ngoạn viết: “Nhờ tổng kết thực tiễn và đọc sách, đồng chí đã trao đổi không biết bao nhiêu lần về lý luận với các cán bộ cao cấp, với các cán bộ lý luận. Đồng chí Đỗ Mười đã nhiều lần nói về một sắc lệnh của Bác Hồ ký năm 1947 có câu: "Các doanh nghiệp phải chia lãi cho công nhân".
Đây là vấn đề rất sâu về lý luận và thực tiễn. Lý luận của chủ nghĩa Mác đã chỉ rõ tiền lương công nhân, về hình thức thì do chủ doanh nghiệp trả (nếu là quốc doanh thì do Nhà nước trả), nhưng thực chất là công nhân lĩnh cái do chính mình làm ra. Cả tiền lãi cũng do công nhân tạo ra, chứ không phải do tiền tự "chửa đẻ" mà có. Vì thế, chia lãi cho cả công nhân mới là công bằng…
Là người đề xuất chủ trương cổ phần hóa một bộ phận doanh nghiệp Nhà nước nhưng đồng chí vẫn lưu ý có sự khác nhau giữa cổ phần hóa tư bản chủ nghĩa và cổ phần hóa xã hội chủ nghĩa, mà đối với chúng ta là thực hành chủ trương và chính sách cổ phần hóa xã hội chủ nghĩa. Đấy là vấn đề vô cùng mới mẻ về lý luận và thực tiễn”…
H.Phạm
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/nguyen-tong-bi-thu-do-muoi-luon-dau-dau-ve-doi-song-cong-nhan-80902.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này