Để giảm nghèo bền vững: Chính sách một, quyết tâm phải mười

10:57 | 17/08/2018
Ngày 15.8, tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã làm việc với Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông về việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết 76/2014/QH13 của  Quốc hội (QH).
de giam ngheo ben vung chinh sach mot quyet tam phai muoi Xóa nghèo bền vững vẫn còn là thách thức
de giam ngheo ben vung chinh sach mot quyet tam phai muoi Đồng bộ các giải pháp xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo

Tại Nghị quyết 76, QH giao nhiệm vụ cho Chính phủ: “Bảo đảm ít nhất 90% hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế; 70% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, trên 90% trạm y tế cấp xã có đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; điều chỉnh cơ cấu đầu tư cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và chính sách bảo hiểm y tế để bảo đảm tăng cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người cận nghèo”.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện có hơn 95% người cận nghèo, tương ứng khoảng 6,5 triệu người đã tham gia BHYT. Cả nước có khoảng gần 60% số trạm y tế xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã. Nhiều trạm y tế xã, phường đã đổi mới hoạt động, làm tốt công tác khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân, nhất là người có thẻ bảo hiểm y tế.

de giam ngheo ben vung chinh sach mot quyet tam phai muoi
Hệ thống y tế đã phát triển đến thôn bản nhờ đó bà con được thăm khám bệnh kịp thời (ảnh TTXVN)

Tính đến năm 2018, hơn 9.800 trạm y tế xã (trên 80% số trạm) đã đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Chính phủ, các địa phương đã tích cực huy động các nguồn vốn để đầu tư cho các trạm y tế xã. Một số địa phương đã quan tâm, đầu tư từ ngân sách địa phương cho trạm y tế xã như Lâm Đồng, Vĩnh Phúc, Hà Nội. Một số địa phương đã vận động được các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài hỗ trợ, đầu tư. Tuy nhiên, số lượng và chất lượng dịch vụ của tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là các huyện vùng khó khăn vẫn còn hạn chế.

Bình quân các trạm y tế xã chỉ thực hiện được 70% các dịch vụ kỹ thuật, cung ứng được khoảng 40% số thuốc thuộc gói dịch vụ y tế cơ bản. Từ năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. Nhưng trên thực tế, việc xác định đối tượng người nghèo, người cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều trên thực tế còn khó khăn nên một số địa phương chậm cấp thẻ BHYT cho người nghèo, cận nghèo.

Trong lĩnh vực giáo dục, việc chuyển các chính sách hỗ trợ đặc thù sang các chính sách hỗ trợ thường xuyên đã góp phần tích cực trong việc huy động trẻ em, học sinh đến trường; giảm tỷ lệ học sinh bỏ học tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung đối tượng, bổ sung chính sách hỗ trợ giáo dục đã tác động tích cực đến việc phát triển cơ sở giáo dục, kiên cố hóa trường lớp, bảo tồn tiếng, chữ dân tộc thiểu số…

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, các chính sách tập trung quan tâm tới các đối tượng người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn và các đối tượng thiệt thòi khác đã thực sự đi vào cuộc sống, có ý nghĩa xã hội to lớn, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, giảm nghèo đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Về lĩnh vực thông tin, truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện hiệu quả việc định hướng dư luận, thông tin kịp thời, tạo sự quan tâm rộng rãi, nâng cao nhận thức và tạo được sự đồng thuận trong xã hội; kêu gọi sự đóng góp nguồn lực của xã hội để thực hiện các chính sách; thực hiện chính sách cung ứng dịch vụ bưu chính công ích, dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí giai đoạn 2016 - 2020, đảm bảo thông tin bưu chính phổ cập cho nhân dân, nhất là người dân nghèo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo…

Cơ bản nhất trí với báo cáo đánh giá của các bộ, ngành về kết quả thực hiện Nghị quyết 76 của QH. Tuy nhiên, các đại biểu tham dự Phiên họp cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong từng lĩnh vực, yêu cầu các bộ, ngành phải đánh giá sâu sắc hơn. Để tiếp tục thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững theo đúng mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết 76, các đại biểu cũng đề nghị các bộ, ngành tập trung thực hiện một số nhiệm vụ.

Theo đó, trong lĩnh vực y tế, các đại biểu đề nghị, cần tăng cường công tác xây dựng nguồn nhân lực cho y tế cơ sở; đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn trong khám, chữa bệnh cho các thầy thuốc làm việc tại các trạm y tế tuyến xã; bồi dưỡng, chú trọng phát triển số lượng đi liền với chất lượng; làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu giúp người dân đặt niềm tin vào chất lượng khám, chữa bệnh của y tế các tuyến huyện, xã; ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư cho y tế cơ sở, ưu tiên cho các trạm y tế xã vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn và một số trung tâm y tế huyện mới chia tách ở các tỉnh miền núi.

Đối với lĩnh vực giáo dục, các đại biểu cho rằng, việc xoá bỏ các điểm trường lẻ phải có lộ trình, phù hợp với thực tế, đảm bảo nhu cầu và quyền lợi của người dân ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn chứ không thể thực hiện một cách cơ học, không bảo đảm được chất lượng như ở một số địa bàn vừa qua; có kế hoạch duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, có giải pháp thực hiện phổ cập giáo dục cho những xã chưa đạt chuẩn, quy hoạch mạng lưới trường lớp, huy động nguồn lực trong xã hội để phát triển giáo dục và phổ cập giáo dục.

Trong lĩnh vực thông tin, truyền thông, theo các đại biểu, cần đổi mới phương thức truyền thông và nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách thông tin và truyền thông gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững, tích hợp các chính sách trong lĩnh vực này. Theo các đại biểu, để xóa nghèo bền vững thì điều quan trọng là chính sách ban hành một, quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương phải gấp mười lần.

Theo L.Anh (ĐBND)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này