Hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7”

Kỳ 1: Tội phạm buôn người có chiều hướng gia tăng

21:32 | 04/07/2018
Trong thời gian qua, tội phạm buôn người vẫn diễn biến vô cùng phức tạp, các đối tượng phạm pháp gia tăng với những thủ đoạn ngày càng tinh vi. Các lực lượng chức năng đang nỗ lực hết mình để ngăn chặn, đấu tranh với tội phạm buôn bán người.
tin nhap 20180704155512 Diễn biến phức tạp
tin nhap 20180704155512 Còn nhiều khó khăn, thách thức
tin nhap 20180704155512 Tổng kết đợt cao điểm trấn áp tội phạm buôn người Việt - Lào - Campuchia

Nhiều thủ đoạn

Những ngày cuối tháng 6, các lực lượng phòng chống tội phạm buôn người liên tiếp bắt giữ những đối tượng có những hành vi phạm pháp, mua bán người xuyên quốc gia.

Cụ thể, ngày 27/6, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can 2 đối tượng gồm Lương Văn May (tên thường gọi là Chăn, SN 1992, trú tại xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) và Lữ Văn Thành (SN 1993, trú tại xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn) về hành vi mua bán người.

Trước đó, ngày 22/6, các trinh sát của Đội 5, Phòng Cảnh sát hình sự - CATP Hà Nội đã bắt giữ Lữ Văn Thành tại bến xe khách Nước Ngầm, quận Hoàng Mai (Hà Nội), lúc đối tượng này bỏ trốn sau khi bị phát hiện đang lừa 2 cô gái trẻ để bán sang Trung Quốc.

Tại cơ quan công an, Thành khai, năm 2017 đi làm thuê tại xưởng gỗ ở Trung Quốc và được chị gái là Lữ Thị Đon (SN 1982, sống ở Trung Quốc) bàn bạc về việc tìm những người phụ nữ ở Việt Nam đưa sang Trung Quốc bán. Mỗi người đưa trót lọt sang Trung Quốc, Thành sẽ được hưởng 30 triệu đồng.

Sau khi trở về Việt Nam Thành đã bàn với Lương Văn May (trú tại xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) tìm phụ nữ để bán, số tiền kiếm được sẽ chia đôi. Lợi dụng lòng tin, May đã lừa 2 cô gái cùng làng đi trồng hoa ở Đà Lạt với mức lương 6,5 triệu đồng/tháng nhằm đưa 2 cô gái ra cửa khẩu Móng Cái.

Khi Thành đưa 2 cô gái ra đến Hà Nội định chuyển sang xe khách đi Móng Cái thì bị cơ quan công an bắt giữ. Ngay sau đó, Công an TP Hà Nội đã bàn giao đối tượng Lữ Văn Thành, 2 nạn nhân cùng toàn bộ tang vật cho Công an tỉnh Nghệ An tiếp tục làm rõ.

Gần đây nhất, ngày 29/6, Công an tỉnh Đắk Lắk đã bắt hai đối tượng là Thào A Vảng (25 tuổi, trú huyện Đác G’long, tỉnh Đác Nông) và Vàng Seo Gia (24 tuổi, trú tỉnh Hà Giang) để điều tra về hành vi mua bán người.

tin nhap 20180704155512

Lực lượng chức năng ở khu vực biên giới Việt - Trung giao, nhận các nạn nhân của các đường dây mua bán người

Theo kết quả điều tra bước đầu, Vảng và Gia quen biết một người tên Hồng ở bên Trung Quốc. Hồng đã kết nối và đề nghị Vảng cùng Gia tìm những cô gái trẻ đưa sang Trung Quốc bán làm vợ. Mỗi cô gái được đưa sang Trung Quốc, Vảng và Gia sẽ được trả thù lao từ 10 - 15 triệu đồng.

Từ đề nghị này, Vảng và Gia đến các huyện vùng sâu của hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông gạ gẫm, tán tỉnh các cô gái trẻ hứa đưa về làm vợ. Tin lời đường mật, các cô gái trẻ đã đi theo Vảng, Gia và bị hai đối tượng này đưa ra tỉnh Lào Cai rồi bán sang Trung Quốc.

Trong 5 cô gái trẻ bị bán, Gia đã dụ dỗ một cô gái ở xã Hòa Phong, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk; còn Vảng đã dụ dỗ được bốn cô gái ở hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Sau khi bán 5 cô gái trẻ sang Trung Quốc, Vảng và Gia quay lại Việt Nam lừa đảo các cô gái khác thì bị cơ quan công an phát hiện, bắt giữ...

Tội phạm có chiều hướng gia tăng

Thông tin từ Cục Phòng chống tội phạm ma túy và tội phạm (Bộ đội Biên phòng) cho biết, từ năm 2011 - 2017, các cơ quan tiến hành tố tụng đã phát hiện, xử lý đối với 2.748 vụ mua bán người với 4.110 đối tượng, số người đã bị mua bán là 5.984 người; trung bình một năm có 900 người bị mua bán, tội phạm mua bán người xảy ra trên cả nước.

Đối tượng bị mua bán không chỉ là phụ nữ, trẻ em mà còn có gần 50 trường hợp là nam giới, 90% số vụ mua bán người là để đưa ra nước ngoài và tập trung ở các tuyến biên giới giữa Việt Nam với Trung Quốc (70%), còn lại là tuyến biên giới Lào, Campuchia, Thái Lan, và một số trường hợp ra nước ngoài qua cửa khẩu sân bay.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tình hình tội phạm mua bán người trên các tuyến biên giới diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Đối tượng phạm tội thường lợi dụng hoàn cảnh gia đình, kinh tế khó khăn, trình độ nhận thức còn hạn chế của một số phụ nữ, trẻ em để dụ dỗ, lừa gạt, sau đó mua bán ra nước ngoài.

Các nạn nhân bị bán ra nước ngoài vì nhiều mục đích khác nhau như: bóc lột tình dục, hôn nhân trái pháp luật thậm chí là bóc lột sức lao động… Đối tượng phạm tội là người Việt Nam rất đa dạng như lưu manh chuyên nghiệp, người có tiền án, tiền sự, cấu kết với đối tượng là người nước ngoài ở vùng sâu, vùng xa, biên giới tạo thành đường dây khép kín để lôi kéo, móc nối ra nước ngoài bán. Đặc biệt, đối tượng phạm tội là người nước ngoài ngày càng gia tăng, chủ yếu là người Trung Quốc.

Các đối tượng này đã lợi dụng chính sách mở cửa của Việt Nam, thông qua các hình thức vào du lịch, liên doanh, liên kết làm ăn để lừa gạt phụ nữ, trẻ em dưới dạng đưa đi làm việc ở nước ngoài…

Đáng chú ý, trong số những đối tượng này có rất nhiều người từng là nạn nhân bị bán sang Trung Quốc, khi quay lại Việt Nam thăm thân hoặc trốn về lại cấu kết với các đối tượng khác để lừa các nạn nhân.

Chưa kể, một số đối tượng còn giả danh công an, bộ đội biên phòng thông qua mạng Zalo, Facebook để kết bạn làm quen phụ nữ sau đó lừa bán sang Trung Quốc.

Trong thời gian tới tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, hình thành các đường dây, tổ chức tội phạm có quy mô lớn liên quan đến nhiều quốc gia với tính chất ngày càng nghiêm trọng.

Thu Trang (còn nữa)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này