Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Quản lý chặt giống cây để tránh thiệt hại

13:57 | 10/08/2018
Ngày 9/8, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Trồng trọt.
quan ly chat giong cay de tranh thiet hai Cần lấy ý kiến rộng rãi của cử tri cả nước
quan ly chat giong cay de tranh thiet hai Xem xét nhiều dự án luật, nghị quyết quan trọng

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Trồng trọt. Sau kỳ họp, UBTVQH đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - Cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật Trồng trọt, đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các cơ quan, đơn vị hữu quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội để chỉnh lý Dự thảo Luật.

quan ly chat giong cay de tranh thiet hai
Toàn cảnh phiên họp (Ảnh: Quochoi.vn)

Tiếp thu, chỉnh lý một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Luật Trồng trọt, cụ thể vấn đề quản lý giống cây trồng, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội trong kỳ họp thứ 5 vừa qua, dự thảo Luật đã quy định rõ yêu cầu quản lý đối với giống cây trồng chính; điều kiện cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng thuộc loài cây trồng chính; bỏ quy định về thành lập Hội đồng tư vấn giống cây trồng.

Đồng thời, dự thảo Luật cũng giao cho Chính phủ quy định cụ thể về hồ sơ, trình tự thủ tục, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành. Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT thấy rằng, quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng đối với cây trồng chính là để giống cây trồng đó được lưu hành trên thị trường, còn cấp Bằng bảo hộ là để bảo hộ quyền tác giả và quyền của chủ bằng bảo hộ đối với giống cây trồng đó.

Tuy nhiên, điều kiện cấp 2 văn bản trên đều do Bộ NN&PTNT thực hiện và có nhiều nội dung trùng nhau. Vì vậy, trong đự thảo Luật quy định việc cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng đồng thời với cấp bằng bảo hộ quyền đối với giống cây trồng chính nếu tổ chức, cá nhân đăng ký công nhận lưu hành giống cây trồng đề nghị để giảm bớt thời gian và thủ tục hành chính và thể hiện như tại khoản 4 Điều 13 của dự thảo Luật.

Đồng thời dự thảo Luật đã bổ sung quy định về thời hạn của quyết định công nhận lưu hành đối với giống cây trồng chính là 7 năm đối với cây hàng năm, là 15 năm đối với cây lâu năm để bảo đảm duy trì chất lượng giống.

Về phí cấp và duy trì Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng và phí bình tuyển và công nhận vườn cây đầu dòng, một trong những đổi mới quan trọng của dự thảo Luật Trồng trọt đối với công tác giống là chuyển đổi việc từ quản lý Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh sang quản lý giống cây trồng theo tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Theo đó, dự thảo Luật quy định theo hướng: Quản lý chặt chẽ đối với giống cây trồng thuộc Danh mục loài cây trồng chính thông qua việc cấp Quyết định công nhận lưu hành, cấp Quyết định công nhận lưu hành đặc cách; đối với cây trồng khác thì tổ chức, cá nhân tự công bố lưu hành. Đối với giống cây trồng chính phải được khảo nghiệm trước khi được cấp Quyết định công nhận lưu hành.

Do vậy, cần có nguồn kinh phí cho việc thẩm định cấp quyết định công nhận lưu hành và lưu mẫu giống cây trồng. Dự kiến nguồn kinh phí này được lấy từ nguồn phí thẩm định và duy trì cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng do tổ chức, cá nhân đứng tên đăng công nhận giống nộp.

Nguồn kinh phí này cũng tương tự như phí duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ giống cây trồng đang thực hiện, được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Phí và lệ phí. Đây là vấn đề mới nên chưa được quy định trong Luật Phí và lệ phí. Vì vậy, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị UBTVQH được bổ sung nguồn phí này vào Danh mục thu phí thuộc Luật Phí và lệ phí; quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký công nhận giống phải nộp phí.

Đối với phí bình tuyển vườn cây đầu dòng, theo Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN&MT Phan Xuân Dũng, dự thảo Luật quy định việc công nhận vườn cây đầu để quản lý chất lượng vật liệu nhân giống vô tính đối với cây trồng lâu năm, tạo thuận lợi cho sản xuất, mua bán giống quy mô lớn. Tuy nhiên, trong Luật Phí và lệ phí chỉ quy định về phí bình tuyển công nhận cây đầu dòng, chưa có quy định về thu phí này.

Vì vậy, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị UBTVQH cho phép bổ sung quy định về phí bình tuyển vườn cây đầu dòng trong Danh mục thu phí theo Luật Phí và lệ phí, đồng thời bổ sung quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đăng ký công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng phải nộp phí.

H.Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này