Nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, kiến thức cho CNVCLĐ trong tình hình mới

10:56 | 25/09/2018
(LĐTĐ) Tại phiên khai mạc chính thức Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, đại diện Đoàn Hà Nội, đồng chí Đặng Thị Phương Hoa – Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP Hà Nội đã tham luận với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, kiến thức – kỹ năng nghề nghiệp và pháp luật cho CNVCLĐ trong tình hình mới”. Sau đây, báo LĐTĐ xin trích nguyên văn bài tham luận của Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP Hà Nội.
nang cao hieu qua cong tac giao duc chinh tri tu tuong kien thuc cho cnvcld trong tinh hinh moi Quán triệt Nghị quyết Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVI
nang cao hieu qua cong tac giao duc chinh tri tu tuong kien thuc cho cnvcld trong tinh hinh moi Lãnh đạo quận Thanh Xuân đối thoại với doanh nghiệp và người lao động

Trước hết, chúng tôi bày tỏ sự nhất trí cao với dự thảo Báo cáo của Ban Chấp hành khóa XI trình tại Đại hội và các ý kiến tham luận của các đại biểu. Tôi xin tham luận, làm rõ hơn việc “Nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, kiến thức – kỹ năng nghề nghiệp và pháp luật cho công nhân, viên chức, lao động trong tình hình mới”.

nang cao hieu qua cong tac giao duc chinh tri tu tuong kien thuc cho cnvcld trong tinh hinh moi
Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP Hà Nội Đặng Thị Phương Hoa tham luận tại Đại hội (ảnh Mai Quý)

Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị - tư tưởng là bộ phận cấu thành đặc biệt trong toàn bộ hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam, công tác tuyên truyền, giáo dục là một trong ba chức năng quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn và xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh.

Thấm nhuần các quan điểm của Đảng và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của công tác tuyên truyền, giáo dục, trong nhiệm kỳ qua, các cấp công đoàn cả nước đã có nhiều đổi mới cả về nội dung và phương thức trong triển khai nhiệm vụ công tác này, tạo được sức lan tỏa trong toàn hệ thống và xã hội. Các hoạt động tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được đẩy mạnh; nhiều đề án, chương trình, kế hoạch tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và kỹ năng nghề nghiệp được triển khai, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, giúp người lao động hiểu rõ hơn quyền và nghĩa vụ, nhận thức rõ đúng – sai trong quá trình lao động và ứng xử.

Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh; Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động sâu sắc đến sản xuất, đời sống, việc làm của người lao động, trước yêu cầu đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam, đặt ra những yêu cầu mới, lớn hơn và cao hơn cho công tác tuyên truyền, giáo dục đối với đoàn viên, người lao động.

Hà Nội là thủ đô của cả nước, nơi tập trung đông đảo công nhân, viên chức, lao động; địa bàn nhạy cảm đối với tất cả các sự kiện chính trị của đất nước và những vấn đề phát sinh trong công nhân. Hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 2,5 triệu lao động, LĐLĐ thành phố đang quản lý 45 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; 23 công đoàn cơ sở trường đại học, cao đẳng với tổng số hơn 8.000 CĐCS và 600.000 đoàn viên. Trong nhiệm kỳ qua, các cấp công đoàn Thủ đô luôn coi trọng công tác tuyên truyền giáo dục trong CNVCLĐ, có sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các cấp ủy đảng, chính quyền với các cấp công đoàn, hoạt động ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực và sát với tình hình thực tế, góp phần phát triển kinh tế -xã hội và ổn định Thủ đô. Cụ thể:

LĐLĐ thành phố lựa chọn nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng. Đối với đội ngũ cán bộ công đoàn từ cơ sở, đã tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết của Đảng, của Công đoàn, các chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến người lao động. Đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, ngoài việc tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật, Công đoàn tập trung tuyên truyền, giáo dục về tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, văn hóa người Hà Nội, phòng chống tự diễn biến, tự chuyển hóa và suy thoái.

Đối với công nhân lao động, đó là kiến thức pháp luật liên quan đến quan hệ lao động, đến quyền và nghĩa vụ của người lao động, của công dân, kiến thức về nghề nghiệp, về giới tính, về sức khỏe sinh sản; in và phát hành hàng triệu cuốn sổ tay pháp luật, tờ rơi, tờ gấp, áp phích đến đoàn viên và người lao động; ban hành Nghị quyết về “Nâng cao chất lượng phát hành Báo Lao động Thủ đô”, phát hành miễn phí 9.200 tờ báo/kỳ tới công nhân lao động các khu công nghiệp và Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân; tổ chức nhiều buổi giao lưu trực tuyến về kiến thức pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của CNLĐ. Công tác giáo dục truyền thống nhân các ngày kỷ niệm lớn của Thủ đô và đất nước gắn với các phong trào thi đua được triển khai sâu rộng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Triển khai có hiệu quả Cuộc vận động “Xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp” gắn với xây dựng “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Năm trật tự văn minh đô thị”, “Năm kỷ cương hành chính”; triển khai 2 bộ quy tắc ứng xử của UBND Thành phố đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại nơi làm việc và nơi công cộng; hằng năm tổ chức “Hội chợ hàng Việt” tại các Khu công nghiệp phục vụ công nhân lao động và nhân dân địa phương... Hoạt động chiếu phim miễn phí, tổ chức “Hát cho công nhân nghe, nghe công nhân hát” phục vụ CNLĐ các khu công nghiệp và chế xuất được duy trì thường xuyên; Trong nhiệm kỳ, thành lập mới 19 Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, thành lập 42 Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân.

Tổ chức nhiều hoạt động nhân “Tháng Công nhân”, “Tết Sum vầy” hàng năm, huy động được sự quan tâm của các cấp, các ngành, doanh nghiệp cùng chung sức chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động. Nhiều hoạt động mới được đánh giá cao, như: “Công đoàn đồng hành vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp”, “Ở đâu công nhân khó, ở đó có Công đoàn”... LĐLĐ đã phối hợp với UBND Thành phố tổ chức Hội nghị đối thoại với CNLĐ, cán bộ CĐCS và Người sử dụng lao động ở các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và CĐCS đã phối hợp tổ chức hàng trăm cuộc đối thoại giữa Công đoàn - Người sử dụng lao động - Người lao động, qua đó lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và kịp thời giải quyết các vấn đề người lao động bức xúc, đồng thời tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật đến người lao động.

Các cấp công đoàn Thủ đô đã chủ động phối hợp với các lực lượng, đặc biệt là các đồn Công an tại các Khu công nghiệp, chế xuất xây dựng lực lượng công nhân nòng cốt trong doanh nghiệp, chủ động nắm tâm tư, nguyện vọng, tình hình tư tưởng đoàn viên; giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc và xử lý nhanh các tình huống xảy ra. Việc tuyên truyền, giáo dục được triển khai với nhiều hình thức phong phú, hướng đến từng người lao động; ngoài các phương thức truyền thống, đã coi trọng và sử dụng rộng rãi mạng xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền.

Trước một số sự kiện lớn, nhạy cảm xảy ra những năm vừa qua như việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; việc kiến nghị sửa Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội; sự cố môi trường Formosa; việc phản đối Quốc hội thông qua Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng vào tháng 6 vừa qua, các cấp công đoàn Thủ đô đã nỗ lực hết sức, sớm nắm bắt tình hình, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nên không để tình hình phức tạp xảy ra trong công nhân lao động; góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển Thủ đô.

nang cao hieu qua cong tac giao duc chinh tri tu tuong kien thuc cho cnvcld trong tinh hinh moi
Toàn cảnh Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII phiên khai mạc chính thức ngày 25/9 (ảnh Mai Quý)

Trên cơ sở kết quả công tác tuyên truyền, giáo dục của toàn hệ thống đạt được trong nhiệm kỳ qua, từ thực tiễn thủ đô Hà Nội, chúng tôi đề nghị trong nhiệm kỳ tới, các cấp công đoàn cả nước, nhất là Tổng Liên đoàn cần tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu của công tác tuyên truyền, giáo dục như sau:

Một là, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo công đoàn; nâng cao chất lượng cán bộ CĐCS và đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan truyền thông trong hệ thống Công đoàn, đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền với các cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương; tận dụng mặt tích cực của Internet, mạng xã hội để định hướng, tuyên truyền, giáo dục, vận động đoàn viên, người lao động. Có cơ chế đầu tư về con người và nguồn lực cho công tác chỉ đạo và tuyên truyền trên internet và mạng xã hội.

Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị, giác ngộ giai cấp, kiến thức pháp luật, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, việc chuyển đổi nghề và ngoại ngữ cho đoàn viên, người lao động. Đa dạng hoá các hình thức, biện pháp tuyên truyền, tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục theo hướng sát cơ sở; lấy đoàn viên, người lao động là đối tượng triển khai.

Ba là, nghiên cứu, biên soạn các bộ tài liệu tuyên truyền, giáo dục về chính trị tư tưởng; tuyên truyền giáo dục về vai trò của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam; tuyên truyền về chính sách pháp luật... ngắn gọn, phù hợp với từng đối tượng người lao động. Mở rộng việc xây dựng phần mềm hệ thống câu hỏi và nội dung trả lời tự động về pháp luật và kiến thức đời sống cho, đa dạng hóa hình thức tiếp cận để phục vụ công nhân, người lao động.

Bốn là, gắn công tác tuyên truyền, giáo dục đoàn viên, người lao động với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng và “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, đồng thời với việc phát động, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước.

Tại diễn đàn Đại hội hôm nay, thay mặt Đoàn đại biểu Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, tôi xin có một số đề xuất, kiến nghị đối với Đảng, Nhà nước như sau:

Thứ nhất, tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chăm lo của Đảng đối với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới bằng các chủ trương, chính sách và các chương trình hành động cụ thể của các cấp ủy, chính quyền. Đây là vấn đề hết sức quan trọng, đảm bảo ổn định và phát triển đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Phát triển, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của tổ chức đảng, công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

Thứ hai, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, khi xây dựng chính sách, pháp luật cần phải đảm bảo nguyên tắc hài hòa giữa phát triển kinh tế, thu hút đầu tư với an sinh xã hội và đời sống, việc làm của CNLĐ; đảm bảo ổn định chính trị và phát triển bền vững đất nước. Cần làm tốt công tác tuyên truyền trong quá trình xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật.

Thứ ba, đề nghị Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố quan tâm đầu tư xây dựng nhà ở và các thiết chế văn hóa cho CNLĐ tại khu công nghiệp – khu chế xuất. Khi phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng các khu công nghiệp phải đồng bộ với xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các thiết chế văn hóa, trường học, nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo trong các Khu công nghiệp và chế xuất.

Đặng Thị Phương Hoa

Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐTP Hà Nội

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này