Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nhãn chín muộn

14:10 | 03/09/2018
(LĐTĐ) Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật đồng bộ hóa, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nhãn chín muộn; xây dựng mạng lưới quản lý chuỗi sản phẩm từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ  
tap trung phat trien nhan chin muon o ha noi Hà Nội: Tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất nhãn chín muộn năm 2018
tap trung phat trien nhan chin muon o ha noi Nhãn chín muộn – đặc sản nông nghiệp của Thủ đô
tap trung phat trien nhan chin muon o ha noi Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến tiêu thụ đặc sản nhãn chín muộn Hà Nội 2018

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho thấy, năm 2018 tổng diện tích trồng nhãn 1.722 ha, sản lượng ước tính đạt 25.000 tấn, trong đó có khoảng 600ha là nhãn chín muộn. Hiện nay giống nhãn chín muộn tại Hà Nội chủ yếu gồm 2 giống nhãn HTM1 và HTM2 tập trung tại các huyện Quốc Oai, Hoài Đức và rải rác tại một số huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ba Vì, Đan Phượng…

Theo quy hoạch đến năm 2020, một số vùng sản xuất nhãn chín muộn tập trung tại Hà Nội: Vùng Nhãn ven sông Đáy thuộc huyện Quốc Oai: Xã Đại Thành, diện tích năm 2018: 165 ha. Đến năm 2020 diện tích đạt 200ha; Vùng Nhãn ven sông Đáy thuộc huyện Hoài Đức, bao gồm các xã An Thượng, Đông Lao, Song Phương, diện tích quy hoạch đến năm 2017: trên 160 ha. Đến năm 2020 diện tích đạt 250ha; Vùng Lam Điền, Thụy Hương - huyện Chương Mỹ: Diện tích quy hoạch 100 ha.

tap trung phat trien nhan chin muon o ha noi
Ngành nông nghiệp Thủ đô sẽ tiếp tục xây dựng các vùng sản xuất nhãn chín muộn an toàn, bền vững. (Ảnh Hà Nội mới)

Định hướng phát triển nhãn chín muộn trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các huyện, các địa phương quy hoạch, phát triển vùng trồng mới nhãn chín muộn; Xây dựng nên các vùng sản xuất nhãn chín muộn an toàn, bền vững, phát triển sản xuất nhãn chín muộn là sản xuất nông nghiệp chủ lực của Hà Nội. Mục tiêu Ngành đặt ra là phấn đấu đến năm 2020, tổng diện tích sản xuất nhãn chín muộn toàn Thành phố đạt trên 1000 ha; Đẩy mạnh ghép cải tạo giống nhãn chín sớm, chín muộn trên giống nhãn cũ có năng suất, chất lượng thấp.

Ngành Nông nghiệp sẽ đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật đồng bộ hóa, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nhãn chín muộn; Nghiên cứu các biện pháp bảo quản quả nhãn chín muộn đáp ứng yêu cầu rải vụ nhãn nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân; Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn về quản lý, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, bảo quản và xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm cho cán bộ, nông dân các vùng trồng nhãn chín muộn; Xây dựng mạng lưới quản lý chuỗi sản phẩm từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ.

Cùng đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng đã đề ra những giải pháp cụ thể về giống, sản xuất, tiêu thụ. Cụ thể, về giống: Thường xuyên bình tuyển, đánh giá cây đầu dòng để tạo nguồn mắt ghép tốt phục vụ cho sản suất giống; Tăng cường công tác quản lý, giám sát các cơ sở sản xuất cây giống nhằm nâng cao chất lượng cây giống đưa vào sản xuất.

Về sản xuất: Tiến hành ghép cải tạo nhãn chín muộn trên các cây nhãn lâu năm, giống nhãn cũ không cho năng suất cao; Tập trung chỉ đạo sản xuất nhãn chín muộn theo quy trình an toàn, sản xuất VietGAP; Ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc để nâng cao chất lượng quả nhãn chín muộn; Ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ bảo quản cận và sau thu hoạch nhất là công nghệ bảo quản của một số nước tiến tiến để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Về tiêu thụ: Xây dựng các chính sách đặc thù hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông sản nói chung, nhãn chín muộn nói riêng trong quá trình xuất khẩu sang thị trường các nước; Xây dựng chỉ dẫn địa lý với nhãn chín muộn Đại Thành- Quốc Oai; Tiếp tục khai thác tốt các thị trường tiêu thụ truyền thống trong nước, chú trọng việc tiêu thụ ở thị trường nội địa và mở rộng sang thị trường có giá trị cao như Mỹ, các nước khối EU, khu vực Trung Đông.

Bên cạnh đó, Ngành sẽ xây dựng hệ thống phân phối chuyên nghiệp, hiệu quả, kết nối với các doanh nghiệp, tiêu thụ lâu dài và ổn định cho cây nhãn chín muộn; Nghiên cứu, nắm chắc tình hình thị trường, dự báo sản lượng tiêu thụ cụ thể cho từng thị trường và đưa vào chuỗi liên kết sản xuất- chế biến – tiêu thụ; Đưa sản phẩm lên sàn giao dịch nông sản Hà Nội; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên website của Ngành, các cuộc hội chợ, triển lãm … để người tiêu dùng biết đến và tin tưởng, tìm mua nhiều hơn.

Đồng thời, Sở tăng cường tổ chức các Hội thảo nhận diện sản phẩm an toàn và chuỗi giá trị cho người tiêu dùng nhằm nâng cao nhận thức về sản phẩm đối với người tiêu dùng; Hỗ trợ xây dựng hệ thống minh bạch thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc cơ sở sản xuất và sản phẩm bưởi khi tiêu thụ tại hệ thống siêu thị nhằm giúp người tiêu dùng truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

M.Q

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này