Lạm dụng rượu, bia và sự ảnh hưởng đến tương lai đất nước:

Kỳ 2: Khó quản lý?

15:58 | 07/09/2018
(LĐTĐ) Để ngăn ngừa tình trạng lạm dụng thức uống có cồn trong thanh thiếu niên, nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành. Dư luận xã hội rất đồng tình và cho rằng việc cấm bán rượu với nhóm đối tượng chưa đủ tuổi là hợp lý, nhưng để Nghị định đi vào cuộc sống dường như vẫn là điều hết sức khó khăn.
ky 2 kho quan ly Kỳ 1: Hệ lụy sau những “chầu nhậu”

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, đối tượng sử dụng rượu bia đang dần được trẻ hóa với 1/3 số người bắt đầu uống trước tuổi 20. Trong đó, tỷ lệ có uống rượu trong độ tuổi 14 - 17 là 34% và trong độ tuổi 18 - 21 là 57%. Để ngăn ngừa tình trạng lạm dụng thức uống có cồn trong thanh thiếu niên, nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành. Dư luận xã hội rất đồng tình và cho rằng việc cấm bán rượu với nhóm đối tượng chưa đủ tuổi là hợp lý, nhưng để Nghị định đi vào cuộc sống dường như vẫn là điều hết sức khó khăn.

Khó kiểm soát việc kinh doanh bia rượu

Số liệu thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, việc lạm dụng rượu bia ở nước ta đang ở mức báo động. Không ít trẻ vị thành niên sử dụng rượu bia, kéo theo nhiều hệ lụy khó lường, thậm chí đã có trường hợp tử vong do “quá chén”. Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới cấm bán thức uống có cồn cho trẻ dưới 18 tuổi thì dường như ở Việt Nam, việc mua bán rượu bia vẫn quá dễ dàng, khó kiểm soát. Nghị định 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2017 là một ví dụ. Theo đó, hành vi bán rượu cho trẻ em dưới 18 tuổi chính thức bị cấm.

Trong đó, ngay cả bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua internet hay bán rượu bằng máy bán hàng tự động đều bị cấm. Cần phải khẳng định, khi Nghị định được ban hành, dư luận xã hội rất đồng tình với văn bản quy phạm pháp luật này. Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế, tại một số điểm kinh doanh thức uống có cồn và các điểm tạp hóa bán lẻ “rượu quê” trên phố Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng); Xã Đàn (quận Đống Đa); Khương Trung (quận Thanh Xuân)… tình trạng người lớn nhờ trẻ chưa đủ 18 tuổi đi mua rượu, bia vẫn diễn ra.

ky 2 kho quan ly
Quản lý chặt chẽ việc sản xuất rượu thủ công.

Lý giải về việc khó kiểm soát nhóm đối tượng chưa đủ tuổi tiến hành giao dịch, mua bán rượu bia, một chủ cửa hàng trên phố Xã Đàn cho biết, là người kinh doanh doanh nên việc hỏi độ tuổi của khách hàng là hết sức khó khăn. Việc “đoán” tuổi qua vóc dáng, ngoại hình cũng không dễ dàng bởi hiện chế độ dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe của người dân tốt, nhiều người dù tuổi nhỏ nhưng vóc dáng cao trội, thường lớn trước tuổi. Ngoài ra, tâm lý khách hàng cũng sẽ không thấy thoải mái nếu mỗi lần ghé quán lại bị hỏi chứng minh thư.

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, theo Luật sư Lê Thế Vinh (Đoàn luật sư Hà Nội), việc thực thi nghị định trong thực tế gặp không ít khó khăn. Dễ thấy nhất là hiện nay, các cửa hàng tạp hóa cũng bán rượu, nhất là những nhà hàng ăn đều bày bán rất nhiều loại rượu, từ rượu nhập ngoại cho đến rượu nấu cổ truyền của Việt Nam… việc kiểm tra cũng như chế tài xử phạt rất khó. Còn ở những vùng nông thôn, miền núi việc người dân “vô tư” nấu rượu thủ công và bán cho bất cứ ai có nhu cầu, thì càng khó kiểm soát.

Tăng cường quản lý việc cung cấp rượu thủ công

Về các biện pháp quản lý việc cung cấp rượu thủ công mới đây do ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức, đại diện Bộ Công Thương cho biết, hiện nay có hai hình thức sản xuất rượu thủ công. Cụ thể: Sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh và sản xuất rượu thủ công để bán cho các cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại. Hình thức sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh là những cơ sở sản xuất rượu bằng phương pháp thủ công và bán tiêu thụ ra ngoài thị trường, được quản lý bằng việc cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh. Cơ quan cấp giấy phép là Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và hạ tầng các quận, huyện, thành phố thuộc tỉnh.

Còn đối với hình thức sản xuất rượu thủ công để bán cho các cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại, theo đại diện Bộ Công Thương, về bản chất các cơ sở này cung cấp rượu để làm nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp đã có giấy phép để chế biến lại thành rượu thành phẩm nên không cần có giấy phép sản xuất rượu để tránh việc cấp phép 2 lần trên cùng 1 sản phẩm.

Tuy nhiên, để quản lý chặt chẽ, các cơ sở này phải tuân thủ các quy định đó là phải có hợp đồng với cơ sở có giấy phép sản xuất rượu và trong trường hợp không bán cho các doanh nghiệp sản xuất rượu thì phải xin cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh. Hình thức này phải đăng ký với chính quyền sở tại. Ngoài hai hình thức trên, đại diện Bộ Công Thương cho biết trên thực tế vẫn còn hình thức rượu thủ công do các hộ dân tự sản xuất và tự tiêu dùng, hiện nay chưa quy định cụ thể với việc quản lý hình thức này.

Nhiều ý kiến cho rằng đề kiểm soát chất lượng rượu thủ công tại Việt Nam thì cần Ban hành Tiêu chuẩn Việt Nam về chất lượng rượu; Ban hành hướng dẫn chuyên môn, quy chuẩn kỹ thuật để cải thiện chất lượng, an toàn thực phẩm đối với rượu thủ công dựa trên kết quả nghiên cứu đánh giá về mức độ ảnh hưởng của nguồn nguyên liệu, thời gian và nhiệt, độ lên men, chưng cất…Các cơ quan chức năng tại địa phương tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu thủ công trên địa bàn; phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vi phạm và công khai trên các phương tiện thông tin để cảnh báo cho cộng đồng.

Ngoài ra, một số ý kiến cũng nhận định, khái niệm của người dân về chất lượng rượu không dựa theo các tiêu chí lượng hóa mà chỉ dựa trên các tiêu chí cảm tính. Rượu uống vào thấy nhẹ người được cho là chất lượng tốt. Theo họ, rượu mới nấu thường còn nhiều độc tố, nhưng cất giữu lâu ngày thì độc tố sẽ bay đi và rượu trở nên ngon hơn, chất lượng cao hơn. Người dân còn đặt niềm tin vào chất lượng của rượu tự nấu tại quê nhà vì họ cho rằng rượu tự nấu được sản xuất bằng những nguyên liệu ngon, đảm bảo.

Tuy nhiên trên thực tế, nhiều hộ gia đình đã chạy theo lợi nhuận, dùng các loại men không rõ nguồn gốc hoặc pha thêm vào rượu tự nấu các loại cồn công nghiệp để tăng nồng độ của rượu. Do đó, theo các đại biểu, việc truyền thông nâng cao ý thức của người dân về sử dụng rượu thủ công phải được tiếp tục đẩy mạnh. Các thông tin về kiến thức uống, mức độ uống, tại hại của việc lạm dụng rượu cần được chuyển tải tới người dân. Thông điệp “uống có trách nhiệm” cần được thẩm thấu vào nhận thức của người dân thông qua nhiều kênh tuyên truyền khác nhau.

Võ Giang – Đinh Luyện

(Còn nữa)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này