Bệnh viện Mắt Trung ương: “Cò mồi” tái xuất

16:02 | 23/08/2018
Nạn “cò mồi” dụ dỗ, lừa đảo bệnh nhân tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đã tồn tại hàng chục năm nay. Sau một thời gian bị lên án mạnh mẽ và bị các cơ quan chức năng xử lý rốt ráo, tưởng như các “cò” đã không còn “đất sống”. Thế nhưng, thời gian gần đây các “cò” đã xuất hiện trở lại tại nhiều bệnh viện ở Hà Nội, với những thủ đoạn tinh vi hơn.
benh vien mat trung uong co moi tai xuat “Cò” dịch vụ đăng ký xe máy: “Đưa 3,8 triệu đồng, 30 phút sau có giấy tờ”!
benh vien mat trung uong co moi tai xuat Quyết liệt xử lý "cò" chùa Hương

Tinh vi hơn trước

Tới một số bệnh viện lớn tại Hà Nội, đặc biệt vào lúc sáng sớm, khi lực lượng chức năng chưa làm việc, có thể dễ dàng bắt gặp những tay “cò” đứng ở khu vực cổng hoặc bên trong khu lấy phiếu khám của bệnh viện. Thủ đoạn của các “cò” thường là mời người tới khám mua sổ khám bệnh bằng những lời lẽ rất “ngọt”, giàu tính thuyết phục. Sau đó, tùy vào đối tượng mà những người này sẽ tìm lý lẽ để mời gọi, thuyết phục người bệnh bỏ thêm chút tiền để có thể được khám sớm hơn những người bệnh khác.

Để tìm hiểu kỹ hơn về cách thức hoạt động của các đối tượng “cò mồi” nơi bệnh viện, chúng tôi đã đi theo bà Nguyễn Thị Nụ (64 tuổi, Thái Bình) tới khám bệnh tại Bệnh viện Mắt Trung ương (phố Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng). Đến Bệnh viện Mắt Trung ương vào khoảng 5 giờ sáng, mặc dù còn cách cổng viện chừng vài chục mét nhưng bà Nụ đã được một người phụ nữ mời mua sổ khám bệnh với “gợi ý” không cần phải xếp hàng lấy số, muốn khám bác sĩ hay giáo sư đều có.

benh vien mat trung uong co moi tai xuat
Các biển báo của CAP Nguyễn Du luôn được đặt trước cổng Bệnh viện Mắt Trung ương nhằm cảnh báo để người dân tránh xa các “cò mồi”. (Ảnh: PV)

“Phí” khám nhanh là 100 nghìn đồng và phải đưa ngay, còn lệ phí khám thì bà Nụ sẽ tự trả khi lấy phiếu khám. Sau một hồi suy tính, thêm tâm lý lo ngại sợ khám muộn, không kịp lên xe về quê trong ngày nên bà Nụ đã đưa cho người phụ nữ đó 200 nghìn đồng với hi vọng sẽ được “cò” dùng sự quen biết để sắp xếp cho khám sớm.

Thế nhưng, sau khi nhận tiền, người phụ nữ kia lại đưa bà Nụ qua một phòng khám gần bệnh viện chứ không đưa vào Bệnh viện Mắt Trung ương. Bà Nụ thắc mắc thì được giải thích là khám ngoài nhanh hơn, các bác sĩ khám đều là người trong bệnh viện. Đến lúc này, biết mình bị lừa, bà Nụ bực tức đòi lại tiền để vào viện khám thì người phụ nữ kia tỏ vẻ khó chịu và không muốn trả tiền. Khi thấy chúng tôi đưa điện thoại lên chụp hình thì người đó mới trả lại tiền cho bà Nụ rồi bỏ đi.

Quan sát một vòng tại các cửa của Bệnh viện Mắt Trung ương, chúng tôi nhận thấy bà Nụ chỉ là một trong số rất nhiều người đi khám bệnh bị đội “cò” lợi dụng sự thiếu hiểu biết và tâm lý muốn khám nhanh để lừa tiền.Trước đây, lực lượng “cò” này thường tự nhận là người nhà hay “có quan hệ” với các bác sĩ trong bệnh viện, nhưng bây giờ nhiều “cò” còn giả là bệnh nhân đi khám bệnh hoặc đang điều trị tại viện và mách cho các bệnh nhân mới mấy… “dịch vụ tiện ích”. Các đối tượng “cò” này chỉ lảng đi khi thấy bóng dáng của lực lượng an ninh.

Dẹp khó đến thế?

Để tìm câu trả lời cho câu hỏi “Tại sao “cò” vẫn ngang nhiên hoạt động tại Bệnh viện Mắt?”, bác sĩ Nguyễn Trọng Đạt cho biết: Về nạn “cò”, phía bệnh viện đã rất nhiều lần chấn chỉnh nhưng không thể giải quyết dứt điểm do tâm lý người bệnh từ xa về muốn khám nhanh. Lợi dụng điểm yếu này, nhiều “cò” chèo kéo tiền của người bệnh.

Thời gian qua, phía bệnh viện đã treo rất nhiều áp phích, biển báo, loa phát thanh của bệnh viện cũng thường xuyên nói về vấn đề này, với mục đích cảnh báo cho người bệnh biết và tránh bị “cò” lừa đảo. Các y, bác sĩ cũng được quán triệt, không tiếp tay cho “cò”. Nếu phát hiện nhân viên trong bệnh viện có hành vi tiếp tay, móc nối với “cò”, bệnh viện sẽ có hình thức xử lý ngay.

Bác sĩ Đạtcũng cho rằng: “Có cung thì mới có cầu, nguyên nhân chính giúp cho “cò” còn “đất sống” là do chính những người tới khám bệnh. Mặc dù đã có rất nhiều biện pháp cảnh báo, nhưng do tâm lý người dân muốn được khám sớm, muốn được nhanh hơn người khác, nên dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng.”

Về phía cơ quan chức năng, Đại úy Lê Ngọc Thanh - Phó trưởng Công an phường Nguyễn Du cho biết: “Nạn “cò” bệnh viện đã tồn tại từ rất lâu, xuất hiện tại rất nhiều nơi, sở dĩ “cò” xuất hiện cũng xuất phát từ nhu cầu của xã hội. Khi người dân chưa nắm bắt được thông tin, các đối tượng “cò” sẽ tiếp cận và tìm cách lừa gạt”.Theo Đại úy Thanh, việc “cò” vẫn còn hoạt động là do chưa có chế tài xử lý đủ mạnh, mức phạt hiện nay còn thấp, chưa đủ sức răn đe.

Nhằm hạn chế tình trạng bệnh nhân bị “cò mồi” “chặt chém”, ngay tại cổng Bệnh viện, Công an phường Nguyễn Du đã dựng 2 tấm biển cảnh báo, trên đó ghi rõ bệnh nhân khi đến khám mắt tại Bệnh viện Mắt Trung ương tuyệt đối không mua sổ y bạ và chiêu lừa “khám nhanh” của “cò mồi” trước cổng bệnh viện. Ngoài ra, bệnh viện còn phát sổ khám bệnh miễn phí tại khu đón tiếp bệnh nhân, đồng thời có lực lượng bảo vệ hướng dẫn bệnh nhân chi tiết tại khu mua phiếu, khu đón tiếp bệnh nhân BHYT và các khu khám, điều trị.

Cũng theo Đại úy Thanh, để ngăn chặn các đối tượng này, lực lượng Công an phường Nguyễn Du đã có những biện pháp mạnh mẽ như: Lắp 3 camera giám sát an ninh quanh khu vực cổng bệnh viện; đặt các loa phát thanh tuyên truyền cho người dân các thủ đoạn của “cò” và khuyến cáo người dân không mắc mưu của các đối tượng đó.

Đồng thời, từ 5h30 sáng đến 19h 30 tối, ở khu vực cổng bệnh viện liên tục có lực lượng cảnh sát tuần tra, dân phòng thường xuyên chốt trực, hướng dẫn người dân vào khám chữa bệnh để đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông. Nếu phát hiện đối tượng là “cò mồi” sẽ bắt giữ và tiến hành xử phạt theo quy định.

Được biết, năm nào Công an phường Nguyễn Du cũng xử lý đối tượng làm “cò” tại Bệnh viện Mắt Trung ương. Riêng năm 2015, Công an phường Nguyễn Du đã xử lý hơn 60 lượt vi phạm, tất cả các lần vi phạm đều được lập hồ sơ và xử phạt hành chính từ 200 đến 300 nghìn đồng về hành vi “Gây rối, cản trở hoạt động tại bệnh viện”.

“Sau nhiều lần bị xử phạt, các đối tượng này cũng có thêm các hình thức tinh vi như giả danh là người đi bộ, không mang theo sổ khám bệnh bên người, khiến lực lượng Công an rất khó xử lý”- Đại úy Lê Ngọc Thanh chia sẻ: Trong khi chờ đợi chế tài xử lý đủ mạnh, người dân nên tự bảo vệ mình bằng việc tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đến khám bệnh và nghe theo sự hướng dẫn của bệnh viện, thay vì tin theo các đối tượng lạ mặt.

Hà Phong

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này