Để quy hoạch Thủ đô xứng tầm

Kỳ cuối: Đồng bộ hóa đô thị vệ tinh

09:57 | 23/08/2018
Theo quy hoạch chung được duyệt, Hà Nội sẽ chuyển từ mô hình đô thị “đơn cực” sang “đa cực”; từ đô thị một trung tâm sang đô thị đa tâm. Từ chủ trương này, thời gian gần đây nhiều cơ sở kinh tế - xã hội với vai trò “tạo thị” đã được đầu tư góp phần thúc đẩy phát triển đô thị tại các vùng ven đô. Tuy nhiên, phát triển đồng bộ hệ thống các đô thị vệ tinh để đóng góp có hiệu quả cho sự phát triển chung cần có những giải pháp và chiến lược quy hoạch, quản lý phát triển đô thị cụ thể hơn nữa.
ky cuoi dong bo hoa do thi ve tinh Bài 4: Huy động nguồn lực cho đầu tư, phát triển đô thị
ky cuoi dong bo hoa do thi ve tinh Bài 3: Phải dựa trên thực tế địa phương

Bền vững trong tương lai

Sau mở rộng, Hà Nội có diện tích thứ 7 trên thế giới. Thủ đô hiện nay không chỉ bao gồm các vùng lõi lịch sử mà bao gồm khu vực đồi núi phía Bắc và vùng Trung du phía Nam, ưu thế này cần được phát huy hơn nữa trong tương lai.

Chính vì vậy, việc đẩy mạnh phát triển các tổ hợp đô thị hiện đại ở 5 đô thị vệ tinh khi xác định mở rộng địa giới hành chính là một nhu cầu tất yếu của một Thủ đô có dân số hơn 8 triệu người như hiện nay.

Và sự ra đời của những tổ hợp đô thị này không chỉ giải quyết được nhu cầu sinh sống, hưởng thụ của người dân, mà còn đem lại những sắc diện mới đầy cảm hứng cho đô thị nghìn năm tuổi này.

Về vấn đề này, theo TS KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội, Nguyên Kiến trúc sư trưởng Thành phố, thì Hà Nội trước đây cấu trúc chỉ là một đô thị trung tâm thì nay là chùm đô thị với một đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh.

ky cuoi dong bo hoa do thi ve tinh
Một góc khu đô thị mới phía Tây Nam Hà Nội. Ảnh: PV

Bên cạnh đó, Hà Nội đã có sự xen kẽ giữa hành lang xanh đô thị và vùng nông thôn. “Trước đây, quy hoạch Hà Nội nông thôn tỷ lệ rất ít. Tuy nhiên, hiện tại lại chiếm phần lớn và quan trọng. Tương tự, trước đây, Hà Nội có 70% dân cư đô thị thì khi mở rộng, tỷ lệ này giảm 40 - 45%, còn lại là nông dân. Việc mở rộng địa giới hành chính mang ý nghĩa tạo ra khoảng cách giữa đô thị trung tâm và đô thị vệ tinh với hành lang, vành đai xanh, có cấu trúc phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội lâu dài.

Hà Nội vì thế đã có những nhận thức mới về kiến trúc, về các khu đô thị hiện đại ven đô, không chỉ đảm bảo công năng mà cả tính thẩm mỹ. Người dân bước đầu có sự dịch chuyển trong suy nghĩ khi lựa chọn rời phố về quê, dù chưa thật sự đột biến. Để giải quyết những tồn tại bức xúc mang tính cục bộ hiện nay trong nội đô, đô thị vệ tinh là mô hình cơ bản, là giải pháp quan trọng nhất” – TS Đào Ngọc Nghiêm phân tích.

Nguyên kiến trúc sư trưởng Thành phố cũng cho rằng, trong xác định không gian mới cho Hà Nội, yếu tố văn hóa, bảo tồn di sản là vấn đề được đặt ra đúng mức. Do đó, việc xác lập hợp lý cơ cấu, quy mô các khu chức năng sẽ là tiền đề để phát triển bền vững, để Hà Nội luôn đủ điều kiện xứng tầm là Thủ đô. Bên cạnh đó, để diện mạo mới của Hà Nội thêm “Xanh – Sạch – Văn minh – Hiện đại”, thành phố còn phải giải quyết thỏa đáng hệ thống khung hạ tầng kỹ thuật cho lâu dài khi vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu đang được cả thế giới quan tâm.

Kiểm soát tốt quá trình đô thị hóa ngoại vi

“Về cơ bản, quá trình đô thị hóa của Hà Nội đã được kiểm soát bằng quy hoạch, dựa vào đó nhiều dự án bất động sản đang được triển khai một cách bài bản. Tuy vậy, quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch sau này mới có tính quyết định, vì rất có thể quy hoạch một đằng nhưng xây dựng lại một nẻo như thực tiễn phát triển vừa qua tại một số khu vực của Hà Nội đã chứng tỏ.

Sự chênh lệch giữa quy hoạch và thực tế phát triển bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như quy hoạch không sát với nhu cầu hoặc các biến động bất ngờ của thị trường cũng như biến đổi khí hậu, hay có thể là do tình trạng yếu kém của công tác quản lý nhà nước và sự thao túng của các nhóm lợi ích” – TS Phạm Sỹ Liêm, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, PCT UBND thành phố Hà Nội, PCT Tổng hội Xây dựng Việt Nam khóa VII.

Lấy dẫn chứng về các địa phương tại khu vực phía Bắc Sông Hồng Hà Nội, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam khóa VII - TS. Phạm Sỹ Liêm đặt vấn đề về kiểm soát đô thị hóa ngoại vi lên hàng đầu. Theo TS Phạm Sỹ Liêm, mỗi một đô thị là cực tăng trưởng của khu vực bao quanh nó.

Trong đó, có vùng ven đô. Khu vực này chịu tác động trực tiếp và mạnh mẽ về nhiều mặt từ đô thị hạt nhân, kể cả tác động đô thị hóa. Quá trình này biến các khu vực giáp ranh thành khu vực nửa nông thôn nửa thành thị, gọi tắt là “thôn thị”, còn quá trình đô thị hóa tại đây được gọi là “đô thị hóa ngoại vi”. Ngày nay, khi nghiên cứu về sự phát triển bền vững của các đô thị, các chuyên gia đô thị học nhận thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của mối liên kết “đô thị - nông thôn” và quá trình đô thị hóa ngoại vi.

“Đô thị hóa ngoại vi thường bắt đầu bằng việc xuất hiện nhà ở kiểu đô thị và các dự án phát triển chung cư. Tiếp đó, nhiều đất nông nghiệp được chưng dụng để xây dựng sân bay, đường sắt, đường cao tốc, kho hàng, bãi rác, nghĩa trang… Sản xuất nông nghiệp tại đây cũng có xu hướng giảm bớt lương thực để chuyển sang rau, hoa, quả và chăn nuôi nhằm cung ứng thực phẩm tươi sống cho nội đô. Người dân nhập cư tăng nhanh, bao gồm người từ nội đô ra và người ở nơi khác đến.

Tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm xuống, nhiều lao động hàng ngày vào làm việc trong nội đô hoặc trong các nhà máy, khu công nghiệp mới mở tại chỗ. Cảnh quan và lối sống nông thôn tuy vẫn còn tồn tại nhưng đã pha trộn nhiều yếu tố đô thị. Quá trình đô thị hóa ngoại vi thu hút nhiều vốn đầu tư, giúp tăng trưởng nhanh GDP nhưng cũng khiến môi trường bị suy giảm, chất lượng cuộc sống cũng bị hạn chế do thiếu thốn các dịch vụ như giáo dục, y tế và bán lẻ” – TS Phạm Sỹ Liêm cho biết.

Thực tế đang diễn ra cũng cho thấy, việc kiểm soát đô thị hóa ngoại vi luôn là công việc đầy thách thức, vì đây là nơi giao thoa giữa đô thị và nông thôn. Thế nhưng hoạt động này lại rất cần thiết vì không chỉ để đảm bảo chất lượng cuộc sống và sự phồn vinh tại đây, mà còn để trong tương lai, khi nó được sát nhập vào nội đô thì khu vực nội đô không phải hứng chịu hậu quả của tình trạng đô thị hóa tự phát hỗn loạn tại đây.

Hơn đâu hết, các khu đô thị mới, cửa ngõ sẽ góp phần tạo nên bộ mặt hiện đại của Thủ đô Hà Nội trong thế kỷ XXI, vì vậy quá trình kiểm soát đô thị hóa phải đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ từ đầu và hàng năm cần được tổng kết, đánh giá. Vì vậy, cần sớm phân tích những thực trạng và đưa ra được các nguyên tắc chỉ dẫn công tác quy hoạch ngoại vi phù hợp với thực tiễn địa phương.

Khát vọng về một Thủ đô “Xanh – Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” đô thị phát triển năng động hiệu quả, có sức cạnh tranh cao trong cả nước, khu vực và quốc tế… là trách nhiệm cũng như mong muốn không chỉ của chính quyền, nhân dân Thủ đô mà còn là tâm nguyện của nhân dân cả nước.

Đây cũng là đòi hỏi cao đối với công tác quy hoạch, phát triển kiến trúc, cảnh quan môi trường… Hà Nội đang có nhiều lợi thế từ vai trò, vị thế, cơ chế chính sách đến nguồn lực. Chắc chắn, một Hà Nội mới trong tương lai với quy hoạch chung có chất lượng cao, có sự tham gia của cộng đồng, cách quản lý chặt chẽ sẽ là Thủ đô phát triển bền vững và hội nhập.

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này