Dự thảo Luật Chăn nuôi

Quan tâm đến hộ chăn nuôi nhỏ lẻ

10:01 | 25/07/2018
Luật Chăn nuôi quy định về quản lý các hoạt động trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, hoạt động chăn nuôi, chăn nuôi động vật cảnh và động vật hoang dã gây nuôi; xuất, nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi; trách nhiệm quản lý nhà nước về chăn nuôi...
tin nhap 20180725085451 Toàn văn Luật An ninh mạng
tin nhap 20180725085451 Quốc hội thông qua Luật Thể dục, thể thao
tin nhap 20180725085451 Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

Theo báo cáo thẩm tra dự án Luật Chăn nuôi của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Ủy ban KH,CN&MT) tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, ngành chăn nuôi nước ta thời gian qua đã có bước phát triển vượt bậc, sản lượng sản phẩm chăn nuôi đã tăng gấp 2 lần trong giai đoạn từ 2005 đến hết năm 2017.

Tuy nhiên, ngành chăn nuôi vẫn còn nhiều vấn đề như nhỏ lẻ, chăn nuôi quy mô hộ gia đình còn chiếm tỷ lệ cao (60-70%), khó áp dụng công nghệ hiện đại, kiểm soát dịch bệnh và phát huy lợi thế của từng vùng còn gặp nhiều khó khăn; phần lớn chưa sản xuất theo chuỗi khép kín nên khó khăn trong việc kiểm soát an toàn thực phẩm…; môi trường chăn nuôi chưa được quản lý và kiểm soát chặt chẽ; việc xử lý và sử dụng chất thải trong chăn nuôi còn chưa thực sự hợp lý; thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước; thiếu đồng bộ trong cơ cấu chăn nuôi và giữa chăn nuôi với trồng trọt, thủy sản…

Trong khi đó, hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi ngành chăn nuôi phải đáp ứng yêu cầu các sản phẩm xuất khẩu phải có chất lượng cao với giá thành hợp lý, đủ sức cạnh tranh, do đó, Luật Chăn nuôi cần quy định rõ việc quản lý, phát triển bền vững của ngành theo hướng sản xuất hiện đại, theo chuỗi, chú trọng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

tin nhap 20180725085451
Theo dự thảo Luật Chăn nuôi, cần phải quan tâm đặc biệt đối với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ (Ảnh: Thoibaonganhang.vn)

Dự thảo Luật quy định một số nội dung về phạm vi điều chỉnh, về chính sách của Nhà nước về chăn nuôi, về quản lý giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, quản lý hoạt động chăn nuôi, quản lý môi trường, chất thải trong chăn nuôi, quản lý động vật bán hoang dã gây nuôi, động vật cảnh, quản lý Nhà nước trong chăn nuôi…

Về quản lý thức ăn chăn nuôi, đa số ý kiến thẩm tra của Ủy ban KH,CN&MT nhất trí với việc cần phải quản lý thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc việc quy định về kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi trong sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu để tránh làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, gây phiền hà cho DN; đồng thời tăng cường công tác hậu kiểm về quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi.

Theo đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh sửa quy định về quản lý, về điều kiện của cơ sở sản xuất, về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, sử dụng thức ăn chăn nuôi.

Việc sử dụng chất kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi để trị bệnh và phòng bệnh cho vật nuôi phải tuân theo quy định của pháp luật về thú y. Tồn dư kháng sinh, hóa chất trong sản phẩm chăn nuôi vượt ngưỡng cho phép sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, do đó, Ủy ban KH,CN&MT nhất trí với các nguyên tắc quản lý thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh quy định tại Điều 34 của dự thảo luật.

Tuy nhiên, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, giải trình cơ sở khoa học của quy định chỉ sử dụng tối đa 2 loại kháng sinh trong một sản phẩm thức ăn chăn nuôi; đồng thời chỉnh sửa các quy định về nguyên tắc quản lý thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh cho rõ ràng, khả thi hơn.

Về quản lý hoạt động chăn nuôi, Ủy ban KH,CN&MT cho rằng, các quy định về hoạt động chăn nuôi trong dự thảo luật cần tạo cơ sở pháp lý để phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, theo chuỗi và nâng cao giá trị gia tăng để phát triển thành một ngành kinh tế mũi nhọn, tiên tiến và hạn chế dần việc chăn nuôi nhỏ lẻ, đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.

Để đảm bảo phát triển chăn nuôi an toàn, hạn chế tác động của dịch bệnh thì việc quản lý điều kiện cơ sở chăn nuôi, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm giống vật nuôi là cần thiết. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét quy định về điều kiện cơ sở chăn nuôi và cơ sở sản xuất, kinh doanh tinh, phôi, trứng giống, ấu trùng (Điều 38 và Điều 39) cho phù hợp hơn với từng đối tượng vật nuôi, quy mô vật nuôi, mật độ chăn nuôi và địa điểm chăn nuôi.

Đối với quy định về việc đăng ký, kê khai chăn nuôi, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này để không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính và cần quy định phù hợp với từng loại hình, đối tượng chăn nuôi, số lượng vật nuôi, đặc biệt là chăn nuôi nông hộ ở khu vực vùng sâu, vùng xa và đối tượng nuôi di động; quy định cụ thể hơn quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi đăng ký, kê khai chăn nuôi tại Điều 52 và Điều 53 dự thảo luật.

Về cơ chế chính sách cần phải quan tâm đặc biệt đối với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Bởi đảm bảo các hộ chăn nuôi phát triển sẽ góp phần đảm bảo đời sống an sinh xã hội. Trong thời gian gần đây, giá lợn tăng nhưng chỉ các DN có tiềm lực được hưởng lợi còn số người chăn nuôi nhỏ lẻ được hưởng lợi không nhiều. Vì vậy, về cơ chế chính sách nhất là vốn tín dụng ưu đãi cần tập trung để hỗ trợ người chăn nuôi nhỏ lẻ tái đàn trở lại...

Dự thảo luật gồm 8 chương, 65 điều, nội dung dự thảo luật có nhiều quy định mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước và yêu cầu hội nhập quốc tế về chăn nuôi. Hồ sơ dự án luật được chuẩn bị đầy đủ, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thu Trang

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này