Giao lưu chính luận “Thông tin truyền thông với an ninh tài chính, tiền tệ”:

Khẳng định vai trò của báo chí với công tác an ninh tài chính, tiền tệ

13:53 | 29/06/2018
Sáng  29/6/2018, tại trụ sở Đài Tiếng nói Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Tổng cục An ninh, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia và Đài Tiếng nói Việt Nam đã đồng tổ chức buổi giao lưu chính luận “Thông tin truyền thông với an ninh tài chính, tiền tệ”.
khang dinh vai tro cua bao chi voi cong tac an ninh tai chinh tien te Báo chí Việt Nam luôn có mặt nơi đầu sóng ngọn gió
khang dinh vai tro cua bao chi voi cong tac an ninh tai chinh tien te Đảm bảo an ninh cho kinh doanh xổ số điện toán

Phát biểu khai mạc buổi giao lưu, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, khẳng định: Thông tin, truyền thông có tác động tới việc hình thành niềm tin, thái độ và hành vi của công chúng, có khả năng hình thành và định hướng dư luận xã hội. Bởi vậy thông tin, truyền thông đối với việc bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ góp phần nâng cao ý thức của người dân, tổ chức và doanh nghiệp trong lĩnh vực này; đồng thời góp phần ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, tăng tính an toàn, hiệu quả của hệ thống tài chính, tiền tệ.

khang dinh vai tro cua bao chi voi cong tac an ninh tai chinh tien te
Các chuyên gia tại buổi giao lưu chính luận "Thông tin truyền thông với an ninh tài chính, tiền tệ".

Chương trình giao lưu đã tập trung thảo luận, làm rõ các vấn đề cơ bản: Bảo mật, an ninh thông tin tài chính, tiền tệ trong nền kinh tế số; nâng cao khả năng nhận diện, ngăn chặn và giảm thiểu rủi ro, nguy cơ từ tin đồn thất thiệt trong hệ thống, bảo đảm chất lượng thông tin gắn với an ninh tài chính, tiền tệ; nâng cao nhận thức của công chúng, doanh nghiệp trong sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, tiền tệ nhằm tăng hiệu quả phân bổ vốn; vai trò của truyền thông, báo chí đối với an ninh tài chính, tiền tệ; nâng cao năng lực, kỹ năng xử lý và ứng phó với khủng hoảng truyền thông khi xảy ra các biến cố trên hệ thống tài chính, tiền tệ.

Tham gia tại buổi giao lưu, nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, cho rằng: Trong đời sống truyền thông, tin đồn là “sản phẩm truyền thông” chứa đựng nhiều yếu tố nhiễu trong quá trình truyền thông, bởi nó chịu sự tác động của nhiều yếu tố như: Trình độ, nhận thức, sở thích, thói quen, hoàn cảnh của người truyền tin và đối tượng tiếp nhận thông tin. Do đó, mỗi lần tin đồn được truyền đi, nó lại được thêm hoặc bớt những tình tiết theo hoàn cảnh hoặc đối tượng tiếp nhận. Vì vậy, nguy cơ sai lệch thông tin trong tin đồn là vô cùng lớn, dẫn đến hậu quả khó lường, thậm chí mất kiểm soát thông tin.

Đối với vấn đề an ninh, tài chính, tiền tệ, những tin đồn sai sự thật có tác hại rất nghiêm trọng trên lĩnh vực kinh tế. Do đó, vấn đề then chốt là giải quyết tốt mối quan hệ giữa chủ thể truyền thông và tin đồn. Khi các phương tiện truyền thông trở thành “vật dẫn” đưa tin từ không thành có, từ tin đồn biến thành dư luận xã hội thì trách nhiệm xã hội nhà báo cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc và thẳng thắn hơn.

Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cũng quan tâm đến việc nhận diện, ngăn chặn, sớm bác bỏ các tin đồn thất thiệt, bảo đảm chất lượng thông tin gắn với an ninh tài chính tiền tệ, ông cho rằng, trách nhiệm chung của các cơ quan chức năng, tổ chức, cơ quan truyền thông, cộng đồng xã hội là một mặt, tăng cường hoàn thiện cơ sở pháp lý và nâng cao năng lực, hiệu lực, trách nhiệm và sự phối hợp thông tin và quản lý thông tin gắn với các hoạt động tài chính, tiền tệ; mặt khác nâng cao năng lực, chất lượng thông tin nghiệp vụ và đề cao trách nhiệm của các cơ quan truyền thông.

Muốn vậy, các cơ quan truyền thông cần hoàn thiện quy trình xuất bản, làm rõ trách nhiệm và chế tài nghiêm khắc cho các hoạt động từ lấy tin, xử lý, viết bài và biên tập, xuất bản, đảm bảo chất lượng thông tin và uy tín đơn vị, cá nhân trong hoạt động truyền thông.

Thiếu tướng Nguyễn Hùng Lĩnh, Cục trưởng Cục An ninh Tài chính, Tiền tệ và Đầu tư (Tổng cục An ninh Bộ Công an) chia sẻ: Đối với lĩnh vực tài chính, tiền tệ là huyết mạch của nền kinh tế, nên được các cơ quan thông tin truyền thông đặc biệt quan tâm. Mọi chủ trương chính sách, pháp luật, định hướng của đảng, nhà nước về tài chính, tiền tệ đều được thông tin cập nhật một cách nhanh chóng, kịp thời.

Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông báo chí còn phát hiện và phản ánh nhiều vấn đề yếu kém, tham nhũng tiêu cực, xẩy ra trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ để chủ động thông tin, định hướng dư luận và giải tỏa những bức xúc trong dư luận xã hội, góp phần làm tăng tính công khai, minh bạch trong hoạt động tài chính, ngân hàng, qua đó giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, kiên quyết đấu tranh phòng chống tội phạm của quần chúng nhân dân nói chung và các cơ quan bảo vệ pháp luật nói riêng.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực nêu trên còn không ít những tác động tiêu cực do sự nhiễu loạn thông tin, đe dọa trực tiếp đến cuộc sống, an toàn của mỗi người dân làm mất an ninh trật tự xã hội, đòi hỏi phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của truyền thông đối với nhiệm vụ bảo vệ an ninh, tài chính, tiền tệ quốc gia.

Còn theo Nhà báo Đức Đông, Phó tổng biên tập báo Người đưa tin, do hoạt động tài chính, tiền tệ là một lĩnh vực nhạy cảm, dễ đổ vỡ, có tính lan truyền… đặc biệt là trong điều kiện một thị trường chưa phát triển hoàn hảo, rủi ro thông tin thiếu cân xứng cao như ở Việt Nam, đòi hỏi công tác thông tin truyền thông về hoạt động tài chính, tiền tệ cần phải đảm bảo chính xác, an toàn cho hệ thống.

Tóm lại, việc hệ thống tài chính, tiền tệ vận hành ổn định, an toàn và hiệu quả, việc đảm bảo an ninh tài chính, tiền tệ trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ và Việt Nam hội nhập sâu rộng với hệ thống tài chính, tiền tệ quốc tế là hết sức quan trọng.

Để góp phần tạo nên sự ổn định này, các chuyên gia đã khẳng định vai trò hết sức quan trọng của công tác truyền thông trong việc công bố thông tin và giải trình của các cơ quan quản lý, các tổ chức liên quan trong sự ổn định an ninh tài chính, tiền tệ và nền kinh tế quốc dân.

Nguyễn Mẫn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này