Phương pháp đào tạo nghề cần có sự thay đổi

11:36 | 18/09/2018
(LĐTĐ) Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo trong các cơ sở dạy nghề đang là yêu cầu cấp thiết góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập.
phuong phap dao tao nghe can co su thay doi Hỗ trợ học nghề cho người thất nghiệp không quá 4,5 triệu đồng
phuong phap dao tao nghe can co su thay doi Bước tiến mới trong Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp năm 2018
phuong phap dao tao nghe can co su thay doi Khai giảng lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2018

Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước, là nơi cung ứng nhân lực lao động qua đào tạo cho thị trường lao động. Chiến lược hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp đặt ra mục tiêu, đến năm 2020, mỗi năm sẽ tuyển sinh và đào tạo cho khoảng 2,2 - 2,5 triệu lượt người, trong đó khoảng 5% đạt ở cấp độ Quốc tế, khu vực ASEAN và Quốc gia; đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập.

phuong phap dao tao nghe can co su thay doi
Giáo viên trình giảng môn kỹ thuật hàn tại Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2018.

Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh việc cải thiện cơ sở vật chất kỹ thuật trường học thì nâng cao trình độ giáo viên, đổi mới phương pháp dạy nghề được xem là yếu tố then chốt, mang tính chất quyết định trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trong nhiều năm qua, Hội giảng Nhà giáo GDNN là nơi chắp cánh những đam mê nghề nghiệp cho nhà giáo GDNN. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, đội ngũ nhà giáo GDNN đã được nâng cao về chất lượng, tăng về số lượng. Tuy nhiên đứng trước yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhà giáo GDNN cần không ngừng rèn luyện, nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và kết nối người học với thị trường lao động.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 08/2017/TT-BLĐTBXH Quy định chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo GDNN.

Trong đó có đặt ra thời hạn đến 31/12/2019 là đội ngũ nhà giáo phải được trang bị kiến thức chuẩn về kỹ năng nghề nghiệp, đặc biệt là kỹ năng thực hành để có thể tham gia giảng dạy một cách chất lượng và hiệu quả trong hệ thống giáo dục.

Theo ông Lê Quân - Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã tác động sâu sắc đến quá trình dạy học của các nhà GDNN. Trong mọi biến động của công nghệ, cuộc sống thì vai trò của người thầy luôn quan trọng; đóng vai trò nòng cốt, đảm bảo chất lượng sản phẩm giáo dục đào tạo đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Nếu trước đây người học thường cố gắng điêu luyện một nghề thì nay hướng đến tư duy liên ngành và tính chuyên nghiệp trong học nghề, xã hội bớt chú trọng bằng cấp và trọng về phát triển kỹ năng. Do đó, người thầy không có cách nào khác là phải thay đổi cách tiếp cận, liên tục nâng cao năng lực, nỗ lực để khẳng định mình.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, TSTrương Anh Dũng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN cho rằng, để nâng cao chất lượng GDNN cần quan tâm đến nhiều yếu tố. Ngoài yếu tố về chương trình, cơ sở vật chất, trang thiết bị, quản trị nhà trường thì nhà giáo có vai trò hết sức quan trọng, có thể coi là quyết định chất lượng dạy và học. Hay nói cách khác, để có một người trò tốt, một người lao động có kiến thức, kỹ năng, tay nghề và thái độ nghề nghiệp tốt thì cấp thiết phải có một nhà giáo tốt.

Thời gian vừa qua, thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo, quan tâm phát triển đội ngũ nhà giáo; ban hành nhiều văn bản, quy định về chính sách, chế độ chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, chế độ làm việc đối với nhà giáo và kỳ vọng sẽ có một đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và chuẩn hóa về chất lượng.

“Trước đây người thầy đóng vai trò trung tâm. Nhưng ngày nay, giáo dục đã chuyển sang lấy người học làm trung tâm, người học giữ vai trò chủ động trong học tập. Do vậy phương pháp giảng dạy cần có sự thay đổi. Vừa qua, Tổng cục GDNN đã chỉ đạo việc dạy và học theo năng lực thực hiện; dựa trên phân tích nghề, phân tích công việc và phân tích người học, đòi hỏi nhà giáo không chỉ có năng lực chuyên môn mà còn phải có nhiều năng lực khác.

Chẳng hạn như năng lực phân tích các đối tượng học để đưa ra khối lượng bài giảng, kiến thức phù hợp cho mỗi đối tượng hay năng lực truyền tải bài học đó như thế nào để có hiệu quả. Đặc biệt qua đó phải kết hợp sử dụng nhuần nhuyễn các phương pháp giảng dạy, sử dụng trang thiết bị, kể cả trình diễn các kỹ năng làm mẫu để học sinh có thể học tập, làm theo rồi đánh giá học sinh, khuyến khích hoạt động đội nhóm, xử lý các tình huống sai phạm” - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết.

Giáo viên là lực lượng chính thực hiện tất cả các khâu của quá trình đào tạo.Theo phương pháp tiếp cận mới, giáo viên cần được bồi dưỡng để có được hệ thống các năng lực đáp ứng yêu cầu của công nghệ dạy học mới. Thời gian tới đây, phương pháp giảng dạy sẽ được đổi mới, chuyển sang việc dạy và học theo năng lực. Do vậy, yếu tố về kỹ năng nghề của đội ngũ nhà giáo đặc biệt quan trọng.

Từ thực tế đào tạo, PGS.TS Hoàng Thị Minh Phương - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh cho biết: Hiện nay, nước ta đang triển khai đào tạo các nghề trọng điểm chuẩn khu vực, chuẩn quốc tế. Chính điều đó đã khiến những trường đào tạo giáo viên dạy nghề phải đổi mới phương thức đào tạo.

Theo đó, ngoài việc thay đổi chương trình còn phải tiếp cận, đào tạo theo các chuẩn để giáo viên dạy nghề khi đào tạo ra đạt được các yêu cầu để dạy trên các đối tượng là các ngành nghề trọng điểm quốc tế và khu vực”.

Phạm Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này