Lễ hội biến tướng sẽ bị xóa sổ

08:02 | 08/09/2018
(LĐTĐ) Những năm qua, dư luận không khỏi bức xúc về nội dung tổ chức lễ hội ở một số địa phương. Mặc dù từ cấp trung ương đến địa phương đã có nhiều biện pháp quản lý, song những phong tục tập quán lạc hậu, hình ảnh phản cảm vẫn tràn ngập trên các phương tiện thông tin, điều đó chứng tỏ sự biến tướng của các lễ hội vẫn đang là vấn đề “nóng” của xã hội.
le hoi bien tuong se bi xoa so Ám ảnh rác thải trong kỳ nghỉ lễ, lễ hội
le hoi bien tuong se bi xoa so Bùng nổ chuỗi lễ hội đặc sắc tại “thành phố pháo hoa” hè 2018

Có lẽ người dân vẫn không khỏi giật mình khi xem lại những hình ảnh “cướp” trong lễ hội như “cướp lộc ở Chùa Hương”, “cướp ấn Đền Trần”, “cướp lộc hoa tre ở Hội Gióng”, “cướp phết ở làng Hiền Quan”… hay những lễ hội mang tính bạo lực ngay từ khâu tổ chức như “chém lợn tại lễ hội của làng Ném Thượng, Bắc Ninh”, các lễ hội chọi trâu ở một số địa phương như Hải Phòng, Yên Bái… với hình ảnh máu me, kích động và gây chết người…

le hoi bien tuong se bi xoa so
Lễ hội là nơi tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống.

Một đất nước có bề dày lịch sử dựng nước và giữ nước hàng mấy ngàn năm, là một quốc gia như một đại gia đình gồm 54 dân tộc anh em nên mang trong mình rất nhiều bản sắc riêng. Con số gần 9.000 lễ hội hàng năm, trung bình 25 lễ hội diễn ra trong ngày chính là thể hiện sự đa dạng, phong phú, mang tính chất riêng biệt của mỗi dân tộc, vùng, miền địa lý, lịch sử… giúp con người nhớ về nguồn cội, hướng thiện và nhằm tạo dựng một cuộc sống tốt lành, yên vui. Song tiếc thay lễ hội đã và đang bị biến tướng vô cùng nặng nề. Mặc dù, đã có nhiều văn bản cấm, chấn chỉnh các hoạt động lễ hội biến tướng, phản cảm nhưng dường như nhiều đơn vị, địa phương vẫn đang dần thương mại hóa những giá trị truyền thống.

Mới đây, Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ đã đưa ra nhiều quy định cứng rắn, biện pháp mạnh nhằm đưa lễ hội trở về với giá trị vốn có của nó, trong đó có quy định “Tạm ngừng tổ chức lễ hội”. Đây là quy định hoàn toàn mới và là biện pháp mạnh để ngăn chặn, đẩy lùi biến tướng, lộn xộn khi triển khai quản lý lễ hội trong thực tế.

Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở Ninh Thị Thu Hương: “Nếu như trước đây, chúng ta còn thiếu những biện pháp ngăn chặn kịp thời, thiếu các quy định mang tính pháp lý cũng như các biện pháp mạnh thì đến nay, sau khi Nghị định ban hành, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương các cấp, các ban tổ chức lễ hội đã có đầy đủ một hệ thống hành lang pháp lý hỗ trợ. Chẳng hạn, như với cướp phết Hiền Quan, thực tế cho thấy yêu cầu đối với công tác tổ chức và quản lý đã quá tải, quá sức đối với UBND cấp xã.

Vì vậy, UBND xã Hiền Quan sẽ phải đề nghị các cấp cùng vào cuộc để tăng cường hiệu lực quản lý. Bởi nếu không đảm bảo an toàn, không đầy đủ các phương án an ninh, tái diễn tình trạng nguy hiểm, bạo lực như một số mùa trước thì lễ hội Hiền Quan có thể sẽ bị “tuýt còi”, tạm ngừng tổ chức theo quy định tại Nghị định này”.

Theo đó, cơ quan có thẩm quyền được quyền yêu cầu bằng văn bản tạm ngừng tổ chức lễ hội trong các trường hợp: Tổ chức lễ hội sai lệch nội dung, giá trị của lễ hội; tổ chức lễ hội gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội; vi phạm các quy định về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường gây hậu quả nghiêm trọng, gây cháy nổ, làm chết người; xảy ra thiên tai, dịch bệnh có ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội ở địa phương; có hoạt động phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt về giá trị di sản, truyền thống của lễ hội, gây hoang mang trong nhân dân.

Trong các trường hợp trên, ban tổ chức lễ hội tự ngừng hoặc ngừng ngay các hoạt động tổ chức lễ hội theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; kịp thời khắc phục hậu quả, đề xuất phương án tiếp tục tổ chức lễ hội trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Theo Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở Ninh Thị Thu Hương, trước khi Nghị định được Chính phủ chính thức ban hành, công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở nhiều nơi vẫn chưa thực sự được chính quyền địa phương các cấp quan tâm triệt để. Sau khi Nghị định ra đời, hành lang pháp lý trong lĩnh vực nhạy cảm này sẽ được thắt chặt, với nhiều biện pháp mạnh. “Nghị định đã đưa ra những quy định chặt chẽ nhằm ngăn chặn kịp thời những biến tướng mà thời gian qua, công tác quản lý lễ hội đã gặp phải.

Đơn cử như một số lễ hội điểm nóng, thu hút đông người, lễ hội có yếu tố bạo lực, nghi thức hiến sinh…, từ nay sẽ được điều chỉnh với những điều khoản rõ ràng tại Nghị định. Các lễ hội mang tính bạo lực, phản cảm, có nghi thức không còn phù hợp với xã hội hiện đại sẽ không được tổ chức”, Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở Ninh Thị Thu Hương nhấn mạnh.

Với những quy định, chế tài rõ ràng của Nghị định, hy vọng rằng trong thời gian sắp tới, những lễ hội “biến tướng” sẽ bị xóa sổ, trả lại “đất sống” cho những lễ hội mang giá trị nhân văn, hướng thiện.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này