Ngành BHXH:

Phát triển đối tượng tham gia BHYT nhanh, bền vững

13:41 | 04/07/2018
Tính đến 31/5/2018 cả nước có 81,3 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), đạt tỷ lệ bao phủ 86,6% dân số. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) tiếp tục thực hiện tốt chính sách BHYT theo quy định của Luật BHYT, phát triển đối tượng tham gia BHYT nhanh, bền vững.  
phat trien doi tuong tham gia bhyt nhanh ben vung Nhiều bệnh nhân được quỹ bảo hiểm y tế chi trả hàng tỷ đồng
phat trien doi tuong tham gia bhyt nhanh ben vung Hướng tới mục tiêu phát triển bảo hiểm y tế toàn dân bền vững

Nỗ lực vì mục tiêu BHYT toàn dân

Chính sách BHYT ở nước ta ra đời từ năm 1992, đến nay đã hơn 20 năm. Đánh giá về tình hình thực hiện chính sách BHYT thời gian qua, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, năm 2017 là năm mà chính sách BHYT nhận được sự quan tâm rất lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, các cấp chính quyền và người dân.

phat trien doi tuong tham gia bhyt nhanh ben vung
Tham gia BHYT, người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn

Nghị quyết số 20/2017/NQ-TW đã được ban hành với nhiều nội dung liên quan đến định hướng thực hiện chính sách BHYT như: Hướng tới thực hiện bao phủ chăm sóc sức khoẻ và BHYT toàn dân; mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khoẻ; được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia BHYT và thụ hưởng các dịch vụ y tế.

Tập trung đẩy nhanh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin từ quản lý bệnh viện, giám định BHYT, bệnh án điện tử tới chẩn đoán, xét nghiệm. Thực hiện nguyên tắc y tế công cộng do ngân sách Nhà nước bảo đảm là chủ yếu…

Với những nỗ lực trên, công tác thực hiện chính sách BHYT đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến 31/12/2017, số đối tượng tham gia BHYT là 79,9 triệu người, tăng khoảng 4 triệu người so với năm 2016, đạt tỷ lệ 100,1% so với kế hoạch Chính phủ giao và tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 85,6%. Tất cả các địa phương đều đạt và vượt chỉ tiêu bao phủ BHYT được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg. Ước đến 31/5/2018 cả nước có 81,3 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 86,6% dân số.

Cùng với quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2015 và 2020, công tác truyền thông chính sách, pháp luật BHYT thời gian qua đã được cơ quan BHXH đẩy mạnh cùng với vai trò thiết thực của BHYT trong đời sống đã giúp người dân dần nhận thức đầy đủ hơn về bản chất nhân văn của BHYT từ đó chủ động tham gia như một biện pháp hữu hiệu dự phòng chăm lo sức khỏe cho cá nhân cũng như các thành viên trong gia đình.

Minh chứng rõ rệt nhất là tốc độ bao phủ BHYT có đà tăng trưởng mạnh mẽ trong khoảng 5 năm gần đây. Cụ thể, nếu như cuối năm 2012, tỷ lệ bao phủ BHYT mới chỉ đạt 66,8% dân số thì đến hết năm 2017 đạt 85,6% và hiện đạt gần 87%. Số tham gia BHYT theo hộ gia đình - nhóm thuộc diện khó vận động tham gia nhất cũng đã có bước tăng trưởng đáng kể liên tục trong khoảng 10 năm trở lại đây, năm sau luôn cao hơn năm trước.

Nếu như năm 2008, số tham gia BHYT hộ gia đình (hay còn được gọi là BHYT tự nguyện - theo quy định của Luật BHYT 2008) mới chỉ đạt 3,67% dân số, tương ứng khoảng 3,1 triệu người tham gia; đến năm 2017, tỷ lệ tham gia đạt gần 16% dân số, tương ứng khoảng 14,9 triệu người; tính đến tháng 3/2018, số tham gia ở nhóm này là gần 15,4 triệu người.

Quyền lợi BHYT của người dân ngày càng được bảo đảm, giúp người dân thấy được vai trò thiết thực của BHYT với an sinh của bản thân, gia đình và xã hội. Điều này được thể hiện qua số lượt khám, chữa bệnh BHYT liên tục tăng qua các năm, tương ứng với đó là số chi phí khám, chữa bệnh được chi từ Quỹ BHYT.

Năm 2017 có 168 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT tăng 14% so với năm 2016 trong đó số lượt khám chữa bệnh ngoại trú là 152,8 triệu lượt tăng 15% và số lượt khám chữa bệnh nội trú là 15,3 triệu lượt tăng 9% so với năm 2016. Số chi khám chữa bệnh BHYT tăng thêm 30% so với năm 2016.

Năm 2016 tần suất khám chữa bệnh là 1,9 lượt khám/thẻ/năm, năm 2017 là 2,1 lượt khám/thẻ/năm, trong đó tần suất khám chữa bệnh nội trú năm 2017 tăng 0,01 lượt. Như vậy, số đối tượng tham gia BHYT năm 2017 tăng 4,036 triệu so với năm 2016 nhưng số lượt khám chữa bệnh tăng 21,085 triệu lượt.

Số liệu trên Hệ thống thông tin BHYT cho thấy tần suất khám, chữa bệnh tăng cả ngoại trú và nội trú. Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2018, có 53.065 nghìn lượt khám chữa bệnh BHYT (bằng 31,5% số lượt năm 2017) với số chi khám chữa bệnh là 28.783,9 tỷ đồng, chiếm 32% dự toán Chính phủ giao.

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT tuyến cơ sở

Với mục đích đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT; về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của chính sách BHYT trong hệ thống an sinh xã hội, ngày 1/7 hàng năm được lấy là Ngày BHYT Việt Nam. Trải qua 9 năm tổ chức, Ngày BHYT Việt Nam là dịp để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay, góp sức thực hiện tốt Luật BHYT với lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, vì sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội, vì an sinh đất nước.

Ngày BHYT Việt Nam năm nay có chủ đề “Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT tuyến cơ sở”. Theo đó, BHXH Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông BHYT, hướng người tham gia BHYT khám, chữa bệnh BHYT tại tuyến y tế cơ sở để được chăm sóc sức khỏe kịp thời, giảm các chi phí hành chính.

Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng phối hợp với ngành y tế nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế tuyến cơ sở, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước thực hiện cấp thẻ BHYT điện tử... nhằm giúp người tham gia BHYT tiếp cận dịch vụ được dễ dàng và thuận tiện ngay từ tuyến y tế cơ sở, vì mục tiêu phát triển BHYT toàn dân bền vững.

Với nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, thiết thực; nội dung tuyên truyền ngắn gọn, chính xác, dễ hiểu, ngành BHXH mong muốn mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ, hiểu đúng các nội dung cơ bản của chính sách, pháp luật BHYT và tạo diễn đàn để chủ sử dụng lao động, người lao động, người dân và cộng đồng xã hội có thể phản biện những điểm bất cập nhằm xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHYT phù hợp với tình hình thực tiễn.

Ngọc Lan

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này