Sàng lọc trước sinh và sơ sinh:

Nâng cao chất lượng giống nòi của người Việt

13:44 | 25/09/2018
(LĐTĐ) Tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh nhằm nâng cao chất lượng dân số là vấn đề mà ngành dân số Nghệ An quan tâm, nhất là khi tỷ lệ sàng lọc này của tỉnh còn rất khiêm tốn. Phóng viên báo Lao động Thủ đô đã có cuộc trao đổi trực tiếp với BSCK2 Nguyễn Bá Tân, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tỉnh Nghệ An về những vấn đề xoay quanh chủ đề này.
nang cao chat luong giong noi cua nguoi viet Triển khai đề án sàng lọc trước sinh, nâng cao chất lượng giống nòi

PV: Thưa ông, ý nghĩa của việc tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh là gì? Và xin ông cho biết một số kết quả về công tác Dân số - KHHGĐ ở tỉnh suốt trong thời gian qua?

nang cao chat luong giong noi cua nguoi viet

BSCK2 Nguyễn Bá Tân, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Nghệ An. (Ảnh: Minh Khuê)

BSCK2 Nguyễn Bá Tân: Kỹ thuật tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh nhằm giúp chẩn đoán sớm, tầm soát tốt những nguy cơ có thể mắc phải trong quá trình mang thai của thai phụ, đồng thời phát hiện, xử lý kịp thời các dị tật thai nhi; giảm gánh nặng cho gia đình, từ đó góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Những năm qua, công tác dân số - KHHGĐ ở tỉnh Nghệ An đã đạt được những kết quả quan trọng. Đặc biệt, để thực hiện thành công chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, góp phần giảm số lượng trẻ kém phát triển về trí tuệ và thể lực do hậu quả của các bệnh rối loạn chuyển hóa, di truyền, qua đó giảm thiểu số người tàn tật, giảm gánh nặng về chi phí cho gia đình và xã hội, góp phần nâng cao chất lượng dân số, xây dựng nguồn nhân lực, từ năm 2011, tỉnh Nghệ An đã triển khai thực hiện Mô hình tầm soát, chẩn đoán, và điều trị bệnh, tật trước sinh và sơ sinh cho phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh tại 21 huyện, thành, thị...

Mục tiêu đặt ra, nhằm nâng cao nhận thức về tầm soát, chẩn đoán, và điều trị bệnh, tật trước sinh và sơ sinh cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh triển khai đề án; đào tạo kỹ năng tuyên truyền tư vấn về tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh, tật trước sinh và sơ sinh cho cán bộ y tế, dân số các cấp; cung cấp thông tin cho các bà mẹ có thai về tầm soát trước sinh và sơ sinh; xây dựng và duy trì hoạt động mạng lưới tầm soát trước sinh đến tuyến huyện và tầm soát sơ sinh đến tuyến xã...

PV: Những khó khăn trong công tác dân số - KHHGĐ tại Nghệ An hiện này là gì thưa ông?

BSCK2 Nguyễn Bá Tân: Sàng lọc trước sinh có ý nghĩa quan trọng nhưng thực tế vẫn có một số bà mẹ vì thiếu quan tâm, thiếu hiểu biết hoặc các lý do khách quan và chủ quan khác nhau mà chưa thực hiện thăm khám thai đúng lịch. Trong khi đó, các bà mẹ trong quá trình mang thai, cần được tiến hành làm siêu âm ít nhất 2 lần vào 2 thời điểm khác nhau (12 tuần, 22 tuần mang thai). Đó cũng là 2 mốc quan trọng trong quá trình theo dõi sự phát triển cũng như bất thường hình thái thai nhi.

Theo thống kê, tỷ lệ sàng lọc trước sinh, sơ sinh của tỉnh còn rất khiêm tốn. Tại Nghệ An, mỗi một năm sinh ra 55 – 60 ngàn em bé và có khoảng 80 – 100 ngàn phụ nữ mang thai trong một năm. Nhưng tầm soát ở tầm 12 và 22 tuần tuổi thai mới làm được khoảng 21%. Còn lấy máu ở gót chân của trẻ sơ sinh để xét nghiệm mới làm được 5%.

nang cao chat luong giong noi cua nguoi viet
Hoạt động khám, sàng lọc và chẩn đoán trước sinh tại Bệnh viện Sản nhi Nghệ An. Ảnh: Minh Khuê

Nguyên nhân là do Nghệ An là tỉnh nằm ở trung tâm khu vực Bắc Trung bộ, có diện tích rộng lớn nhất so với các tỉnh trong cả nước (16.498km2) với 21 huyện, thành, thị và 480 xã, phường, thị trấn và dân số hơn 3,1 triệu người (đứng thứ 4 cả nước), trong đó có 10 huyện miền núi xa, giáp biên giới Lào, nên việc tuyên truyền còn gặp hạn chế.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, đội ngũ y bác sĩ, nhất là ở các huyện miền núi chưa thực hiện được tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh. Nguồn kinh phí hạn hẹp nên Đề án “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh” được triển khai từ nhiều năm nay trên địa bàn tỉnh, nhưng số lượng phụ nữ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ chưa nhiều. Vì vậy, cùng với việc nâng cao nhận thức cho người dân thì xã hội hóa công tác sàng lọc trước sinh và sơ sinh là giải pháp để trẻ sinh ra được khỏe mạnh.

PV: Thời gian vừa qua, Chi Cục Dân số - KHHGĐ đã phối hợp với Bệnh viện Sản nhi tỉnh như thế nào trong hoạt động tầm soát, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh?

BSCK2 Nguyễn Bá Tân: Chi cục Dân số - KHHGĐ đã kết hợp với Bệnh viện Sản nhi tỉnh Nghệ An khi thực hiện chủ trương triển khai chương trình tầm soát trước sinh và sơ sinh. Cụ thể, chúng tôi đã cử phòng Dân số - KHHGĐ là phòng chuyên môn đến làm việc trực tiếp với Bệnh viện Sản nhi để mở các lớp đào tạo, truyền thông đưa thông tin cần thiết đến với cán bộ y tế của cấp huyện và cấp xã về sự cần thiết trong vấn đề tầm soát trước sinh và sơ sinh.

Về hoạt động tuyên truyền trên Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, huyện và Đài phát thanh tuyến xã; tổ chức các cuộc truyền thông nói chuyện chuyên đề cho nhân dân và tư vấn cho phụ nữ mang thai, tại cộng đồng; Cung cấp tờ rơi, tờ gấp cho các đối tượng...; Phối hợp với Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Đa khoa các huyện, thị mở các lớp đào tạo mới lại và đào tạo lại kỹ thuật lấy mẫu máu gót chân cho cán bộ y tế tham gia đề án; các lớp tập huấn kỹ năng truyền thông cho cán bộ làm công tác tuyên truyền vận động, tư vấn, quản lý đối tượng tham gia tầm soát trước sinh và sơ sinh các tuyến; cử cán bộ là bác sĩ thuộc Chi cục Dân số - KHHGĐ, Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, các Bệnh viện Đa khoa tuyến huyện, Trung tâm tư vấn dịch vụ KHHGĐ tỉnh tham gia các lớp đào tạo siêu âm sàng lọc trước sinh tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương khi có chỉ tiêu…

Công tác kiểm tra, giám sát được tỉnh quan tâm và đưa vào kế hoạch hoạt động từng năm. Hàng năm, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh phối hợp các đơn vị Y tế, Trung tâm chẩn đoán trước sinh, sơ sinh tại Nghệ An tổ chức các cuộc hội thảo trao đổi chuyên môn, cung cấp thông tin về tầm soát trước sinh, sơ sinh cho cán bộ dân số, y tế các cấp….

Với những cố gắng và nỗ lực về việc truyền thông cho những người dân hiểu về tác dụng, nhu cầu của việc tầm soát trước sinh và sơ sinh, chúng tôi đã triền khai hiệu quả ở 21 huyện thành và làm rộng ở 480 xã, phường. Bước đầu rất nhiều người dân đã hiểu được tầm quan trọng của việc tầm soát, sàng lọc và chẩn đoán trước sinh và sơ sinh.

PV: Để khắc phục những tồn tại trong hoạt động tầm soát, chẩn đoán, và điều trị bệnh, tật trước sinh và sơ sinh ở Nghệ An ông có đề xuất gì?

BSCK2 Nguyễn Bá Tân: Với vai trò là Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Nghệ An, tôi mong muốn trong thời gian tới, Tổng cục Dân số - KHHGĐ cần tham mưu đề xuất Bộ Y tế có văn bản chỉ đạo hướng dẫn hệ thống bệnh viện, trung tâm y tế phối hợp thực hiện việc siêu âm tầm soát, chẩn đoán trước sinh, lấy mẫu máu gót chân cho trẻ sàng lọc sơ sinh và đề nghị quy định kỹ thuật lấy mẫu máu gót chân tầm soát sơ sinh là xét nghiệm thường quy và giao chỉ tiêu cho các cơ sở y tế; Đề xuất Bộ Y tế có chủ trương để việc tầm soát trước sinh, sơ sinh và điều trị các bệnh trong tầm soát sơ sinh được bảo hiểm y tế chi trả; Đề nghị Tổng cục Dân số - KHHGĐ cấp phát vật tư tiêu hao và mẫu máu cho tỉnh sớm ngay từ đầu năm để các đơn vị đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu lấy mẫu máu gót chân.

Ngoài ra, Nghệ An là tỉnh nghèo, dân số đông, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, việc thực hiện xã hội hóa tầm soát trước sinh và sơ sinh còn khó thực hiện; đề nghị Trung ương xem xét để giao chỉ tiêu tầm soát trước sinh, sơ sinh hàng năm phù hợp cho tỉnh.

Sắp tới chúng tôi sẽ xây dựng đề án Tầm soát trước sinh và sơ sinh tại Nghệ An đến năm 2025. Và trong đề án này, bước đầu chúng tôi đã tiến hành xây dựng đề cương. Trong đó, Chi cục Dân số tỉnh sẽ tổ chức nhiều lớp tuyên truyền về tận huyện, xã để truyền thông cho những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, để họ biết khi mang thai, sinh con thì việc tầm soát trước và sau sinh là quan trọng và thiết thực để đảm bảo hạnh phúc lâu dài cho tương lai đứa trẻ và gia đình.

Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này