Nên phát triển đồng bộ đô thị vệ tinh

11:24 | 26/07/2018
Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển bền vững của Thủ đô trong những giai đoạn tiếp theo... Để có cái nhìn sinh động và toàn diện về bức tranh kinh tế - xã hội của Hà Nội, Báo Lao động Thủ đô đã có cuộc phỏng vấn với PGS.TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
nen phat trien dong bo do thi ve tinh Hà Nội xây mới 4 trục đường nối trung tâm với đô thị vệ tinh
nen phat trien dong bo do thi ve tinh Phê duyệt quy hoạch tuyến đường khu đô thị vệ tinh Sóc Sơn

PV: Khi thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội về điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội vào năm 2008, đã có rất nhiều băn khoăn, lo lắng. Đến nay, sau 10 năm nhìn lại, ông đánh giá tổng thể bức tranh kinh tế xã hội của Thủ đô đã thay đổi ra sao?

nen phat trien dong bo do thi ve tinh
PGS.TS Hoàng Văn Cường

PGS.TS Hoàng Văn Cường: Thành công lớn nhất và có thể nhìn thấy ngay được sau khi mở rộng địa giới hành chính Hà Nội (sáp nhập toàn bộ tỉnh Hà Tây cũ, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn của Hòa Bình về Hà Nội), đó chính là sắp xếp, ổn định tổ chức bộ máy, cán bộ. Lẽ thông thường khi tách ra thì không sao nhưng nhập vào thì bao giờ cũng dễ xảy ra lục đục, xung đột quyền lợi, lợi ích.

Chẳng hạn một ông đang là cấp trưởng, là giám đốc Sở, nay sáp nhập thì có thể phải xuống làm cấp phó, rồi có người đang là cấp quản lý giờ phải xuống làm chuyên viên, đương nhiên không tránh khỏi tâm tư. Thế nhưng rõ ràng nhìn lại thời gian qua, Hà Nội đã làm rất tốt công tác này, tâm tư của cán bộ là có nhưng hầu như không có khiếu kiện, tố cáo phức tạp hay mất đoàn kết.

Thành công thứ hai, đó là sự hòa đồng về thể chế kinh tế trên toàn Thành phố. Trước khi sáp nhập về Hà Nội, các địa bàn của Hà Tây cũ hay huyện Mê Linh có rất nhiều thể chế, cơ chế hoạt động kinh tế, chính sách khác nhau, nhất là chính sách về đất đai, thế nhưng sau khi hợp nhất, thể chế kinh tế của toàn Thành phố đã được đồng nhất. Đây là việc rất khó nhưng Hà Nội đã làm được. Hai thành công về yếu tố con người và thể chế chính là cốt lõi, là tiền đề để tạo ra lực, sức mạnh cho Thành phố phát triển kinh tế xã hội ổn định, bền vững, không chỉ trong 10 năm qua mà cả thời gian tới.

Thực tế, bức tranh tổng thể về kinh tế xã hội của Hà Nội sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính đã thay đổi rất nhiều cả về quy mô và chất lượng. Điều này thể hiện qua các con số ấn tượng như: Quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn 10 năm qua tăng gần 2 lần, thu nhập bình quân đầu người năm 2017 gấp 2,3 lần so với năm 2008, thu ngân sách năm 2017 gấp 3 lần so với năm 2008… Đây là sự chuyển mình thực sự đáng ghi nhận bởi lẽ sự phát triển đó khác với sự tự thân của nhiều thành phố khác mà Hà Nội còn phải kéo theo các vùng khó khăn của các địa phương khi nhập về.

Một điểm đáng chú ý nữa mà ai cũng có thể thấy, là Hà Nội hiện nay không còn là đô thị thuần túy như một tỉnh trước kia mà thực sự đã định hình được một không gian “vùng Thủ đô”, trong đó Hà Nội là đô thị lõi với các đô thị vệ tinh được quy hoạch và đang dần hình thành. Cùng đó, cơ cấu kinh tế của Thành phố cũng có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng đa dạng, không chỉ là dịch vụ mà có cả công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sản xuất có tính cạnh tranh lớn, nông nghiệp, du lịch với giá trị gia tăng cao. Bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, hiện đại hơn, với sự hình thành của nhiều trung tâm thương mại lớn, nhiều khu đô thị mới.

Đặc biệt, về mặt xã hội rõ ràng là đã tạo được sự hòa hợp, sự giao lưu, liên kết giữa người dân ở trung tâm thành phố với các vùng mới sáp nhập.Tôi nghĩ rằng, thời kỳ 2007, 2008, khi chuẩn bị, bắt đầu mở rộng địa giới hành chính Hà Nội, rất nhiều người, kể cả nhân dân lẫn cán bộ còn hoài nghi, băn khoăn. Không ít ý kiến cho rằng cứ “nhập vào rồi lại tách ra”, hay “chắc một ngày nào đó sẽ lại trả lại tên cho em”, thậm chí so sánh với “một cuộc hôn nhân cưỡng ép”…, nhưng thời điểm này thì không ai còn nghi ngờ nữa. Bức tranh Hà Nội 10 năm sau khi mở rộng đã thực sự trở thành một chỉnh thể thống nhất.

nen phat trien dong bo do thi ve tinh
Cần làm mới khu trung tâm.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính Hà Nội, theo ông đâu là những hạn chế, khó khăn mà Hà Nội cần nhận thấy để có giải pháp khắc phục?

Dù Hà Nội đã có bước phát triển mạnh song nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan thì sau 10 năm mở rộng địa giới, Thành phố vẫn chưa tạo được sự bứt phá, chưa thấy có yếu tố nào thực sự nổi bật, một lĩnh vực nào thực sự là điểm nhấn. Ở khu vực đô thị trung tâm, nhiều đô thị mới, trung tâm thương mại mọc lên, nhiều đường sá được mở mới hoặc mở rộng, bộ mặt đô thị tuy đã thay đổi nhưng về cơ bản hạ tầng vẫn còn hạn chế, ùn tắc giao thông vẫn xảy ra, dịch vụ vẫn thiếu đồng bộ, áp lực dân số ngày càng lớn…

Trong khi đó, ở vùng ngoại thành cũng chưa thực sự có thay đổi đột phá, các đô thị vệ tinh hình thành chưa rõ nét, người dân, lao động vẫn đổ dồn về trung tâm thành phố… Rồi dưới góc độ kinh tế, cũng chưa nhìn thấy rõ đâu là lĩnh vực, sản phẩm “riêng có” của Hà Nội có thế mạnh cạnh tranh hơn hẳn các địa phương khác. Rõ ràng sự phát triển của Hà Nội hiện nay vẫn cho thấy sự manh mún, chắp vá…

Với kết quả đạt được sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính cho thấy, Hà Nội đã bước đầu tận dụng được những lợi thế, theo ông, thời gian tới, Thành phố nên triển khai những nhiệm vụ, giải pháp như thế nào để khai thác hết tiềm năng?

Có thể thấy, lợi thế lớn nhất của Hà Nội sau mở rộng địa giới hành chính là không gian phát triển được mở rộng, mang tầm cỡ Thủ đô. Đặc biệt, vùng mở rộng lại hội tụ đầy đủ các yếu tố để Hà Nội có thể xây dựng và phát triển mô hình kinh tế tổng hợp, đa dạng, cân đối. Hà Nội có thể xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh với quy mô lớn ở Phú Xuyên, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất, Ba Vì, Mê Linh... với những nông sản mang đặc trưng riêng. Trên địa bàn Thành phố cũng đã hình thành và phát triển ổn định các khu công nghiệp quy mô như: Đông Anh, Quang Minh (huyện Mê Linh), Sóc Sơn,... sản xuất những sản phẩm có khả năng cạnh tranh lớn.

Song hướng phát triển tất yếu của Hà Nội trong thời gian tới là phải xây dựng được thành phố thông minh, lấy khu trung tâm Hà Nội là đô thị lõi, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển các khu đô thị vệ tinh, mà khu công nghệ cao Hòa Lạc là một ví dụ. Khi được đầu tư thỏa đáng, những đô thị vệ tinh này sẽ làm giảm sự quá tải đang diễn ra ở khu trung tâm hiện nay. Việc thu hút đầu tư, con người đến với khu đô thị vệ tinh cũng sẽ tạo sự lan tỏa cho khu vực xung quanh phát triển.

Muốn xây dựng thành phố thông minh, tôi cho rằng cần phải bắt đầu từ quá trình quy hoạch, cải tạo đô thị, hình thành ra các trung tâm đô thị mới. Xây dựng thành phố thông minh phải bắt đầu từ các trung tâm đô thị mới. Các khu tập thể cũ, xập xệ; vẫn các chợ truyền thống, chợ cóc, chợ tạm; vẫn các trụ sở cơ quan cũ kỹ, công nghệ lạc hậu, hạ tầng thiếu đồng bộ… thì không thể trở thành một thành phố thông minh được mà những khu này cần quy hoạch xây dựng để tạo thành những khu phố mới.

Tôi lấy ví dụ, ở các khu tập thể cũ, xập xệ trong nội thành hiện nay, trừ các khu cần bảo tồn hay khu vực khống chế chiều cao xây dựng, Thành phố có thể tạo cơ chế chính sách để thu hút nguồn lực xã hội vào đầu tư xây dựng thành các tòa nhà cao tầng, đô thị mới hiện đại, quy hoạch không gian Thành phố ngầm để giảm diện tích sử dụng trên mặt đất. Phần diện tích tiết kiệm được có thể làm không gian công cộng, bãi đỗ xe, xây dựng hạ tầng đồng bộ, phát triển hệ thống giao thông công cộng,... kết nối với các khu đô thị vệ tinh thì diện mạo đô thị của Thành phố chắc chắn sẽ hiện đại hơn nhiều. Cùng với đó, sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và thu hút đầu tư của Thành phố.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Công (Thực hiện)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này