Bệnh viêm gan C: Nguy hiểm vì phát bệnh âm thầm

11:47 | 19/07/2018
Bệnh Viêm gan C  là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, gây tử vong cao nhưng lại diễn biến âm thầm, khó phát hiện. Hiện nay, đã có phác đồ điều trị viêm gan C, sử dụng các thuốc thế hệ mới mang lại hiệu quả điều trị thành công lên đến 90%. Tuy nhiên, việc tiếp cận với thuốc mới này đối với các bệnh nhân vẫn còn hạn chế do chi phí điều trị còn cao.
tin nhap 20180719112150 Gần 20% dân số Việt Nam nhiễm vi rút viêm gan B

Bệnh nhân kiệt quệ kinh tế vì mắc viêm gan C

PGS. TS Đỗ Duy Cường (Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Thế giới hiện có 170 triệu người nhiễm viêm gan C, gấp 4 lần những người có HIV, mỗi năm có 3 – 4 triệu ca mắc mới. Tại Việt Nam, có hơn 2 triệu người nhiễm, gây nên gánh nặng cho toàn xã hội.

Xơ gan và ung thư gan là hai hậu quả nghiêm trọng nguy hiểm nhất do viêm gan C. Người nhiễm viêm gan C có 75 – 85% nguy cơ thành mãn tính, 10% trong vòng 20 năm và 20% trong vòng 30 năm sẽ có nguy cơ xơ gan. Trong đó 1 - 5%/năm tử vong liên quan đến xơ gan, 1 - 4%/năm tỷ lệ ung thư gan ở bệnh nhân xơ gan.

tin nhap 20180719112150
Một số thuốc điều trị viêm gan C chưa được BHYT chi trả (Ảnh minh họa: My Nguyễn)

Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại hiện nay, số bệnh nhân được tiếp cận điều trị viêm gan virus C thấp, trong đó có lý do xuất phát từ việc nhiều người chưa biết về tình trạng nhiễm bệnh của bản thân.

Bên cạnh đó, trong những năm trước đây, nhiều trường hợp bệnh nhân đã bỏ điều trị vì tác dụng phụ của thuốc đem lại còn lớn, chi phí cao nên số người bệnh tiếp cận rất hạn chế. Bệnh nhân Nguyễn Lê Nam (40 tuổi, Hà Nội) là một bệnh nhân đã điều trị viêm gan C thất bại với thuốc thế hệ cũ cho biết: Năm 2003, anh bắt đầu điều trị viêm gan C với chi phí lớn (xấp xỉ 400 triệu đồng), thời gian kéo dài đến 18 tháng.

“Số tiền thuốc tiêm cùng với chi phí cho nhiều lần xét nghiệm lên đến 400 triệu đồng cho một đợt điều trị. Đó là một con số không hề nhỏ, nếu một người đi làm với mức lương 6 triệu/ tháng thì chi phí điều trị này là cả một vấn đề quá lớn. Tuy nhiên điều khiến tôi ám ảnh nhất là loại thuốc dùng điều trị cho bệnh viêm gan C khi đó có nhiều tác dụng phụ khiến bệnh nhân bị sốt, rụng tóc, sút cân. Không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người khi điều trị viêm gan C với loại thuốc cũ đã bỏ điều trị nửa chừng vì không có tiền để chữa trị cũng như tác dụng phụ từ thuốc khiến bệnh nhân như chúng tôi rất lo sợ”, anh Nam chia sẻ.

Sau lần điều trị thất bại đó, tới năm 2017, khi được bác sĩ động viên, anh Nam đã tiếp tục điều trị, tiếp cận với thuốc thế hệ mới, tuy giá thành còn cao nhưng chi phí điều trị đã được giảm xuống hơn 6 lần, thuốc dạng viên uống một lần một ngày hầu như không có tác dụng phụ. Sau 3 tháng điều trị thì bệnh viêm gan C của anh đã khỏi hoàn toàn, sức khỏe được duy trì ổn định. Tuy nhiên, theo anh Nam cả hai lần điều trị thì anh đều phải tự chi trả mọi chi phí từ tiền thuốc đến các xét nghiệm liên quan dựa vào sự hỗ trợ từ phía gia đình mà không được chi trả bằng bảo hiểm y tế (BHYT).

Nói rõ hơn về vấn đề này, BS Đỗ Duy Cường cho biết: Trước đây, không ít bệnh nhân đã phải bán mảnh đất của gia đình để điều trị viêm gan C nhưng phác đồ cũ rất tốn kém: 5 triệu/mũi điều trị, nhiều tác dụng phụ như sốt, sút cân, thiếu máu, tỷ lệ thành công thấp khoảng 40% nên bệnh nhân rất nản.

Cần giảm gánh nặng cho bệnh nhân

Theo các bác sĩ, hiện nay đã có các thuốc điều trị viêm gan C mới, gọi là thuốc kháng vi rút trực tiếp (DAAs). Một số thuốc DAAs mới đã có mặt tại Việt Nam với thời gian điều trị ngắn hơn, dễ sử dụng, ít tác dụng phụ, hiệu quả điều trị cao. Tuy nhiên, do giá thành của thuốc khá cao nên vẫn ít người dân có khả năng tiếp cận. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến bệnh vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ lây lan trong cộng đồng.

PGS Cường chia sẻ: “Hiện nay, các bệnh truyền nhiễm được quan tâm nhưng chủ yếu các bệnh đã bùng nổ thành dịch như sởi, sốt xuất huyết, còn các bệnh lây lan âm thầm như viêm gan C thì chưa được quan tâm đúng mức. Theo đó, đòi hỏi Bộ Y tế nên vào cuộc, cần có hướng dẫn cụ thể hơn nữa, có những hướng dẫn từ năm 2016, hiện nay nên cập nhập lại do có nhiều loại thuốc mới, các chương trình sàng lọc, cần phát hiện sớm, điều trị sớm chứ không phải tới xơ gan, ung thư gan mới điều trị và cần được đưa vào chương trình BHYT. Ngoài ra, hiện nay thuốc điều trị viêm gan C tác dụng phụ ít, an toàn, độc tính thấp do đó có thể phân về các tuyến, huyện/tỉnh để theo dõi, điều trị cho bệnh nhân.

Cùng chung quan điểm, bà Khuất Thị Hải Oanh (Giám đốc Trung tâm SCDI) cho biết: Hiện thế giới có hơn 50 loại Thuốc điều trị viêm gan C, thời gian điều trị ngắn, ít tác dụng phụ, hiệu quả cao. Giá thành cho 1 đợt điều trị ở một số nước chưa đến 100 USD, nhiều nước được Chính phủ tài trợ. Các thuốc này có tỷ lệ điều trị khỏi trên 90%, ít độc tính và thời gian điều trị ngắn hơn nhiều so với các loại thuốc trước đây. Tuy nhiên, tại Việt Nam, bệnh nhân viêm gan C còn thiệt thòi so với các nước khác. Bệnh nhân vẫn đang điều trị viêm gan C tự phát, các bác sĩ kê đơn bệnh nhân tự trả tiền mua thuốc, bảo hiểm y tế chưa chi trả.

“Một số nước trong khu vực hiện nay đang đặt ra mục tiêu loại trừ hẳn viêm gan C, áp dụng điều trị dự phòng để hạn chế thậm chí không còn nguồn lây trong cộng đồng. Một số nước đã đang trên con đường đạt đến mục tiêu đó như Ai Cập, Úc, Đức, Nhật Bản, Hà Lan,.., Việt Nam có thể áp dụng các nước đó, chỉ khi điều trị thành công cho những người mang bệnh thì trong cộng đồng sẽ giảm được nguồn lây mới có thể tiến tới kiểm soát được bệnh viêm gan C”, bà Oanh cho biết thêm.

My Nguyễn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này