Hãy giữ lại tuổi thơ cho con

16:36 | 29/06/2018
Nói trẻ thời 4.0 bị đánh mất tuổi thơ nghĩ cũng không sai. Áp lực học hành do lượng kiến thức phải học ở nhà trường quá nhiều, thêm vào đó áp lực từ phía gia đình phải học, học để không chỉ con mình theo kịp bạn bè, xu hướng thời cuộc mà có khi chỉ đáp ứng "mơ ước" giản đơn: Thi được vào cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông!
úahay giu lai tuoi tho cho con Mỗi lớp không quá 70 trẻ
hay giu lai tuoi tho cho con Chuyện của con không phải chuyện nhỏ

Không phải là nhà sinh học hay chuyên gia y tế, song mỗi chúng ta đều hiểu một cách sơ lược rằng, não bộ của trẻ em nó giống như vết da non chuẩn bị lành. Chỉ cần một tác động nhỏ cũng đủ vết da non đó sưng tấy trở lại. Não bộ trẻ em cần có thời gian nghỉ ngơi, tư duy thay cho việc phải "căng lên" để nhồi nhét lượng kiến thức. Tuy nhiên, ngỡ tưởng ai cũng biết thì vì nhiều lý do khác nhau, hiện nay trẻ đang bị học quá nhiều. Điều này dẫn tới, trẻ không có nhiều thời gian vui chơi, gần gũi với môi trường thiên nhiên cũng như không có thời gian trải nghiệm cuộc sống, không được sống với đúng lứa tuổi của mình. Với lịch học kín mít sáng học toán, chiều luyện chữ, tối học ngoại ngữ… đã vô tính biến một đứa trẻ thành một cái máy, chỉ biết làm theo yêu cầu của cha mẹ mà không có được sự lựa chọn nào khác .

hay giu lai tuoi tho cho con
Được thỏa sức vui chơi, sáng tạo là mong muốn của tất cả con trẻ (ảnh mang tính minh họa)

Chị Nguyễn thị Hoài, 29 tuổi (Dương Nội, Hà Đông) cho biết: “Con nhà tôi mới 5 tuổi, sang năm mới vào lớp 1 nhưng cháu đã biết làm toán, biết đánh vần chữ, cứ trung bình 1 tuần cháu đi học 5 buổi cho các môn tập đọc, tiếng anh, làm toán nhanh…”. Còn chị Bích Thuỷ (Thường Tín) chia sẻ: “Tôi cho con học chữ từ khi cháu học mầm non, đến bây giờ cháu đã có thể đọc được hầu như rất nhiều chữ, tôi rất tự tin khi con chuẩn bị bước vào lớp 1”. Tương tự, Ngọc Lan, một phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học An Hưng, Hà Đông cũng cho biết thêm: “Tôi thấy con nhà người ta đi học nên cũng phải cho cháu đi học để sau này đi học cháu còn theo kịp các bạn”.

Cũng chính vì cái sự học dẫn đến "cầm đèn chạy trước ô tô" dẫn đến hệ lụy không ít bé học sớm dẫn đến sau khi vào lớp 1 đã xảy ra tình trạng chủ quan, cho rằng mình đã biết rồi nên không tập trung nghe giảng nữa ,chính vì không tập trung nên dẫn kến kết quả học tập sa sút. Thậm chí, cũng rất nhiều người cho rằng giai đoạn từ 3 đến 4 tuổi là lúc mà bộ não của bé cực kỳ phát triển, nên nếu cho trẻ học vào thời gian này thì trẻ sẽ tiếp nhận cực nhanh. Chính vì vậy mà bố mẹ ra sức nhồi nhét cho con, và không hề tiếc tiền khi chi ra những khoản tiền rất lớn, họ gọi như thế là đầu tư.

Cạnh đó, cũng có bé mới 5 tuổi đã đọc thuộc bảng cửu chương, hay đọc được báo cũng không còn là hiện tượng lạ. Nhưng họ đã vô tình tạo cho con trẻ một áp lực rất lớn, khiến bé lớn nhanh hơn so với tuổi, làm mất đi khoảng thời gian mà trẻ được tận hưởng để chơi đùa. Có nhiều bố mẹ muốn nhào nặn con thành một học sinh xuất sắc, một hình mẫu để bố mẹ có thể tự hào nên ra sức để cho con học được đầy đủ để không thua kém bạn bè vì theo họ nghĩ, như thế mới là tốt nhất cho con. Trong khi đó, theo một số nghiên cứu liên quan đến não bộ của trẻ cho thấy, ở độ tuổi 3 - 4 thì bé chỉ cần học những thứ đơn giản như học các lớp kỹ năng sống, học múa, học đàn hay học bơi …Về vấn đề này TS Vũ Thu Hương (giảng viên Khoa Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) minh chứng thêm: “Dạy con học chữ sớm trước 6 tuổi là phụ huynh đang huỷ hoại rất nhiều điều ở trẻ”.

hay giu lai tuoi tho cho con
Ở lứa tuổi mầm non, ngoài vui chơi, các bậc phụ huynh chỉ nên trang bị cho con trẻ thêm về kỹ năng sống.

Xét cho cùng học là để dung nạp kiến thức; học là để trở thành người và học cũng để sau này có ích cho xã hội, biết tạo dựng cuộc sống cho mình. Do đó, thiết nghĩ cái sự học cũng phải tuân theo quy luật của tự nhiên. Đã là tuổi thơ là phải có thời gian vui chơi, dành riêng cho khám phá để phát triển não bộ. Còn nếu cứ áp lực học quá nhiều như hiện nay sẽ tạo tác dụng ngược. Bằng chứng, người Việt Nam vốn được biết đến với tính năng cần cù, thông minh, đi thi các giải quốc tế luôn đạt thành tích cao. Song ở góc độ phát minh, sáng chế thì lại đứng ở top cuối.

Bởi thế, vì một nền giáo dục có chất lượng, vì một tuổi thơ với đầy đủ quyền của các cháu đã đến lúc về phía ngành Giáo dục- Đào tạo phải tính tới chuyện giảm áp lực học hành, tăng thời gian dành cho vui chơi, khám phá để kích thích sự tư duy độc lập. Còn phía phụ huynh cũng không nên "ăn thua" với chuyện học hành của các con. Vẫn biết, trong xu thế của nền giáo dục đương đương đại cực chẳng đã phụ huynh mới phải căng chuyện học cho con như vậy. Song bất luận hoàn cảnh nào, cả ngành Giáo dục- Đào tạo và bản thân mỗi gia đình hãy biết giữ lại tuổi thơ cho các con với đầy đủ vốn có của nó.

Phạm Hương

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này