Hạn chế thành lập doanh nghiệp “sân sau”

11:51 | 28/08/2018
Thực hiện kế hoạch công tác và chương trình xây dựng luật năm 2018 của Quốc hội, ngày 27-28/8, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phối với với Chương trình phát triển Liên hợp quốc và Đại sứ quán Anh tổ chức Hội thảo về “Quy định của dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) về phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực tư”.
han che thanh lap doanh nghiep san sau Thêm 10.839 doanh nghiệp thành lập mới
han che thanh lap doanh nghiep san sau Mỗi ngày, Việt Nam có thêm hơn 340 doanh nghiệp mới

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe trình bày tham luận và thảo luận về các chuyên đề: Sự cần thiết và nội dung mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) ra khu vực ngoài nhà nước, kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam; thực trạng các quy định của pháp luật hiện hành và sự tương thích với Công ước của Liên hợp quốc các quy định về khuyến khích xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh; kinh nghiệm quốc tế về minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ quản lý điều hành các công ty đại chúng và tổ chức tín dụng khu vực ngoài nhà nước; căn cứ, thẩm quyền thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng chống tham nhũng đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, tổ chức xã hội khu vực ngoài nhà nước, việc xử lý vi phạm pháp luật phòng chống tham nhũng của các doanh nghiệp, tổ chức này.

han che thanh lap doanh nghiep san sau
Hội thảo về “Quy định của dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) về phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực tư”

Bên cạnh đó, hội thảo cũng dành sự quan tâm cho ý kiến về các nội dung như sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội trong phòng, chống tham nhũng (trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, trách nhiệm của người có chức vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan báo chí, quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tham nhũng; phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng, trách nhiệm của xã hội; vấn đề kiểm soát tài sản, thu nhập khu vực nhà nước và việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc…

Trước đó, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội cũng đã thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Nhiều đại biểu tán thành sự cần thiết mở rộng ra khu vực ngoài nhà nước.

Cụ thể, mở rộng phạm vi áp dụng đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, các tổ chức xã hội bởi hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp này có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế, đây cũng là các chủ thể huy động vốn đóng góp của nhiều cổ đông hoặc thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện…

Khi kiểm soát chặt chẽ sẽ tránh việc người có thẩm quyền lợi dụng chức vụ được giao hoặc thành lập doanh nghiệp “sân sau” để tham nhũng. Quy định này bảo đảm đồng bộ với Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định trách nhiệm hình sự của người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước về các hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ.

Các đại biểu cho rằng, khi mở rộng ra khu vực ngoài nhà nước, cần đánh giá tác động tính khả thi, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có các quy định chặt chẽ và phù hợp bảo đảm thực hiện phòng, chống tham nhũng nhưng không gây khó khăn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và chính sách, chủ trương khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp của Chính phủ. Bên cạnh đó, cần xem xét, bổ sung chặt chẽ, đồng bộ các quy định để làm căn cứ cho các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, tổ chức xã hội thực hiện minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập.

Những nội dung thảo luận, ý kiến góp ý tại Hội thảo là căn cứ quan trọng để Ủy ban Tư pháp của Quốc hội giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6 diễn ra vào tháng 10/2018.

H.Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này