Tuyệt đối không được bớt xén quyền lợi của người bệnh

17:26 | 06/07/2018
Từ ngày 15/7, giá 88 dịch vụ y tế sẽ chính thức giảm, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn chỉ đạo, mặc dù điều chỉnh giá một số dịch vụ y tế sẽ làm giảm nguồn thu của các cơ sở khám chữa bệnh, nhưng các bệnh viện vẫn phải đảm bảo quyền lợi của người dân.  
tuyet doi khong duoc bot xen quyen loi cua nguoi benh Quan trọng phải minh bạch hóa
tuyet doi khong duoc bot xen quyen loi cua nguoi benh Luôn đặt sức khỏe và quyền lợi của người bệnh lên hàng đầu

Đây là những thông tin được đưa ra tại hội nghị triển khai Thông tư 15 do Bộ Y tế vừa tổ chức mới đây.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Văn Phúc - Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT - BHXH Việt Nam cho biết, qua khảo sát, hiện tượng khám qua quýt cho người bệnh xảy ra khá phổ biến ở nhiều bệnh viện. “Một bác sĩ khám một ngày từ 80 - 100 người bệnh thì rõ ràng việc hỏi, khám lâm sàng với người bệnh không được kỹ lưỡng. Từ đó dẫn tới chỉ định lâm sàng không được chuẩn xác”, ông Phúc chia sẻ.

tuyet doi khong duoc bot xen quyen loi cua nguoi benh
Giới hạn số lượt khám trong ngày là một giải pháp hữu hiệu để đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh nâng lên.

Trên thực tế, qua quá trình kiểm tra, rất nhiều bệnh viện “tham” số lượt khám bệnh, đầu số lượt khám/mỗi bàn/ngày rất nhiều, tính ra, bệnh nhân chỉ có vài phút để được bác sĩ khám, tư vấn về bệnh. Và khi việc khám lâm sàng trực tiếp không kỹ lượng dẫn đến chỉ định các cận lâm sàng không chuẩn xác.

Do vậy, tại Thông tư 15, Bộ Y tế tiến hành xây dựng lượt khám bệnh tối đa/bàn khám không quá 65 lượt. Nếu vượt quá mức quy định, mỗi lượt khám chỉ được chi trả 50% chi phí khám chữa bệnh.

Theo ông Sơn, khi giới hạn số lượt khám là một giải pháp hữu hiệu để đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh nâng lên. Tuy nhiên, Thông tư số 15 vẫn cho phép khám từ số 66 bệnh nhân trở lên nhưng các bệnh viện sẽ áp dụng qua một Quý, sau đó sẽ điều chỉnh lại.

Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cũng cho rằng, các bệnh viện nên hạn chế các chỉ định xét nghiệm không cần thiết cho bệnh nhân. “Nhiều bệnh viện ra nhiều chỉ định không cần thiết cho bệnh nhân giống như “đem dao mổ trâu giết gà” gây lãng phí vô cùng lớn”, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết.

Có thể nói, hiện nay, một trong những tiêu cực của khám chữa bệnh ngành y chính là bệnh nhân phải trả tiền cho các xét nghiệm không cần thiết. Đơn cử, có những trường hợp bệnh nhân đau đầu, lẽ ra bác sĩ phải thăm khám và hỏi bệnh kỹ nhưng bệnh nhân vừa đến kêu bệnh bác sĩ đã chỉ định cho chụp cộng hưởng từ. Trong khi đó, chỉ có những người đau đầu nhiều, dữ dội hoặc nghi ngờ do khối u, đau đầu kèm nôn mới cần làm xét nghiệm đó.

Hay như với bệnh nhân đau lưng cũng hay được các bác sĩ chỉ định chụp cộng hưởng từ mà thông thường chỉ để phát hiện thoát vị đĩa đệm. Trong khi dấu hiệu của thoát vị đĩa đệm cũng rất dễ khám bằng lâm sàng. Hoặc có trường hợp chỉ cần siêu âm là phát hiện được bướu giáp nhưng bác sĩ lại chỉ định chụp cộng hưởng từ và chụp X quang trước mổ và phát hiện vết mờ ở phổi, bác sĩ lại chỉ định chụp CT phổi.

Trong khi đó, theo văn bản ban hành, Thông tư 15 thực hiện điều chỉnh một số dịch vụ kỹ thuật, giá khám bệnh, giá nằm giường… Như vậy, Thông tư 15 sẽ góp phần đảm bảo quyền lợi người dân nhưng lại khiến các cơ sở y tế giảm nguồn thu dịch vụ y tế.

Để đảm bảo thu chi, các bệnh viện vẫn tiếp diễn các “chiêu” yêu cầu bệnh nhân phải làm quá nhiều xét nghiệm, nhập viện điều trị khi không cần thiết hoặc mập mờ trong thu thêm ngoài bảo hiểm chi trả.

Thứ Trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn chỉ đạo, mặc dù việc điều chỉnh giá một số dịch vụ y tế trong Thông tư 15 sẽ làm giảm nguồn thu của các cơ sở khám chữa bệnh nhưng vẫn phải đảm bảo quyền lợi của người dân khi đi khám, chữa bệnh, đảm bảo dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng. Đặc biệt, các bệnh viện có thể phải cắt giảm những chi phí không cần thiết để đảm bảo hoạt động nhưng tuyệt đối không được bớt xén quyền lợi của người bệnh, không được bớt xét quyền lợi của người dân.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này