Phòng chống tác hại của thuốc lá:

Nhiều nước Châu Á tranh luận về sản phẩm thay thế thuốc lá

11:33 | 21/07/2018
Theo đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2014, Tổ chức này đã ban hành một báo cáo về thuốc lá điện tử và kêu gọi các nước thành viên hạn chế quảng cáo, lập luận rằng các tác động sức khỏe vẫn chưa được đánh giá cẩn thận. 

nhieu nuoc chau a tranh luan ve san pham thay the thuoc la

Khói thuốc là không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng mà còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe của những người xung quanh (ảnh VTV)

Báo cáo này cũng nói thêm rằng, đã có một số trường hợp được báo cáo về kích ứng mắt và đau họng trong những người sử dụng thuốc lá điện tử.

Theo đó, WHO cũng yêu cầu các quốc gia cấm sử dụng thuốc lá điện tử trong nhà cho đến khi sản phẩm này được chứng minh là an toàn tuyệt đối cho những người ở cùng không gian đó. Thông tin tại buổi chia sẻ về tác hại của thuốc lá mới đây cho thấy, hiện nay tại nhiều nước trên thế giới, cũng như một số nước ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nổi lên những tranh luận gay gắt về các quy định pháp luật, khi một số thiết bị thay thế thuốc lá xin được công nhận ít rủi ro.

Ở phần lớn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, các thiết bị mới này không được cho phép hoặc, như ở Hồng Kông, nơi có các quy định pháp luật chưa rõ ràng, khiến chúng chưa được chính thức có mặt trên các kệ hàng. Giờ đây, với lượng người dùng ngày càng tăng, người tiêu dùng đang hợp lực cùng nhau để thúc đẩy chính quyền thông qua việc hợp pháp hóa rõ ràng cho những sản phẩm thay thế thuốc lá mà họ cảm thấy tốt hơn cho sức khỏe và điều này đang bắt đầu có những tác động nhất định đến chính trị.

Hiện nay, Hàn Quốc và New Zealand là những nước đã hợp pháp hóa nhiều loại sản phẩm thay thế thuốc lá đa dạng bắt đầu từ năm 2010 và tương ứng trong năm 2018. Nhật Bản, mặc dù vẫn cấm các loại thuốc lá điện tử dạng dung dịch, đã cho phép các thiết bị gia nhiệt thuốc lá như IQOS, được sản xuất bởi Philip Morris International. Ngược lại, Úc, Indonesia, Singapore và Thái Lan có lệnh cấm rõ ràng.

Tuy nhiên, cũng tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, cuộc tranh luận về sức khỏe cộng đồng sống động nhất diễn ra ở Úc. Một số bác sĩ cho rằng các sản phẩm thay thế thuốc lá này nên được khuyến khích thì những người khác lại chống đối việc khuyến khích hình thức phân phối sản phẩm thay thế thuốc lá mới này. Mặc dù còn có những hạn chế pháp lý, theo số liệu của chính phủ, hiện có 240.000 người sử dụng thiết bị thay thế thuốc lá này tại Úc.

nhieu nuoc chau a tranh luan ve san pham thay the thuoc la
Tại Việt Nam các sản phẩm thay thế thuốc lá bị cấm sử dụng, người tiêu dùng đang phải sử dụng những sản phẩm trôi nổi gây nguy hiểm đến sức khỏe

Theo WHO, những hợp chất độc hại được tạo ra trong quá trình đốt cháy thuốc lá là nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh liên quan đến hút thuốc như ung thư phổi, tim mạch, huyết áp…chứ không phải nicotine. Thậm chí những người hút thuốc cũng không biết về điều này, và do đó các sản phẩm thay thế thuốc lá truyền thống có ít rủi ro hơn đối với sức khỏe con người.

Số liệu từ WHO đưa ra cho thấy, hiện đã có gần 40 quốc gia trên thế giới cho phép lưu hành các sản phẩm hỗ trợ giảm thiểu tác hại thuốc lá. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện các sản phẩm này vẫn chưa được cho phép, người tiêu dùng chủ yếu sử dụng sản phẩm trôi nổi và không được cung cấp thông tin, khuyến cáo đầy đủ khiến sức khỏe bị ảnh hưởng.

Được biết, mỗi năm trên thế giới có khoảng 7 triệu người tử vong do các căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Việc sử dụng thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính gây các bệnh tim mạch, trong đó có bệnh nguy hiểm như đột quỵ. Việt Nam nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Tỷ lệ hút thuốc của nam giới là 45,3%. Hàng năm có trên 40.000 người Việt Nam tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá.

Tuấn Minh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này