Ngành Bảo hiểm xã hội: Tập trung phát triển đối tượng tham gia

10:24 | 13/07/2018
Đôn đốc công tác thu đảm bảo theo kế hoạch, thu hồi nợ kịp thời, chú trọng phát triển đối tượng tham gia... là những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) trong 6 tháng cuối năm 2018.
nganh bao hiem xa hoi tap trung phat trien doi tuong tham gia Phát triển đối tượng tham gia BHYT nhanh, bền vững
nganh bao hiem xa hoi tap trung phat trien doi tuong tham gia Ngành Bảo hiểm xã hội: Nỗ lực đưa Nghị quyết vào cuộc sống

Tăng cường thanh tra, đảm bảo quyền lợi người tham gia

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến 30/6/2018, số người tham gia BHXH là 14,08 triệu người, trong đó, BHXH bắt buộc là 13,85 triệu người (đạt 94,6% so với kế hoạch), BHXH tự nguyện là 0,23 triệu người (đạt 69,8% so với kế hoạch); số người tham gia BH thất nghiệp là 11,8 triệu người (đạt 91,7% so với kế hoạch); số người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) là 81,45 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 86,9% dân số (vượt 1,7% so với chỉ tiêu đề ra tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).

nganh bao hiem xa hoi tap trung phat trien doi tuong tham gia
Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tổ chức, điều hành được coi là nhiệm vụ then chốt của ngành BHXH.

Tổng số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 150.823 tỷ đồng, đạt 45,71% kế hoạch năm. Tổng số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 15.968 tỷ đồng, trong đó số nợ phải tính lãi là 6.851 tỷ đồng, chiếm 3,4% kế hoạch thu.

Trong 6 tháng 2018, công tác thanh tra, kiểm tra tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng tăng cường thanh tra, kiểm tra phối hợp giữa các đơn vị thuộc BHXH Việt Nam và các bộ, ngành liên quan. BHXH Việt Nam đã thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT tại 6 tỉnh, thành phố.

Qua thanh tra, đã phát hiện 902 lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc, nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng là 2.936 triệu đồng; 7.764 lao động tham gia thiếu mức quy định với số tiền 11.590 triệu đồng; đề nghị các đơn vị đóng số tiền 53.226 triệu đồng do đóng sai phương thức.

Trong thời gian thanh tra, kiểm tra, các đơn vị đã nộp được 49.519 triệu đồng. Bên cạnh đó, BHXH các địa phương cũng tiến hành thanh tra chuyên ngành đóng BHXH tại 2.777 đơn vị và đã yêu cầu truy đóng số tiền 44.168 triệu đồng; yêu cầu đóng 784.614 triệu đồng do đóng sai phương thức (các đơn vị đã nộp được 469.456 triệu đồng).

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam đã phối hợp với ngành y tế thực hiện tốt chính sách BHYT, kịp thời sửa đổi, bổ sung và triển khai các văn bản, quy định hướng dẫn thực hiện Luật BHYT như: Quy định thông tuyến khám chữa bệnh BHYT; xây dựng và hướng dẫn thực hiện gói dịch vụ y tế cơ bản do Quỹ BHYT chi trả tại y tế cơ sở; danh mục, tỷ lệ, điều kiện thanh toán vật tư y tế; sửa đổi, bổ sung chuẩn dữ liệu khám chữa bệnh BHYT…

Để hạn chế, ngăn chặn tình trạng trục lợi quỹ BHYT, BHXH Việt Nam tiếp tục nghiên cứu sửa đổi quy trình, phương pháp giám định, tiếp tục hoàn thiện Hệ thống Thông tin giám định BHYT; từng bước minh bạch, công khai các hoạt động khám chữa bệnh BHYT; kịp thời xử lý các hành vi, vi phạm, lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT; bảo đảm quyền lợi và tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT.

Kết quả, tính đến hết tháng 6/2018, đã có khoảng 84,9 triệu lượt người tham gia khám chữa bệnh BHYT và có 12.191 cơ sở khám chữa bệnh liên thông dữ liệu với Hệ thống Thông tin giám định BHYT (đạt 97,6%).

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp luôn được BHXH Việt Nam xác định là yếu tố then chốt, đi trước đón đầu nhằm đảm bảo việc triển khai vận hành các hệ thống phần mềm quản lý, điều hành của ngành đạt hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, giảm thời gian, chi phí, thủ tục cho người tham gia, đơn vị và doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan BHXH.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, BHXH Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin; hoàn thiện quản lý tập trung cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia làm tiền đề quản lý, sử dụng sổ BHXH, thẻ BHYT điện tử và xây dựng cơ sở dữ liệu Quốc gia về bảo hiểm…

Lấy chỉ tiêu phát triển đối tượng để khen thưởng

Đánh giá của BHXH Việt Nam về hoạt động 6 tháng đầu năm 2018 cho thấy, việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT vẫn còn một số tồn tại như: Tỷ lệ bao phủ BHXH còn thấp so với tiềm năng; tình trạng trốn đóng, nợ đóng tại các địa phương vẫn còn phổ biến; việc phát triển đối tượng tham gia BHXH còn chậm, nhất là BHXH tự nguyện; tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT còn diễn ra khá phổ biến và bằng nhiều hình thức. Đặc biệt, một số chủ sử dụng lao động cố tình không tham gia BHXH, BHYT cho người lao động hoặc chỉ tham gia cầm chừng...

Nhấn mạnh công tác thu, phát triển đối tượng tham gia luôn được coi là nhiệm vụ cốt lõi của ngành, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh đề nghị 6 tháng cuối năm 2018, các địa phương cần tiếp tục nghiên cứu và đưa ra các giải pháp sáng tạo, linh hoạt hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ.

Với khoảng 300.000 doanh nghiệp chưa tham gia BHXH bắt buộc theo như thống kê của ngành Thuế, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đề nghị Ban Thu có văn bản hướng dẫn các địa phương tiến hành rà soát, tổng hợp số liệu về số doanh nghiệp này với số liệu về số lao động cụ thể của từng doanh nghiệp để có biện pháp đôn đốc thu, phát triển đối tượng tham gia trong thời gian sớm nhất.

Đặc biệt, với công tác thu hồi nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, bà Nguyễn Thị Minh đề nghị các địa phương phải tăng cường công tác thống kê danh sách nợ và đốc thu kịp thời theo từng tháng. Bởi, với các doanh nghiệp có số nợ hàng tháng lớn, nếu để số nợ đó tồn qua 2-3 tháng thì số tiền nợ sẽ tăng lên rất lớn, khả năng cân đối trả nợ của doanh nghiệp cho cơ quan BHXH sẽ càng khó khăn hơn.

Theo đó, cần thống kê kịp thời những đơn vị nào nợ BHXH quá hạn, đơn vị nào nợ từ 2 tháng trở lên và gắn với trách nhiệm của từng cán bộ phụ trách. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường kiểm tra hồ sơ, đối chiếu dữ liệu trong giải quyết chế độ chính sách, nhất là chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp thất nghiệp... nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tham gia.

Về vấn đề này, ông Vũ Mạnh Chữ - Phó Trưởng ban Thu BHXH Việt Nam đề xuất, bên cạnh tăng cường thanh tra, xử lý, hằng tháng Ban Thu sẽ báo cáo lãnh đạo ngành và trích xuất các đơn vị nợ BHXH trên 6 tháng để BHXH Việt Nam tổ chức thanh tra đột xuất hoặc giao cho BHXH các địa phương thực hiện thanh tra.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan như ngành Thuế tích cực khai thác, vận động mọi người dân tham gia; lấy chỉ tiêu phát triển BHXH, BHYT và tỷ lệ nợ đọng để hằng tháng thông báo cho các địa phương đánh giá thi đua khen thưởng.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này