Xây dựng và phát triển Đảng ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước:

​Bài 2: Nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng trong doanh nghiệp

15:41 | 17/08/2018
Việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là nhân tố bảo đảm vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy để duy trì và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cho các doanh nghiệp ngoài nhà nước, trước tiên cần nâng cao nhận thức cho các cán bộ Đảng viên về tầm quan trọng của công tác sinh hoạt chi bộ bởi “Đảng mạnh là do chi bộ tốt, chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”, trong đó, Bí thư chi bộ có vai trò đặc biệt quan trọng.
bai 2 nang cao chat luong sinh hoat dang trong doanh nghiep Tập trung thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng
bai 2 nang cao chat luong sinh hoat dang trong doanh nghiep Tăng cường công tác xây dựng Đảng, phong trào quần chúng
bai 2 nang cao chat luong sinh hoat dang trong doanh nghiep Hà Nội: Phát động giải báo chí mới

Cần có giải pháp hiệu quả

Công tác xây dựng đảng trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước là yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao vai trò, tiếng nói của tổ chức Đảng, đồng thời hỗ trợ sự phát triển của các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp, góp phần giáo dục lý luận chính trị, tư tưởng cho mỗi đảng viên, người lao động trong thời kỳ mới. Ngày 27/2/2012, Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về “Xây dựng Đảng và đoàn thể chính trị xã hội trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn từ nay đến 2020” được ban hành và triển khai thực hiện.

bai 2 nang cao chat luong sinh hoat dang trong doanh nghiep
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải tặng bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU.

Chỉ sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU, số lượng tổ chức đảng, đoàn thể tăng nhanh chóng, toàn Đảng bộ Thành phố đã thành lập mới được 886 tổ chức Đảng, đạt 88,15% chỉ tiêu kế hoạch, nâng tổng số tổ chức Đảng doanh nghiệp ngoài Nhà nước của thành phố lên 1.637; kết nạp mới 5.964 đảng viên mới, trong đó có 24 đảng viên là chủ doanh nghiệp. Cùng đó, qua thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU, các cấp Công đoàn Thủ đô đã thành lập mới 1.994 công đoàn cơ sở với 213.066 đoàn viên, đạt 106,5% so với chỉ tiêu kết nạp đoàn viên công đoàn. Cũng trong 5 năm, toàn Thành phố có thêm 681 tổ chức đoàn, hội thanh niên (473 tổ chức đoàn, 208 tổ chức hội) với 20.401 đoàn viên, hội viên.

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là chất lượng sinh hoạt chi bộ tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước liệu có được đảm bảo?. Bí thư huyện ủy Thanh Trì Trần Văn Khương cho biết, trên địa bàn huyện có gần 2000 doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. Trong đó, 50 doanh nghiệp có đảng viên sinh hoạt; 10/50 doanh nghiệp có tổ chức Đảng trực thuộc Huyện ủy; 26/50 doanh nghiệp có tổ chức Đảng trực thuộc đảng ủy các xã, thị trấn với tổng số 568 đảng viên. Qua công tác thực tế, ông Trần Văn Khương cho rằng, việc duy trì sinh hoạt đảng tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước không dễ. Có nơi chủ doanh nghiệp không đồng tình ủng hộ; có nơi không tạo điều kiện cho sinh hoạt trong thời gian làm việc; có nơi đã có tổ chức đảng nhưng không hiểu rõ mình phải lãnh đạo việc gì, như thế nào. Với đảng viên, nhiều người coi sinh hoạt đảng là gặp gỡ trao đổi chuyên môn, đóng đảng phí là chính...

Còn theo ông Đỗ Khóa Bảng, Phó Trưởng ban Tổ chức huyện ủy Mê Linh nguyên nhân của tồn tại này là do đa số các doanh nghiệp, đặc biệt là người nước ngoài còn có tâm lý “tránh né” các tổ chức chính trị; nhiều người lao động chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về sự cần thiết, mục đích, ý nghĩa của việc thành lập tổ chức đảng và các đoàn thể trong các doanh nghiệp. Hơn nữa, đảng viên cũng như người lao động làm việc cho công ty nước ngoài lại thường làm việc theo ca, kíp nên ngại thành lập chi bộ do sợ phải sinh hoạt nhiều ảnh hưởng đến công việc. Trong khi đó, nếu sinh hoạt ở địa phương thì chỉ về sinh hoạt vài lần (có trường hợp chỉ 1 lần) trong 1 năm. Mặt khác, do quy định mức thu Đảng phí hiện nay là 1% mức lương đóng bảo hiểm xã hội, những đảng viên đang làm ở doanh nghiệp nhưng sinh hoạt ở địa phương chỉ đóng Đảng phí từ 15.000 – 20.000 đồng/đảng viên/tháng, dẫn đến đảng viên ngại chuyển sinh hoạt về để thành lập tổ chức đảng do phải sinh hoạt theo quy định và đóng Đảng phí cao.

Một nguyên nhân khác, theo Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng là do phần lớn các chi bộ rất lúng túng trong xác định nội dung sinh hoạt chi bộ. Không khí sinh hoạt chi bộ đơn điệu, rập khuôn, máy móc, nặng về phổ biến, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, ít trao đổi, bàn bạc, cho nên không gây được hứng thú, thu hút các đảng viên tham gia thảo luận, góp ý kiến. Có những nơi, Bí thư chi bộ “độc diễn” suốt buổi sinh hoạt. Đáng chú ý, có chi bộ tất cả đảng viên đều nhất trí ủy quyền cho bí thư và thư ký “sáng tác” biên bản để đối phó khi bị kiểm tra....

Chất lượng sinh hoạt như vậy dẫn đến vai trò của Ðảng chưa được phát huy, chưa thuyết phục được chủ doanh nghiệp về lợi ích của việc cần có tổ chức đảng. Vì vậy đã có những chủ doanh nghiệp chưa “mặn mà” với việc thành lập tổ chức đảng nên dẫn tới việc không ủng hộ, có cái nhìn phiến diện đối với tổ chức Đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước. Thậm chí một số chủ doanh nghiệp còn cho rằng, có tổ chức Đảng lại thêm người luôn “săm soi” họ hoặc chỉ thêm mất thời gian họp hành, báo cáo...

“Thực trạng nêu trên đặt ra vấn đề phải nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ ở doanh nghiệp ngoài nhà nước. Tuy nhiên, đây là vấn đề khó và không thể làm trong một sớm một chiều. Bởi vì tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp này không lãnh đạo trực tiếp và toàn diện doanh nghiệp như đối với các doanh nghiệp nhà nước. Mối quan hệ giữa đảng viên với chủ doanh nghiệp là quan hệ giữa người lao động và chủ doanh nghiệp, ràng buộc bởi những quy chế làm việc do người chủ doanh nghiệp đặt ra. Tổ chức Đảng chỉ được trao đổi và tham khảo ý kiến. Vì vậy, tổ chức Đảng nếu không có uy tín, khả năng thuyết phục, phương pháp thích hợp và sự tinh tế thì vai trò và tiếng nói của tổ chức Đảng hết sức hạn chế, thậm chí có nơi có tổ chức Đảng chỉ tồn tại mang tính hình thức”, ông Nguyễn Văn Thiềng bày tỏ.

Phát huy vai trò của Bí thư Chi bộ

Thông qua sinh hoạt chi bộ hằng tháng, đảng viên nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của chi bộ góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên. Làm thế nào để nâng cao chất lượng sinh hoạt Chi bộ đảng doanh nghiệp ngoài nhà nước?

Qua thực tế công tác ở địa phương, ông Trần Văn Khương, Bí thư Huyện ủy Thanh Trì chia sẻ, thời gian qua, Huyện ủy Thanh trì đã tổ chức các lớp tập huấn cho các chi bộ theo hình thức “cầm tay chỉ việc”, trực tiếp dự, hướng dẫn sinh hoạt chi bộ để có hướng dẫn cho sát thực, tập trung hướng dẫn xây dựng quy chế làm việc, trách nhiệm đảng viên, quyền của đảng viên, trách nhiệm của chủ doanh nghiệp... Nơi nào khó khăn về điểm sinh hoạt, huyện ủy giúp cả địa điểm sinh hoạt, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cơ sở đảng. Đặc biệt, năm 2016 huyện đã mở hội thi Bí thư chi bộ giỏi trong toàn huyện, nhiều doanh nghiệp ngoài nhà nước đã tham gia và đoạt giải cao.

bai 2 nang cao chat luong sinh hoat dang trong doanh nghiep
Đại hội Chi bộ Công ty TNHH Taka Việt Nam (huyện Đông Anh, TP Hà Nội)

Có thể nói, vai trò của cấp ủy đảng trong doanh nghiệp đã được khẳng định, tuy nhiên để các tổ chức Đảng trong doanh nghiệp phát huy được tính tiền phong, lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động của các tổ chức đoàn thể ở doanh nghiệp, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh cần có sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, chính quyền và sự ủng hộ từ phía các chủ doanh nghiệp.

Ông Trần Hồng Hà, Phó Trưởng ban Tổ chức, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Hà Nội cho rằng, việc lãnh đạo, chỉ đạo phải quyết liệt, tỉ mỉ, cụ thể, thiết thực, phải phân công rõ trách nhiệm cho cá nhân trong việc vận động thành lập mới các tổ chức Đảng, đoàn thể, phải “mẫu hóa” thủ tục, “đơn giản hóa” công tác báo cáo định kỳ các nghiệp vụ công tác chuyên môn; thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp cho phù hợp với điều kiện kiêm nhiệm của đội ngũ cán bộ. Ngoài việc nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, đảng viên, chủ sở hữu doanh nghiệp thì việc đổi mới hình thức và đề ra nội dung sinh hoạt chi bộ sao cho hấp dẫn, thu hút được sự đóng góp tâm sức của mỗi đảng viên có vai trò quyết định.

“Tùy theo tình hình doanh nghiệp tại thời điểm cụ thể mà chi bộ có hình thức sinh hoạt linh hoạt. Có những tháng, đơn vị không có vấn đề gì khó khăn, nổi cộm; không có nghị quyết, chỉ thị của Đảng cấp trên cần triển khai ngay thì chỉ cần triệu tập đảng viên là trưởng các đơn vị trước buổi giao ban nắm tình hình, thống nhất một số công việc của chi bộ để phổ biến lại cho các đảng viên khác trong bộ phận, đơn vị mình. Đó cũng là một hình thức sinh hoạt chi bộ”, ông Trần Hồng Hà đề nghị.

Qua nghiên cứu thực tiễn, TS. Trần Thị Hương, Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Học viên Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, sinh hoạt cần được tổ chức ngắn gọn, bớt rườm rà. Mỗi tháng nên chọn một chuyên đề như vấn đề khó khăn và bức xúc của doanh nghiệp; chủ đề tình hình thời sự nóng hổi hay những vấn đề thiết thân với công nhân, người lao động như việc làm, thu nhập, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động... để tính hấp dẫn tăng lên và lôi cuốn các đảng viên tham gia ý kiến. Người bí thư chi bộ đóng vai trò như người gợi mở, dẫn dắt tọa đàm, để đảng viên tự nhiên trao đổi, thống nhất cách giải quyết và hành động của chi bộ. Sự thống nhất cao và cách giải quyết, thống nhất và hành động tại buổi họp chi bộ đó cũng chính là nghị quyết của chi bộ.

Đặc biệt, để nâng cao vai trò của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, theo TS. Trần Thị Hương việc lựa chọn cấp ủy và đặc biệt là lựa chọn bí thư chi bộ trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước tốt nhất là người đứng đầu doanh nghiệp hoặc trong ban lãnh đạo doanh nghiệp. Bởi nếu có sự đồng nhất giữa lãnh đạo cấp ủy với lãnh đạo doanh nghiệp sẽ tạo cho chủ doanh nghiệp có nhận thức đúng đắn, quan tâm đến công tác Đảng và công tác đoàn thể. Qua đó sẽ tạo thuận lợi để tổ chức Đảng hoạt động, phát huy tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo nhiệm vụ chính trị trong doanh nghiệp, các đoàn thể có cơ hội phát huy ảnh hưởng của mình với doanh nghiệp. Muốn vậy cần đẩy mạnh kết nạp chủ doanh nghiệp vào Ðảng, nhất là khi bí thư chi bộ đồng thời là lãnh đạo doanh nghiệp thì chế độ phối hợp này càng hiệu quả hơn.

Còn nữa...

Bài cuối: Hướng tới sự phát triển bền vững của doanh nghiệp

Nguyễn Công

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này