Liên bang Nga rời bỏ vai trò nước lớn ở châu Á-TBD?

06:02 | 05/01/2014
LĐTĐ -Trung Quốc và Nhật Bản căng thẳng quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Nga không có ý kiến gì, thậm chí cái vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông mà Trung Quốc lập ra gây “sốc” cho khu vực, Nga cũng không một lời qua tiếng lại. Phải chăng Nga đang từ bỏ vai trò nước lớn của mình ở Châu Á-TBD?

Tình thế đầy duyên nợ của Nga, Nhật Bản và Trung Quốc

Vào thế kỷ thứ 19 Trung Quốc bị xâm lăng, tình trạng được mô tả như “Một miếng thịt, trăm dao xâu xé”. Nước Anh hùng hổ gây hấn đầu tiên, rồi liên quân Anh - Pháp tiến chiếm Bắc Kinh… họ đã có được các điều ước bất bình đẳng mưu chiếm đất theo hình thức cho thuê, giành được Hồng Kông và thu được số tiền bồi thường chiến tranh.

Riêng nước Nga, chỉ cần tốn nước bọt, mượn cớ nói giúp để liên quân Anh - Pháp rút ra khỏi Bắc Kinh rồi bắt ép ký điều ước Trung-Nga 14/11/1860.

Nội dung của điều ước này còn giá trị quan trọng hơn cả quyền lợi của nước Anh, vì những vùng tô giới của Anh hiện nay đã giao hoàn hết cho Trung Quốc, nhưng phần đất trong điều ước Trung-Nga thì vẫn vĩnh viễn nằm trong tay Nga cho đến hiện giờ…

Cũng cần phải đề cập đến nước láng giềng thứ hai của Trung Quốc là Nhật Bản, tuy đến sau nhưng rất hung dữ.

Trong chiến tranh Trung-Nhật năm Giáp Ngọ 1894, sau khi tiêu diệt hạm đội Bắc Dương và quét sạch quân Trung Quốc tại Triều Tiên, quân Nhật Bản đánh chiếm phía Nam tỉnh Liêu Ninh và quân cảng tại Sơn Đông. Sau mấy lần sai sứ giả điều đình nhưng Nhật không chấp thuận, cuối cùng Thanh triều phải cử viên đại thần hàng đầu, Lý Hồng Chương, đến Nhật thương lượng.

Ngày 17/4/1895 họ Lý ký hoà ước nhục nhã Mã Quan, nội dung nhường cho Nhật vùng đất rộng phía nam tỉnh Liêu Ninh, cùng các đảo Đài Loan, Bành Hồ, bồi khoản 2 vạn vạn lượng bạc, số tiền lớn tương đương với ngân sách Trung Quốc trong 2 năm, gấp 8 lần tiền bồi thường cho liên quân Anh-Pháp.

Sau khi Nga, Anh, Pháp can thiệp, Nhật chấp thuận từ bỏ vùng đất phía nam tỉnh Liêu Ninh, nhưng đòi tăng thêm tiền bồi thường.

Với số tiền lớn này, Nhật trang bị thêm vũ khí, để chuẩn bị cho các cuộc xâm lăng mới trong thế chiến thứ 2 mà nếu không nhờ thắng lợi của phe đồng minh thì Trung Quốc không biết sẽ đi về đâu.

Như vậy nói về ân oán thì Trung Quốc không bao giờ quên vùng đất mà Nga đang giữ và cũng không thể nào quên mối thù Nhật Bản mà chủ tịch Mao trước đây, cũng như giới hiếu chiến “diều hâu” sau thời kỳ trỗi dậy, đã kích động dân tộc, trả thù cái gọi là “nỗi nhục 100 năm”.

Tuy nhiên, một tình thế hết sức khó khăn như cuộc đấu bóng đá, Trung Quốc bắt buộc phải thắng Nga mới đòi được đất và thắng Nhật Bản mới trả được thù. Trong khi đó Nga và Nhật Bản chỉ cần bắt tay nhau hòa là Trung Quốc hết cửa…(Đó cũng chính là sách lược của Nhật Bản và không biết chừng cũng là của Nga mà chúng ta sẽ đề cập tới sau).

 Tổng thống Nga V.Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại điện Kremlin ngày 24/4/2013
Tổng thống Nga V.Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại điện Kremlin ngày 24/4/2013

Nga đang ở đâu và làm gì?

Trên biển Hoa Đông, Nga và Nhật Bản cho đến bây giờ 2 nước vẫn chưa có một hiệp ước hòa bình, nhưng rõ ràng, với Nga “tiêu hóa” hết những vùng đất, hòn đảo mà Thế chiến thứ 2 để lại đã là quá đủ, Nga không cần phải bành trướng thêm.

Do đó, phía Bắc, Nhật Bản nếu như chấp nhận hiện trạng thì tình hình sẽ không có gì xảy ra, nghĩa là Nhật Bản chẳng lo lắng gì về Nga.

Vì vậy, khi bị Trung Quốc ép ở vùng biển đảo Senkaku/Điếu Ngư ở phía Nam, Nhật Bản cần phải mưu cầu sự hòa dịu ở phía Bắc để rảnh tay dồn lực đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng ở phía Nam đến từ Trung Quốc.

Đương nhiên, thế đàm phán của Nhật Bản lúc đó sẽ khác đi, Nhật Bản có thể sẽ thay đổi quan điểm mà sự thay đổi này có lợi cho Nga, để “chuyển quan hệ Nga-Nhật Bản sang một chương mới”. Đã có những dấu hiệu cho thấy Nhật Bản sẽ sửa đổi những lập trường cứng nhắc để tiến xa hơn trong quan hệ với Nga.

Còn nhớ trong chiến tranh thế giới lần 2, khi quân đội Đức đã nhìn thấy Điện Kremlin bằng mắt thường, nếu Nhật Bản quyết định tấn công vào vùng Viễn Đông của Liên Xô, lúc đó không có 15 sư đoàn bộ binh, 3 sư đoàn kỵ binh, 1.700 xe tăng và 1.500 máy bay di chuyển từ đó về châu Âu thì Mátxcơva đã chứng kiến cuộc duyệt binh của quân đội Đức.

Trung Quốc nguy hiểm với Nhật Bản hơn Nga, cho nên Nhật Bản sẽ điều lực lượng hải quân, không quân từ phía Bắc về đối phó với Trung Quốc.

Âu đó cũng là một món nợ lịch sử mà Nga đã trả cho Nhật Bản chăng? Tất nhiên, hành động lúc đó của Nhật Bản là vô tình, không phải vì Liên Xô mà chỉ vì Nhật Bản, còn bây giờ thì hành động của Nga cũng chỉ vì lợi ích Nga, song le không phải là vô tình.

Nếu như năm 1972, Trung Quốc và Mỹ bắt tay nhau tạo ra một sự biến chuyển về chất trên khu vực và thế giới như nào thì tác động của việc Nga, Nhật Bản bắt tay nhau trong thời gian tới sẽ có một cục diện rất khó dự đoán cho Châu Á-TBD và thế giới.

Nhật Bản càng “tự do, độc lập” với Mỹ bao nhiêu thì khả năng này càng dễ xảy ra bấy nhiêu. Cho nên, việc Trung Quốc đang cố gắng để chia rẽ liên minh quân sự Mỹ-Nhật Bản là lợi bất cập hại, thậm chí còn tệ hơn khi “tránh vỏ dưa thì gặp vỏ dừa”.

Trung Quốc, Nhật Bản căng thẳng, Nga giống như “con vịt đạp nước”, trên mặt nước thì dường như không có động tĩnh gì nhưng dưới nước lại giở võ chân. Nga lặng lẽ tăng cường sức mạnh quân sự ở Viễn Đông và tính toán sử dụng vũ lực khi cần thiết để bảo đảm quyền kiểm soát đối với nguồn năng lượng; Nga chấp nhận Nhật Bản đầu tư vào khu vực Viễn Đông mà không phải là Trung Quốc…điều này đã nói lên Nga cảnh giác, sẵn sàng với ai trong khu vực.

Bất luận thế nào, trên biển Hoa Đông, Nga cũng đang chờ hưởng lợi.

Trên Biển Đông khu vực ĐNA, an ninh chủ quyền trên biển của Việt Nam gắn liền với an ninh kinh tế của Nga, lợi ích quốc gia Nga.

Đó là lý do vì sao vũ khí tiên tiến, đời mới của Nga cung cấp cho quân đội Việt Nam đã hình thành nên sức chiến đấu mới, mạnh, đủ sức răn đe, giáng trả các thế lực xâm phạm đến chủ quyền biển đảo Việt Nam trên Biển Đông.

Và đương nhiên, ngoài Việt Nam, Nga không từ chối bất kỳ quốc gia nào ở ĐNA có ý muốn mua vũ khí Nga.

Indonesia, Malaysia cũng đều rất cần, đã, đang mua sắm vũ khí của Nga để bảo vệ chủ quyền biển đảo trước sự hung hăng của một số nước.

Bán vũ khí và bán năng lượng là nguồn sống của Liên bang Nga. Nga, nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, đang đối mặt với nguy cơ sụt giảm sản lượng tại các giếng dầu ở tây Siberia trong vài năm tới, trong khi đó, Viện Khảo sát Địa chất Mỹ cho hay Bắc Cực chứa khoảng 30% trữ lượng khí đốt và 15% trữ lượng dầu mỏ chưa được khai thác của thế giới. Quả là một nguồn năng lượng nhiều vô kể và đầy quyến rũ.

Nga, Canada và Đan Mạch đều tuyên bố dãy núi ngầm chạy dọc bên dưới Bắc Cực có tên Rặng Lomonosov dài 1.800 km là một phần trong lãnh thổ của mình.

Tiếc thay, tranh chấp sẽ xảy ra không chỉ gồm có 3 nước này. Ngay cả Trung Quốc cũng đang sẵn sàng cho cuộc chiến Bắc Cực.

Nga đang ở đâu, làm gì vắng lặng trên khu vực châu Á-TBD trong thời gian qua, câu trả lời đã được giải đáp: Họ đang chớp thời cơ hướng sự chú ý của mình tới Bắc Cực; đang bán vũ khí cho các khu vực có tranh chấp căng thẳng và chờ hưởng lợi ở biển Hoa Đông.

Nguồn ĐVO

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này