Quyết liệt trong xử lý vi phạm phòng cháy chữa cháy

13:51 | 24/08/2018
Trước thực trạng nhiều công trình nhà ở, cụm công nghiệp, trung tâm thương mại, chợ… đưa vào sử dụng không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy (PCCC), HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐND ngày 4/7/2017 về “Quy định việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn thành phố Hà Nội được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực”.
quyet liet trong xu ly vi pham phong chay chua chay Cần quyết liệt trong xử lý vi phạm phòng cháy chữa cháy
quyet liet trong xu ly vi pham phong chay chua chay Giám sát về phòng cháy chữa cháy tại huyện Thanh Trì

Tuy vậy, kết quả giám sát mới đây của Ban Pháp chế HĐND Thành phố về việc thực hiện Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐND cho thấy, số công trình được khắc phục vẫn còn ít. Hiện còn 373 nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở cho thuê để ở không bảo đảm về PCCC. Ngoài ra, Thành phố có 111 cụm công nghiệp, 1.350 làng nghề truyền thống, 21 trung tâm thương mại, 132 siêu thị, 454 chợ, 489 cửa hàng xăng dầu, PCCC.

Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND Thành phố chỉ rõ nguyên nhân của tình trạng các cơ sở cõ nguy cơ cháy nổ cao chậm khắc phục là các loại hình tồn tại đa dạng nên việc thống kê, xây dựng phương án khắc phục gặp nhiều khó khăn, nhất là các loại hình kho hàng, xưởng sản xuất nằm xen kẽ trong khu dân cư, các khu tập thể cũ.

Bên cạnh đó, đa số những công trình tồn tại là các nhà chung cư và tập thể cũ; việc thực hiện các biện pháp để xử lý, bảo đảm theo quy định gặp nhiều vướng mắc. Chưa kể, việc đề xuất lộ trình khắc phục, phân công trách nhiệm của các đơn vị đối với các cơ sở thuộc nguồn ngân sách nhà nước còn gặp nhiều khó khăn; chưa có cơ chế tài chính cho việc nâng cấp, cải tạo các chợ...

Ban Pháp chế HĐND Thành phố nhận định, kết quả thực hiện Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐND mới tạo được sự chuyển biến trong nhận thức của hệ thống chính trị. Bởi vậy, thời gian tới, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp, ngành, đơn vị mới khắc phục được những tồn tại.

Vì thế, không dừng ở việc rà soát, kiểm tra, mỗi đơn vị có công trình tồn tại về hạng mục PCCC cháy cần chủ động lập các phương án khắc phục trên cơ sở hướng dẫn, tham mưu của cơ quan chức năng, nhằm đạt được mục đích là bảo đảm an toàn về PCCC. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị phải kiến nghị cấp có thẩm quyền để tháo gỡ kịp thời.

Nguyễn Công

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này