Hiệu quả từ công tác cải cách hành chính

16:59 | 26/07/2018
Bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các cấp, các ngành, trong 10 năm qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) của TP Hà Nội đã tạo được bước chuyển mạnh mẽ, bằng chứng là tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn cao, chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) vươn lên đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố (năm 2017). Đặc biệt, ứng dụng công nghệ thông tin đã mang lại hiệu quả rõ nét, đưa các cơ quan, đơn vị tiến gần hơn đến chính quyền điện tử, đáp ứng sự kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp.
hieu qua tu cong tac cai cach hanh chinh Tạo sự chuyển biến trong cải cách hành chính
hieu qua tu cong tac cai cach hanh chinh Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính

Nỗ lực để phục vụ nhân dân

Còn nhớ, thời gian đầu thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô, những người làm công tác CCHC không khỏi lo lắng trước mục tiêu “kéo gần khoảng cách” giữa hai địa bàn (Hà Nội và Hà Tây). Nhất là ở các huyện thuộc tỉnh Hà Tây (cũ), cơ sở vật chất, trụ sở làm việc của các xã, thị trấn còn thiếu thốn; trình độ cán bộ, công chức cấp xã không đồng đều; việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật và ứng dụng đồng bộ công nghệ thông tin còn hạn chế…

Tuy nhiên hiện Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng và triển khai thành công cơ chế “một cửa” trong cung cấp dịch vụ công tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước. Trong suốt quá trình thực hiện, TP đã bám sát các chỉ đạo của Trung ương, kịp thời ban hành các văn bản liên quan trong giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức tại các cơ quan hành chính nhà nước thuộc TP.

hieu qua tu cong tac cai cach hanh chinh
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa huyện Quốc Oai.

Đến nay, về cơ bản, bộ phận “một cửa” của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn có cơ sở vật chất khang trang, được trang bị đầy đủ phương tiện làm việc, đặc biệt là tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn luôn cao (năm 2017 đạt 97,33%). Hiện tại, 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn của TP đều tổ chức bộ phận “một cửa” để giải quyết TTHC cho người dân. Tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức đã được định lượng bằng tỷ lệ người dân hài lòng với việc giải quyết hồ sơ hành chính ngày càng cao.

Cùng với cả nước, Hà Nội tích cực thực hiện Quyết định số 30/QĐ-TTg ngày 10/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010 và đã đạt kết quả nổi bật.

Dù có khối lượng TTHC lớn thứ hai trên toàn quốc (sau TP Hồ Chí Minh), nhưng Hà Nội đã kiến nghị đơn giản hóa 1.292/1.816 TTHC, đạt tỷ lệ 71,2% (vượt hơn 2 lần so với chỉ tiêu đơn giản hóa tối thiểu 30% TTHC theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ). Trong đó, TP kiến nghị giảm đáng kể về thời gian và loại bỏ được khá nhiều giấy tờ, hồ sơ, quy định, TTHC không hợp lý, không cần thiết; đề ra những quy định hợp lý hơn, tạo thuận lợi cho người dân.

Song song với đơn giản hóa TTHC, TP chú trọng xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là cán bộ trực tiếp giao dịch với công dân. Điển hình là TP đã thực hiện hiệu quả Đề án thí điểm đào tạo 1.000 công chức nguồn làm việc tại xã, phường, thị trấn giai đoạn 2012-2015.

Với việc tuyển đầu vào chất lượng cao và chương trình đào tạo hiện đại, kết thúc các khóa học, học viên tốt nghiệp được phân công về công tác tại xã, phường, thị trấn. Lực lượng này từng bước bổ sung nguồn công chức chuyên môn chất lượng cao cho chính quyền cấp cơ sở, đồng thời tạo nguồn cho đội ngũ công chức cấp huyện và cấp TP trong tương lai.

Theo báo cáo của Sở Nội vụ Hà Nội, đến nay, 5 chức danh công chức chuyên môn của cấp xã có hơn 80% công chức có trình độ đại học. Cùng với đó, TP cũng không ngừng đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, thái độ, tinh thần phục vụ của cán bộ, công chức, đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp trong thời kỳ mới. Đáng chú ý là TP đã ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Theo kế hoạch của Sở Thông tin và Truyền thông, năm 2018 sẽ hoàn thành 65% TTHC thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Cũng trong năm nay, TP sẽ triển khai kiến trúc chính quyền điện tử, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên các lĩnh vực và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Điều đó cho thấy quyết tâm của TP Hà Nội trong việc xây dựng “chính quyền điện tử” nhằm phục vụ tổ chức, công dân một cách tốt nhất.

Đến với Quốc Oai sau 10 năm sáp nhập về với Thủ đô, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi đi qua hầu hết các xã của huyện, các khu vực khang trang, sạch đẹp nhất luôn được bố trí để phục vụ người dân, doanh nghiệp đến làm các TTHC. Căn phòng được bố trí khoa học, hệ thống máy tính hỗ trợ đăng ký dịch vụ công trực tuyến đặt cạnh thiết bị khảo sát sự hài lòng của người dân và cán bộ ở đây luôn niềm nở, sẵn lòng hỗ trợ bất kỳ ai đến để thực hiện các thủ tục hành chính.

Chị Nguyễn Thị Hồng Vân, xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai), sau khi nhận được kết quả đăng ký khai sinh cho con, vui mừng nói: “Hôm trước mình đăng ký thủ tục làm giấy khai sinh cho con qua mạng, sau khi hoàn tất, mình mang toàn bộ giấy tờ bản chính lên xã để đối chiếu, chỉ 2 hôm sau, mình đã nhận được cả giấy khai sinh, đăng ký thường trú và thẻ bảo hiểm y tế cho cháu mà không cần phải ra UBND xã thêm lần nữa”.

Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp người dân hài lòng về việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết TTHC. Để đạt kết quả này, TP đã triển khai các kế hoạch về ứng dụng công nghệ thông tin theo đúng lộ trình, bài bản, chuẩn hóa và đồng bộ.

Cụ thể, tháng 7/2012, HĐND TP đã thông qua Chương trình mục tiêu Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước TP Hà Nội giai đoạn 2012-2015 với nhiều chỉ tiêu cao hơn chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao các địa phương. Trong quá trình thực hiện, TP thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc tiến độ đối với chỉ tiêu nào chưa đạt. Tiếp đó, HĐND TP thông qua Chương trình mục tiêu Ứng dụng Công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020.

Nếu như năm 2008, mạng diện rộng (WAN) của TP mới kết nối được 60% sở, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn thì đến nay tỷ lệ này là 100%. Hiện tại, 100% sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã đã có máy chủ quản trị mạng và cài đặt các ứng dụng của đơn vị. 100% sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã có mạng cục bộ (LAN) và internet kết nối tới tất cả các phòng, ban. 100% UBND xã, phường, thị trấn có kết nối internet và có mạng LAN…

Các giao dịch về hồ sơ hành chính đều được cán bộ, công chức thao tác nhập dữ liệu vào máy tính. Hiện tỷ lệ máy tính/cán bộ, công chức có nhu cầu sử dụng trong các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã, UBND xã, phường, thị trấn đạt 100%. Toàn bộ sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã, UBND xã, phường, thị trấn sử dụng phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, phần mềm một cửa điện tử…

TP đặc biệt quan tâm cải tiến những lĩnh vực đòi hỏi quy trình giải quyết phức tạp và phải mất khá nhiều thời gian như: Xây dựng, quy hoạch, đăng ký kinh doanh. Ông Đoàn Văn Bắc, Chủ tịch UBND xã Đặng Xá (huyện Gia Lâm) cho biết: “Trước đây, việc giải quyết TTHC của địa phương đều làm thủ công.

Sau khi được trang bị máy tính, đường truyền mạng, chúng tôi đã cử công chức theo học các lớp tập huấn để đáp ứng yêu cầu công việc. Do đó, đội ngũ cán bộ của xã thao tác máy tính và các phần mềm rất thành thạo, bảo đảm giải quyết hồ sơ hành chính sớm, đúng hạn cho công dân”.

Một trong những kết quả nổi bật của việc ứng dụng công nghệ thông tin là Hà Nội đã triển khai thành công các dịch vụ công trực tuyến cấp huyện và xã. Với sự hướng dẫn sát sao của Sở Thông tin và Truyền thông, các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn đã triển khai tốt các giai đoạn theo kế hoạch triển khai dịch vụ công trực tuyến của TP.

Đặc biệt, các đơn vị còn sáng tạo nhiều hình thức tuyên truyền, hỗ trợ giúp người dân dễ dàng tiếp cận với loại hình mới này. Điển hình là các quận, huyện: Thanh Xuân, Long Biên, Hà Đông, Gia Lâm, Thanh Oai, Thanh Trì… đã bố trí điểm hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến ngay tại khu chung cư, tổ dân phố,… Hiện tại, TP đã đưa vào hoạt động hơn 600 dịch vụ công trực tuyến.

Hoàng Phúc

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này