Kỳ 2: Chuyện về những “chiến sĩ” lặng thầm trong phòng mổ: Những nỗi ám ảnh

15:58 | 11/09/2018
(LĐTĐ) Với các bác sĩ gây mê hồi sức (GMHS) làm việc trong phòng phẫu thuật, mổ cấp cứu,…thì việc chứng kiến bệnh nhân tử vong là việc không hiếm. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ tâm sự mỗi khi có bệnh nhân tử vong, họ lại mất cả đêm không ngủ vì suy nghĩ và ám ảnh. Và nhiều bác sĩ vẫn giật mình thon thót khi nghe thấy các ca tử vong do tai biến từ đồng nghiệp tại các bệnh viện khác.
ky 2 chuyen ve nhung chien si lang tham trong phong mo nhung noi am anh Đằng sau những cánh cửa phòng mổ

Tử vong do tai biến

Theo PGS.TS Công Quyết Thắng, Chủ tịch Hội gây mê Việt Nam, từ khi kỹ thuật gây mê ra đời đã góp phần thành công trong các cuộc phẫu thuật phức tạp như: Mổ tim, mổ phổi, ghép tạng,… Tuy nhiên, cũng như nhiều loại thuốc khác, thuốc gây mê có những tác dụng phụ, gây ra tai biến. Một trong những nguyên nhân gây tử vong trong các ca phẫu thuật là tác dụng phụ của thuốc gây mê.

Tác dụng phụ này thường xảy ra ở trẻ sơ sinh, người lớn tuổi do hệ miễn dịch suy yếu. Đặc biệt, là trên những người mắc bệnh nặng, có nguy cơ cao như: Bệnh tim, tiểu đường, bệnh về máu, hen suyễn, viêm phổi,…Mặt khác sự lựa chọn thuốc trên những bệnh nhân này cũng bị giới hạn. Hoặc có những trường hợp người bệnh chưa từng bị dị ứng với thuốc, không mắc các bệnh nguy hiểm, nhưng vẫn xảy ra rủi ro khi thực hiện gây mê.

ky 2 chuyen ve nhung chien si lang tham trong phong mo nhung noi am anh
Các bác sĩ GMHS tập trung cao độ gây mê cho bệnh nhân trước mổ.

Đối với những trường hợp bệnh nhân bị dị ứng thuốc, cần có thuốc hỗ trợ.Trong phòng mổ, để gây mê cho bệnh nhân cần rất nhiều loại thuốc khác nhau, có người trên chục loại, bởi vậy nguy cơ dị ứng thuốc là dễ xảy ra.Theo các bác sĩ, bất cứ loại thuốc nào khi được tiêm vào cơ thể thì đều có khả năng dị ứng thuốc. Và cấp độ cao nhất là sốc phản vệ do thuốc. Đây là tình trạng tác dụng phụ của thuốc ở mức nặng nhất.Với những trường hợp này nếu không xử lý kịp thời và đúng phác đồ thì ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh.Hoặc nhiều bệnh nhân sốc thuốc từ tuyến trước chuyển đến ở thể tối cấp thì nguy cơ tử vong rất cao.

Còn bác sĩ Nguyễn Viết Nghĩa, Phó trưởng Khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Phổi Trung ương thì tâm sự: “Bác sĩ gây mê sợ nhất là sốc phản vệ do tiêm thuốc, bởi cùng một lúc mình dùng cho bệnh nhân rất nhiều loại thuốc khác nhau. Nhất là sốc phản vệ trên nền những bệnh nhân có bệnh về tim và phổi thì rất phức tạp.

Tuy nhiên, sốc phản vệ cũng hiếm khi xảy ra”.Không biết bao lần bác sĩ Nghĩa giúp người bệnh có được “giấc ngủ ngon” trong mỗi ca phẫu thuật, nhưng mỗi khi nghe đến các sự số y khoa do gây mê, anh vẫn giật mình thon thót. Suốt 20 năm làm nghề anh vẫn chưa để xảy ra một sự cố, hay gây ra một “án tử” nào cho bệnh nhân trong khi thực hiện chuyên môn. Nhưng làm việc trong ngành y thì không dễ tiên lượng, xử trí được tất cả những sự cố có thể xảy ra. Bởi vậy, với bác sĩ gây mê, nguyên tắc an toàn cho bệnh nhân được đặt lên hàng đầu. Sau đó mới là hiệu quả.

“Thời gian vừa qua xảy ra nhiều sự vụ liên quan đến tai biến y khoa và một phần có thể do những nguyên nhân chủ quan từ người bác sĩ. Bởi vậy, đã làm việc liên quan đến chuyên môn GMHS thì mỗi y, bác sĩ như chúng tôi cần không ngừng nâng cao trình độ, xây dựng nền tảng kiến thức song hành cùng kinh nghiệm, đồng thời, phải rèn luyện tính cẩn thận, kỹ lưỡng làm việc có nguyên tắc. Bởi bác sĩ gây mê không được sai dù chỉ một ly, làm sao để gây mê càng đơn giản mà vẫn tiến hành ca mổ tốt” - bác sĩ Nghĩa nói.

“Thời gian vừa qua xảy ra nhiều sự vụ liên quan đến tai biến y khoa và một phần có thể do những nguyên nhân chủ quan từ người bác sĩ. Bởi vậy, đã làm việc liên quan đến chuyên môn GMHS thì mỗi y, bác sĩ như chúng tôi cần không ngừng nâng cao trình độ, xây dựng nền tảng kiến thức song hành cùng kinh nghiệm, đồng thời, phải rèn luyện tính cẩn thận, kỹ lưỡng làm việc có nguyên tắc. Bởi bác sĩ gây mê không được sai dù chỉ một ly, làm sao để gây mê càng đơn giản mà vẫn tiến hành ca mổ tốt” - bác sĩ Nghĩa nói.

Theo các chuyên gia y tế, sốc phản vệ trong gây mê có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đơn cử như sự việc hai bệnh nhân tử vong ở Bệnh viện Trí Đức ngày 25/12/2016 đều có biểu hiện sốc sau 30 giây tiêm các loại thuốc gây mê.Được biết, sau gây mê, cả hai bệnh nhân trên đều có biểu hiện sốc phản vệ như: Khó thở, tụt huyết áp, trụy mạch, nhận thức lơ mơ,… ngay lập tức hai bệnh nhân được cấp cứu tại chỗ rồi chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai nhưng đều không qua khỏi.

Trên cơ sở diễn biến báo cáo của Bệnh viện Trí Đức về hai ca tử vong sau gây mê tại Bệnh viện này, các chuyên gia y tế kết luận: Quy trình gây mê và sử dụng thuốc mê cho hai bệnh nhân này phù hợp với quy định của Bộ Y tế. Sau ca tử vong, hội đồng kết luận, chẩn đoán hai bệnh nhân tử vong do suy tuần hoàn, suy hô hấp cấp trong thời gian khởi mê, nghĩ nhiều đến sốc phản vệ nặng. Và kết quả này phù hợp với kết quả giải phẫu bệnh.Như vậy, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trong một số trường hợp dù bác sĩ gây mê đã cố gắng hết sức mà bệnh nhân vẫn tử vong là điều vô cùng đáng tiếc.

Theo PGS. Thắng: “Biến cố có thể xảy ra với tất cả các thủ thuật có thể can thiệp vào người bệnh như tất cả các vật thể lạ đưa vào cơ thể người bệnh (Vắc xin, thuốc men…), và bác sĩ gây mê luôn phải sẵn sàng để đối phó vì nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Trong khi gây mê là một công đoạn quan trọng trong các thủ thuật y tế. Các bác sĩ gây mê là người chịu trách nhiệm về chuyên môn, kỹ thuật gây mê, các thủ thuật trên người bệnh. Bởi vậy, nỗi ám ảnh bệnh nhân có thể tử vong do sốc phản vệ trong khi gây mê đối với các bác sĩ GMHS là điều có thể hiểu được.

Áp lực vì nhìn bệnh nhi… nghĩ tới con mình

Nhiều năm công tác hoạt động lâm sàng tại Bệnh viện, bác sĩ Nghĩa đã mổ nhiều ca bệnh đặc biệt. Theo bác sĩ Nghĩa chia sẻ, đã có trường hợp, anh bắt buộc phải đi tắt quy trình vì những trường hợp cấp bách. Như ca bệnh chảy máu do chửa ngoài tử cung. Bệnh nhân mạch nhỏ, bắt không được, huyết áp không đo được, da mặt tái nhợt. Trong bụng có 3 – 4 lít máu. Bác sĩ Nghĩa cho hay: “Với những ca bệnh như trên, phải tiến hành gây mê và mổ ngay lập tức.

Cấp bách đến độ chỉ cần đi găng tay và sát khuẩn là phải tiến hành mổ ngay. Bởi chỉ cần chậm chễ 1 vài phút là nguy hiểm tới tính mạng bệnh nhân”.Hay có những ca khối u xâm lấn vào mạch máu, khi bác sĩ phẫu thuật bóc tách thì gây vỡ mạch, máu chảy xối xả. Ca bệnh đã phải truyền tới 80 đơn vị máu, tương đương 20 lít máu. Dù đã cố gắng hết sức, nhưng do bệnh nhân có 1 loạt các rối loạn, suy giảm chức năng của nhiều tạng, nên sau 2 tuần điều trị bệnh nhân vẫn không qua khỏi. Với người thầy thuốc, đó là một sự thất bại.

Hàng chục năm “canh gác” ở ranh giới sinh tử, bác sĩ Nghĩa chia sẻ những giờ phút khó khăn nhất của anh là khi thực hiện các ca GMHS cho bệnh nhi. Bởi đối với trẻ em, cách dùng thuốc và liều thuốc rất khác so với người lớn, diễn biến bệnh nhanh, sức chịu đựng kém. Bởi vậy, với những ca mổ cho bệnh nhi thì sự chuẩn bị, tính toán bao giờ cũng cẩn trọng và kỹ lưỡng đến từng chi tiết nhỏ.

“Đặc biệt, gây mê cho những cuộc mổ của những cháu nhỏ, suy dinh dưỡng yếu ớt, thấy các cháu thiệt thòi và thương vô cùng. Nhiều khi mổ cho bệnh nhi, lại liên tưởng tới con mình… nên cảm thấy áp lực hơn”, bác sĩ Nghĩa tâm sự. Hơn 20 năm trong nghề, bác sĩ Nghĩa đã tích lũy được những cách chấn an tinh thần với các bệnh nhi để các cháu không quá sợ hãi trong quá trình gây mê trong phòng mổ.

“Kỳ thực, bất kể là bé trai hay gái, khi được đưa vào phòng phẫu thuật kín và xa lạ đều sẽ hoảng sợ. Nên công việc của nhân viên y tế là tìm mọi cách để trấn an tâm lý của trẻ nhỏ, như cho bố mẹ vào cùng các cháu đến khi thuốc gây mê có tác dụng, hỏi chuyện, kể những bộ phim hoạt hình mà trẻ nhỏ thích,… để các cháu phân tâm bớt lo sợ và chìm dần vào giấc ngủ. Những việc làm như vậy xuất phát từ trách nhiệm là bác sĩ, vừa là một người bố cảm nhận nỗi sợ hãi của con mình, để từ đó có thể làm những điều tốt nhất cho bệnh nhi”, bác sĩ Nghĩa cho biết thêm.

Minh Khuê

Kỳ 3: Những nguy cơ phơi nhiễm bệnh của bác sĩ gây mê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này