Mùa tựu trường: Ghi nhận ở “làng” công nhân

08:46 | 01/09/2018
(LĐTĐ) Một năm học mới lại bắt đầu. Đối với những phụ huynh là công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố tâm trạng vui, buồn lẫn lộn. Vì đa số ở nhà thuê, nên chúng tôi gọi là “làng” công nhân.
mua tuu truong ghi nhan o lang cong nhan Đa dạng thị trường đồ dùng học tập mùa tựu trường

Con chúng tôi cũng được học trường công lập

Chia sẻ với phóng viên báo Lao động Thủ đô trước thềm năm học mới 2018 - 2019, nhiều công nhân thuê trọ đã bày tỏ niềm vui mừng vì họ may mắn xin được cho con vào học trường công lập và vui mừng hơn khi họ được gần gũi, quan tâm, chăm lo, đồng hành cùng con trong những chặng đường sắp tới.

Chị Nguyễn Thị Nhung (quê Lào Cai), công nhân Công ty Canon (KCN Thăng Long) chia sẻ: “Con tôi năm nay bắt đầu vào lớp 1, trước đó vợ chồng tôi lo lắng sẽ phải gửi con về quê cho đi học vì nghe nhiều người nói công nhân thuê trọ xin cho con học trường công lập ở thành phố rất khó mà trường tư thì học phí đắt đỏ lại xa chỗ trọ, vợ chồng tôi không kham nổi. Người ta nói là vậy, nhưng đến đợt nộp hồ sơ, tôi vẫn chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cần thiết như sổ tạm trú dài hạn, giấy khai sinh của con… để nộp vào trường Tiểu học Hải Bối (Đông Anh, Hà Nội) và con tôi đã được nhận vào học.”

mua tuu truong ghi nhan o lang cong nhan
Phía sau niềm vui của con em ngày tựu trường là những lo toan của cha mẹ là công nhân.

Theo chị Nhung, chuẩn bị cho con bước vào năm học mới có vô số thứ cần phải lo, nào là quần áo, sách vở rồi các khoản phí đầu năm học để đóng cho nhà trường. Gánh nặng trên vai là thế nhưng vợ chồng tôi sẽ cố gắng, bởi ai đó đã từng nói “có thể bạn là công nhân nhưng sau này con bạn sẽ là giáo sư” vì thế vợ chồng tôi sẽ dành những điều tốt đẹp nhất cho con cái và lo cho con ăn học đầy đủ. Tôi cũng cảm thấy thực sự rất vui mừng và may mắn khi con mình được vào học trường công lập, được ở gần bố mẹ và chúng tôi được quan tâm, chăm sóc và đồng hành cùng con trên những chặng đường con sẽ đi.

Cùng chung niềm vui vì con được học trường công lập như bao công nhân thuê trọ khác, chị Trần Thị Lụa (quê Phú Thọ), công nhân Công ty Panasonic (KCN Thăng Long) cũng bày tỏ: “Vợ chồng tôi có một cháu được 3 tuổi đang học tại Trường Mầm non Kim Chung. Vì tôi chỉ làm giờ hành chính, thuận tiện giờ đưa đón nên hai vợ chồng quyết định xin cho con vào học trường công lập để tiết kiệm chi phí. Trước đó, chồng tôi cũng đã chủ động chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, đặc biệt là sổ đăng ký tạm trú dài hạn.

Nhằm góp phần chung tay, chia sẻ với những khó khăn của thanh niên công nhân để con của các gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn có thêm điều kiện đến trường, thắp sáng niềm tin cho những ước mơ tươi đẹp của thế hệ tương lai, Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội đã triển khai đến 30 quận, huyện, thị đoàn thành lập các đội hình hỗ trợ con công nhân, đồng thời thành lập 04 đội hình thanh niên tình nguyện hỗ trợ con công nhân cấp thành phố bao gồm: Đội thanh niên tình nguyện hỗ trợ chăm sóc sức khỏe con công nhân sẽ tổ chức khám bệnh và tư vấn sức khỏe cho con công nhân định kỳ hằng năm; Đội hình thanh niên tình nguyện đồng hành trong học tập con công nhân sẽ hỗ trợ dạy học miễn phí trong dịp hè và duy trì câu lạc bộ tiếng Anh, mô hình ôn luyện thi đại học miễn phí tại thôn Lại Đà (Đông Hội, Đông Anh) cho con công nhân.

Đội hình thanh niên tình nguyện đồng hành nâng cao thể chất, tinh thần con công nhân với nòng cốt là đoàn viên thanh niên duy trì sân chơi cuối tuần tại khu nhà trọ cho con công nhân, thành lập các câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao tại các khu nhà ở công nhân, địa bàn dân cư nơi có nhiều công nhân sinh sống, tổ chức các giải thi đấu giao lưu thể thao giữa các chi đoàn dân cư và đoàn viên thanh niên tại các khu nhà ở công nhân; Đội hình thanh niên tình nguyện đưa đón con công nhân đi học với lực lượng nòng cốt là đoàn viên thanh niên phối hợp với ban quản lý khu nhà trọ và các gia đình công nhân làm ca, kíp không sắp xếp được thời gian đón con tại các trường mầm non, tiểu học để đưa đón các cháu đến trường an toàn.

Nhớ lại những ngày sau khi nộp hồ sơ xin học cho cháu, tôi cảm thấy rất hồi hộp và đã thực sự vui mừng khi biết tin con mình có tên trong danh sách nhập học. Nếu không, chúng tôi sẽ phải gửi con ở các cơ sở mầm non tư nhân, chi phí đắt đỏ mà lại không biết chất lượng ra sao và có an toàn hay không, đặc biệt là gần đây liên tiếp xảy ra những vụ bạo hành trẻ em ở các cơ sở mầm non tư thục.”

Bộn bề những nỗi lo

Vui mừng khi con được cắp sách tới trường, nhưng ẩn sâu trong nụ cười, ánh mắt của những công nhân có con đi học đó là những nỗi lo toan. Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Định (quê Thái Bình), công nhân đang làm việc tại Công ty Jtec (KCN Thăng Long) giãi bày: Vợ chồng tôi có hai cháu, một cháu học ở Trường THCS Kim Chung và một cháu học ở Trường Tiểu học Kim Chung. Cứ đến đầu năm học mới là vợ chồng tôi lại “toát hết cả mồ hôi” vì bao nhiêu khoản phải lo.

Trung bình, để chuẩn bị cho các cháu vào năm học mới, vợ chồng tôi chi khoảng từ 8 đến 10 triệu đồng để mua sách vở, quần áo và đóng các khoản phí đầu năm học. Riêng khoản tiền đó chúng tôi cũng phải dành dụm, tiết kiệm từ 3 - 4 tháng trước. Mặc dù tốn kém, song vợ chồng tôi vẫn cố gắng, quyết tâm đầu tư cho các con ăn học thành tài.

“Ngoài việc cố gắng lo cho các con ăn học tại trường như bạn bè cùng trang lứa, tôi cũng luôn có ý định cho các con được tham gia những lớp học thêm về ngoại ngữ, kỹ năng sống và được tham gia các hoạt động vui chơi bổ ích để phát triển toàn diện về nhân cách, trí lực và thể lực. Nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn nên tôi chưa thể làm được điều đó và bản thân công nhân lao động chúng tôi cũng gặp nhiều hạn chế trong việc hỗ trợ các con học tập.

Vì vậy, tôi mong rằng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên… có biện pháp và hình thức hỗ trợ để con em công nhân có hoàn cảnh khó khăn có thêm điều kiện để học tập, phát triển toàn diện về thể chất và năng lực, tiếp thêm động lực để các con vững bước tới tương lai” - anh Định chia sẻ.

Bên cạnh việc lo các khoản phí đầu năm cho con đi học, nhiều công nhân thuê trọ do không sắp xếp được thời gian đưa đón con nên đã phải chấp nhận gửi con về quê nhờ ông bà chăm sóc hoặc gửi con ở trường tư thục. Chị Vũ Thị Lan (quê Thanh Hóa), công nhân đang làm việc tại Công ty Hanel (KCN Sài Đồng) chia sẻ: “Cháu nhà tôi năm nay đã đến tuổi đi học mầm non, vợ chồng tôi đều muốn xin con vào học trường mầm non công lập nhưng ở đó các cô chỉ làm việc giờ hành chính, trong khi đặc thù công việc của công nhân lao động là thường xuyên tăng ca, đi sớm về muộn nên chúng tôi không sắp xếp được thời gian đưa đón con đi học.

Vì vậy, hai vợ chồng đã quyết định gửi con về quê nhờ ông bà ngoại chăm sóc và cho đi học ở quê. Cả hai vợ chồng nhiều lúc rất nhớ con nhưng cố nuốt nỗi nhớ vào trong vì cuộc sống mưu sinh. Mấy năm nữa, khi cháu lớn khôn, tự chăm sóc được cho bản thân thì vợ chồng tôi sẽ lại đón lên và xin cho đi học ở trường công lập trên này.”

Cùng gặp phải khó khăn trong việc sắp xếp thời gian đưa đón con đi học nếu gửi trường công lập như gia đình chị Lan, anh Vũ Văn Tĩnh (quê Thái Nguyên), đang làm việc tại Công ty sản xuất bao bì (KCN Phú Nghĩa) nói: “Con tôi đang năm nay được 3 tuổi, do không đón được ông bà ở dưới quê lên trông con và không sắp xếp được thời gian đưa đón con nếu gửi ở trường công lập nên vợ chồng tôi đã quyết định gửi con ở một cơ sở mầm non tư thục.

Mặc dù phải chịu học phí đắt hơn trường công lập nhưng đổi lại thời gian đưa đón con đi học thoải mái hơn. Cho con đi học ở cơ sở mầm non tư thục tôi chỉ mong sao con mình được các cô yêu thương chăm sóc và không bị bạo hành. Tôi cũng mong rằng Nhà nước có chính sách đổi mới công tác quản lýgiáo dục ở cấp mầm non để công nhân lao động được gửi con ở trường công lập sao cho thuận tiện với giờ giấc làm việc của công nhân.”

Mai Quý

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này