Xã Nam Phú, huyện Tiền Hải, Thái Bình

Người dân mòn mỏi đợi hỗ trợ thiên tai

14:19 | 21/08/2018
Đã hơn 2 năm kể từ khi UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt phương án hỗ trợ khôi phục sản xuất cho người nuôi trồng thủy sản – (NTTS) bị thiệt hại trong đợt rét đậm, rét hại đầu năm 2016, đến nay UBND huyền Tiền Hải vẫn chưa giải ngân hỗ trợ khôi phục sản xuất cho hàng chục hộ dân xã Nam Phú.

Đứng trước cánh đồng mênh mông nước của xã Nam Phú, ông Tống Xuân Tuân (ở thôn Bình Thành, xã Nam Phú, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) chỉ cho chúng tôi thấy toàn cảnh cánh đồng NTTS hơn 100 ha của người dân Phú.

Trong đó, gia đình ông Tuân có gần 1 ha nuôi cá vược theo mô hình nuôi cá thương phẩm do phòng Nông nghiệp huyện Tiền Hải hướng dẫn. Tuy nhiên, đã hơn 2 năm qua, ông Tuân vẫn đang đợi chờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong việc khôi phục sản xuất cá thương phẩm bị ảnh hưởng do đợt rét đậm, rét hại đầu năm 2016.

Ông Tuân cho biết: “Năm đó, diễn biến thời tiết thất thường. Toàn bộ số cá Vược gia đình nuôi bị chết do rét đậm, rét hại. Cán bộ phụ trách thủy sản đến nhà xem xét và thống kê thiệt hại của gia đình tôi là 100%.

Theo chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất của UBND tỉnh Thái Bình, tôi và các hộ NTTS trong xã được gọi lên UBND ký xác nhận số lượng thiệt hại sau khi đã thống kê. Thế nhưng, kể từ đó cho đến nay, gia đình tôi vẫn chưa nhận được hỗ trợ kinh phí khôi phục sản xuất từ phía chính quyền địa phương”.

nguoi dan mon moi doi ho tro thien tai

Ông Tống Xuân Tuân (ở thôn Bình Thành, xã Nam Phú) đang mòn mỏi đợi chờ tiền hỗ trợ khôi phục sản xuất

Ngoài gia đình ông Tuân, hiện nay ở xã Nam Phú có 25 hộ dân NTTS bị thiệt hại nghiêm trọng trong đợt rét đậm, rét hại đầu năm 2016 đã được thống kê, lập danh sách và phê duyệt ngân sách chi trả nhưng đến nay vẫn không nhận được hỗ trợ...

Qua tìm hiểu, từ ngày 22 đến ngày 28/01/2016 đã xảy ra đợt rét đậm, rét hại khiến hàng trăm ha NTTS của tỉnh Thái Bình thiệt hại nghiêm trọng. Trong đó, hai huyện Tiền Hải và Thái Thụy bị thiệt hại nghiêm trọng nhất.

Căn cứ vào cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Thái Bình đã phê duyệt số tiền hỗ trợ là 5 tỷ 138 triệu đồng cho các hộ NTTS bị hiệt hại trên hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải.

Số tiền hỗ trợ là từ nguồn ngân sách Trung ương 70%, còn lại từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh Thái Bình. Đối tượng và điều kiện được hỗ trợ là các hộ NTTS có tỷ lệ cá chết trên 70%, định mức hỗ trợ 10 triệu đồng/ha.

Tại huyện Tiền Hải có 4 xã được hỗ trợ là Nam Thịnh, Nam Cường, Nam Phú, Đông Minh với tổng diện tích 68,61ha, tương 680 triệu đồng. Trong đó, xã Nam Phú có 15 hộ dân NTTS bị hiệt hại trên 70% với tổng số diện tích thống kê là 45,1 ha, tương ứng với số tiền hỗ trợ là 450 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền hỗ trợ người dân đến nay đã hơn 2 năm vẫn chưa được giải ngân

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Chuyển – Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phú, xác nhận có xảy ra vấn đề chậm chi trả tiền hỗ trợ khôi phục sản xuất cho người NTTS bị thiệt hại do thiên tai năm 2016. Ông Chuyển lý giải việc này là vấn đề khó khó giải thích, nhiều vướng mắc...

Cái khó mà ông Chuyển nói ở đây chính là việc UBND xã đã lập báo cáo, thống kê chính xác số hộ dân bị thiệt trên 70%. Tuy nhiên, khi tiến hành chi trả tiền thì một số hộ dân không nằm trong danh sách lại gửi đơn kiện chính quyền gian dối trong việc thống kê, vì thế phải ngừng việc hỗ trợ lại.

Cụ thể, do lúc đó là mùa nước rút nên diện tích NTTS bị thu hẹp lại. Có hộ có diện tích nuôi trồng vài ha nhưng mùa nước cạn thì chỉ còn khoảng 1 ha. Vì vậy, khi kiểm tra lại diện tích thật sự bị thiệt hại thì chưa được khớp.

Khi phóng viên hỏi, như vậy phải chăng UBND xã đã thống kê sai nên người dân không được nhận tiền hỗ trợ khôi phục sản xuất, ông Chuyển cho rằng: “UBND xã không thống kê sai. Các hộ dân trong danh sách thống kê bị thiệt hại là các hộ dân bị thiệt hại nghiêm trọng nhất, tất cả đều thiệt hại trên 70% diện tích nuôi trồng.

Tuy nhiên, diện tích thống kê là diện tích trên số liệu đấu thầu NTTS của từng hộ, còn diện tích khi xảy ra thiệt hại là vào mùa nước cạn nên thay đổi. Vì vậy, UBND huyện quyết định giữ lại tiền hỗ trợ để kiểm tra làm rõ”, ông Chuyển nói.

Trao đổi nhanh với phóng viên, ông Phạm Văn Nghiêm – Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải, cho biết, do các cán bộ huyện đều xuống cơ sở chỉ đạo công tác phòng trừ sâu bệnh. Vì vậy, sẽ chuyển thông tin chậm chi trả tiền hỗ trợ các hộ NTTS tại huyện Tiền Hải cho phòng ban chuyên môn kiểm tra cụ thể và trả lời phóng viên sau.

Văn Hùng - Ngọc Sinh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này