Những tín hiệu xấu trên thị trường chứng khoán Việt

08:48 | 02/07/2018
Trải qua một tuần làm việc, thị trường chứng khoán trong nước tiếp tục chứng kiến nhiều tín hiệu xấu khi dòng tiền trên sàn liên tục sụt giảm, cùng với đó nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn, ngân hàng... ồ ạt đi xuống.
nhung tin hieu xau tren thi truong chung khoan viet 7 kiến nghị phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam
nhung tin hieu xau tren thi truong chung khoan viet Thị trường chứng khoán: Mức vốn hóa tăng cao nhất

Chứng khoán Việt tiếp tục lao dốc, nhiều cổ phiếu lớn mất giá

Sau những tuần giảm điểm liên tiếp, thị trường chứng khoán trong nước vẫn chưa thoát khỏi đà trượt giảm trong tuần vừa qua (từ 25 – 29/6). Giao dịch trên sàn phát đi tín hiệu đáng lo ngại khi thanh khoản giữ ở mức khá thấp. Cùng với đó, các cổ phiếu từng được nhiều nhà đầu tư ưa chuộng như ngân hàng, chứng khoán... lại không ngừng trượt giảm.

Theo đó, khởi động phiên làm việc đầu tuần, thị trường chứng khoán trong nước đã phát đi tín hiệu khá tích cực khi đồng loạt tăng điểm. Giao dịch không thật sự sôi động, nhưng nhờ vào đà tăng của nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn đã kéo các chỉ số đi lên thành công cho đến cuối ngày làm việc.

Dòng tiền đẩy vào sàn khá èo uột, kèm tâm lý thận trọng của giới đầu tư đã khiến thị trường nhanh chóng lao dốc trong 3 phiên làm việc tiếp theo. Hoạt động bán tháo diễn ra mạnh mẽ , khiến nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có liên tục chìm trong diễn biến tiêu cực, với các mã giảm điểm mạnh như VNM, VJC, HPG, MBB…

Đáng chú ý là diễn biến giảm điểm trên diện rộng của nhóm ngân hàng trong tuần qua như VCB, BID, MBB, VPB… Tương tự, nhóm cổ phiếu chứng khoán cùng có tuần điều chỉnh với các mã giảm mạnh như SSI, HCM, VND… Thanh khoản vẫn là vấn đề khiến nhiều người lo ngại khi giữ ở mức khá thấp.

Sau 3 phiên giảm liên tiếp, nhiều cổ phiếu dường như đã về mức hấp dẫn khiến nhiều nhà đầu tư qua lại mua vào, kéo nhiều mã nhanh chóng đi lên, trong đó có cả những cổ phiếu lớn. Nhờ đó, cả hai chỉ số trên sàn Hà Nội và TP.HCM đi lên thành công khi chốt phiên cuối tuần.

nhung tin hieu xau tren thi truong chung khoan viet
Ảnh minh họa

Tính chung cả tuần, các chỉ số thị trường trên cả hai sàn Hà Nội và TP.HCM đồng loạt giảm điểm. Trong đó, chỉ số Vn-Index bên sàn TP.HCM kết thúc tuần với mức giảm 2,28% khi chốt ở mức 960,78 điểm. Còn chỉ số, HNX-Index bên sàn Hà Nội cũng giảm 5,19% dừng tại mốc 106,17 điểm.

Thanh khoản trên cả hai sàn cũng đồng loạt sụt giảm. Cụ thể, khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn TP.HCM đạt hơn 119,99 triệu đơn vị/phiên, giảm 9,92% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX đạt trung bình hơn 30,2 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 19,8%.

Cùng với đà lao dốc của các chỉ số, trong tuần làm việc vừa qua, thị trường chứng khoán trong nước cũng chứng kiến khá nhiều cổ phiếu lớn mất giá.

Tại sàn TP.HCM, cổ phiếu PNJ của Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận đã có một tuần giao dịch không thành công khi để mất hơn 17% giá trị, từ mức 105.000 đồng/cổ phiếu hôm 22/6 xuống còn 87.000 đồng/cổ phiếu khi chốt phiên ngày 29/6. Với mức giảm này, PNJ đã giữ ở vị trí thứ 3 trong danh sách 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất tuần.

Cổ phiếu BHN của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội cũng nằm vị trí thứ 6 trong Top 10 mã giảm mạnh nhất tuần, với mức gần 14% giá trị, từ mức 105.900 đồng/cổ phiếu hôm 22/6 xuống còn 91.500 đồng/cổ phiếu khi chốt phiên ngày cuối tuần 29/6.

Cổ phiếu VPB của Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng giữ vị trí thứ 10, với mức giảm gần 13%, từ mức 32.900 đồng/cổ phiếu hôm 22/6 xuống còn 28.700 đồng/cổ phiếu khi chốt phiên ngày 29/6.

Bên sàn Hà Nội, cổ phiếu PCG của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển gas Đô Thị dẫn đầu danh sách Top 10 mã giảm mạnh nhất tuần, với mức gần 21% giá trị, từ mức 20.500 đồng/cổ phiếu hôm 22/6 xuống còn 16.300 đồng/cổ phiếu khi chốt phiên cuối tuần 29/6.

Cổ phiếu TPP của Công ty cổ phần Nhựa Tân Phú giữ vị thứ 4 trong Top 10 mã giảm mạnh nhất tuần, với mức hơn 18%, từ 11.600 đồng/cổ phiếu hôm 22/6 xuống còn 9.500 đồng/cổ phiếu hôm 29/6.

Thị trường chứng khoán vẫn nằm trong xu hướng giảm

Trước những diễn biến không mấy tích cực ở tuần giao dịch vừa qua, nhiều nhận định thị trường chứng khoán vẫn nằm trong xu hướng giảm trong tuần này.

Theo nhận định của Công ty cổ phần chứng khoán BIDV – BSC, chỉ số Vn-Index bên sàn TP.HCM đã có tuần giảm điểm thứ 3 liên tiếp khi các ngành chủ chốt như ngân hàng, thực phẩm và thép tiếp tục suy yếu. Khối ngoại mua ròng tuy nhiên chủ yếu qua hoạt động thỏa thuận và chưa có ảnh hưởng lên thị trường, trong khi nhà đầu tư trong nước vẫn khá thận trọng, kéo theo thanh khoản thị trường liên tiếp sụt giảm.

“Vn-Index đang quay lại kiểm tra đáy ngắn hạn với thanh khoản thấp, diễn biến trong tuần tới vẫn đang khá nhạy cảm, dù vậy khả năng giằng co tích lũy chờ tin kết quả kinh doanh quý II vẫn được đánh giá cao”, Công ty cổ phần chứng khoán BIDV – BSC nhận định.

Còn theo nhận định của Công ty chứng khoán Bảo Việt – BVSC, việc thanh khoản thị trường sụt giảm xuống mức thấp và diễn biến điều chỉnh ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong tuần này là tín hiệu kém tích cực với xu hướng thị trường chung. Nhiều khả năng 2 chỉ số sẽ tiếp tục biến động lình xình, điều chỉnh nhẹ và phân hóa trong tuần tới.

Vì vậy, nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao có thể tranh thủ các nhịp hồi phục trong các phiên kế tiếp, để giảm tỷ trọng danh mục ngắn hạn về mức trung bình thấp. Các nhà đầu tư đang cầm tiền mặt tiếp tục đứng ngoài quan sát.

Theo Minh Ngọc/ vnmedia.vn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này