Góc nhìn: FDI và giấc mơ nội lực

17:10 | 17/07/2018
Hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, mở cửa nền kinh tế và năm nay tròn 30 năm Luật Đầu tư nước ngoài có hiệu lực, theo thống kê đến thời điểm này, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang tạo ra khoảng 70% giá trị xuất khẩu, 50% giá trị sản xuất công nghiệp và 20% GDP của cả nước.Có thể nói, FDI không chỉ góp phần vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế mà tạo ra rất nhiều công ăn, việc làm cho người lao động.
goc nhin fdi va giac mo noi luc [Infographics] Vốn FDI vào Việt Nam đạt hơn 20 tỷ USD trong 6 tháng
goc nhin fdi va giac mo noi luc [Infographics] Vốn FDI - dấu ấn lớn cho sự phát triển kinh tế-xã hội

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận đủ góc cạnh của vấn đề, một nền kinh tế được coi là đủ mạnh, nền kinh tế đó phải đi lên, đúng hơn phải dựa được bằng chính năng lực nội sinh của mình. Nghĩa là phải dựa trên nền tảng cơ cấu kinh tế nội địa, tiên phong là các doanh nghiệp trong nước.

Song, nhìn lại bức tranh kinh tế 30 năm, thì nền kinh tế mỗi năm lại phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI thêm một lớn, trong khi đúng ra sự phụ thuộc phải ngày một nhỏ lại. Bởi vì theo các chuyên gia, “một nền công nghiệp (và xuất khẩu) nếu chỉ phụ thuộc vào FDI 10 năm là nền công nghiệp thành công, phụ thuộc 20 năm vẫn có thể chấp nhận được, nhưng nếu sau 30 năm mà vẫn phụ thuộc ngày một nặng nề hơn thì có thể coi là thất bại”.

Như chúng ta đã biết, ngoài việc thu hút FDI để góp phần cho tăng trưởng kinh tế và giải quyết bài toán lao động việc làm, thì một trong những mục tiêu sâu xa là dần dần chuyển giao công nghệ để chúng ta có công nghệ nguồn sau này phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy vậy, đến thời điểm này theo nhận định của Bộ KHCN, công nghệ đưa vào Việt Nam không ít còn lạc hậu.

Còn những công nghệ tiên tiến thì các chuyên gia nhận xét: Chỉ là công nghệ hiện đại phục vụ nhu cầu sản xuất của các nhà đầu tư dựa trên nền tảng tự động hóa cao, tạo ít việc làm chứ không có yếu tố chuyển giao công nghệ. Vì thế, xét cho cùng các nhà đầu tư chủ yếu dựa trên nền tảng ưu đãi về thuế, mặt bằng và giá nhân công rẻ.

Thậm chí ngay cả những doanh nghiệp lớn, muốn tạo ra chuỗi giá trị toàn cầu thì các doanh nghiệp việt Nam lại không đáp ứng được, do thiếu nền công nghiệp phụ trợ. Do chính sách thông thoáng, họ đến Việt Nam đặt nhà máy rồi tạo ra hàng tỷ đô la xuất khẩu. Con số đó cũng được ngành thống kê tính trị giá xuất khẩu của Việt Nam….

FDI rất quan trọng, song để nền kinh tế thực sự tự chủ, phát triển bền vững điều quan trọng hơn phải có nhiều doanh nghiệp như Viettel, Vingroup… trên hình chữ S này.

L.Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này