Đại tá, nhà báo Phạm Phú Bằng: Nói về làm báo chiến trường

15:16 | 21/06/2018
Gặp Đại tá, nhà báo Phạm Phú Bằng tại căn nhà ấm cúng nằm trong ngõ nhỏ bình yên ở số 8 Lý Nam Đế ngay trước ngày kỷ niệm 93 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam, ông chia sẻ nhữngkỷ niệm của một thời làm báo, làm người lính trên chiến trường…
dai ta nha bao pham phu bang noi ve lam bao chien truong Vẹn nguyên giá trị những lời dạy của Bác
dai ta nha bao pham phu bang noi ve lam bao chien truong Tôi đến với Trường Sa

Đại tá, nhà báo Phạm Phú Bằng năm nay tròn 90 tuổi, hơn 60 năm cầm bút và có hàng ngàn tác phẩm báo chí, trong đó nhiều bài báo đã trở thành “chứng nhân lịch sử”. Nhưng khi nhắc đến những ngày tháng gian khổ vừa cầm súng vừa cầm bút, nhà báo đã nói: “Người đánh giặc cũng khổ, người ở hậu phương cũng khổ, người đưa tin chiến trường có đáng kể gì”.

dai ta nha bao pham phu bang noi ve lam bao chien truong
Đại tá, nhà báo Phạm Phú Bằng kể chuyện làm báo chiến trường với phóng viên báo Lao động Thủ đô.

Tuy rằng, đó là sự khiêm nhường và giản dị nơi ông, chứ ai cũng biết, ông là một chiến sỹ thực thụ, nắm giữ nhiều kỷ lục về việc đi nhiều chiến dịch, tham gia trong nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, nhất là trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ông là nhà báo đã cầm bút trong 4 cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc đầy máu và nước mắt. Ông từng bị thương giữa chiến trường khi tác nghiệp…

Trò chuyện với chúng tôi, ông nhớ lại, khi còn ở tuổi 16, với nhiều khát vọng tuổi trẻ bảo vệ đất nước, ông đã nhập ngũ theo đoàn quân Nam tiến và chiến đấu nhiều năm trên chiến trường Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, là cán bộ đại đội bậc trưởng. Năm 1950, khi Báo Quân đội Nhân dân được thành lập, từ chiến trường, ông được triệu tập về làm phóng viên.

Về báo công tác nhưng ông chưa kịp ra trận với tư cách nhà báo mà gặp ngay đợt tổng động viên, lại cầm súng đi chiến đấu tiếp. Chiến dịch đầu tiên, ông tham gia với tư cách nhà báo là chiến dịch Trần Hưng Đạo vào tháng 12/1950.

Tháng 3/1951, trên mở chiến dịch Hoàng Hoa Thám, vượt qua núi Yên Tử đánh đường 18, ông tiếp tục ra trận cùng cây bút. Không chỉ viết bài, trong trận đánh vào đồn Bí Chợ, ông còn giúp Trung đoàn 102 dùng tiếng Pháp làm công tác địch vận. Tháng 5/1951, ông tiếp tục được cử theo chiến dịch Quang Trung, đánh vào thị xã Ninh Bình…

Cứ thế, ngòi bút Phạm Phú Bằng từng bước trưởng thành. Trong trận đánh vào đồn Non Nước, thị xã Ninh Bình, ông đã được tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ hạng Ba. Trong chiến dịch này, ông đã có hai bài báo quan trọng xuất bản tại chiến trường. Một bài phỏng vấn giáo dân, bác bỏ luận điệu xuyên tạc của kẻ địch.

Một bài ghi chép về gương 18 chiến sĩ chiến đấu dũng cảm ở vườn chuối. Hình thức xuất bản ở chiến trường lúc này cũng rất đơn giản. Hai bài báo này đều được xuất bản trực tiếp theo kiểu từng bài đơn lẻ, phát cho bộ đội và nhân dân.

Tham gia nhiều chiến dịch, nhiều trận đánh và những tháng ngày hành quân dòng dã trong cái đói, cái khát và cái chết rình rập, nhưng có lẽ chiến dịch Điện Biên Phủ ghi đậm dấu ấn trong lòng người Đại tá. Ông tâm sự rằng, trong chiến tranh đã chứng kiến trận đánh từ trưa hôm trước tới chiều hôm sau có 800 người chết, người mất chân, người mất tay, phải nằm cáng để đồng đội khiêng trên những con đường độc đạo.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ tổ quốc biên giới phía Bắc, phía Tây Nam, ông tiếp tục ra trận với tư cách là phóng viên chiến trường có mặt ở các mặt trận. Ông sống và viết trong cuộc càn lớn của quân Mỹ, trận càn Gian-xơn Xi-ti năm 1967 vào căn cứ Tây Ninh. Năm 1968, ông theo đặc công và quân giải phóng tấn công vào nội đô Sài Gòn. Sau đó, ông có mặt trên nhiều chiến trường khác, nhất là vùng trọng điểm ven đô, Củ Chi và Tây Sài Gòn…

Chia sẻ với chúng tôi, Đại tá nói: “Làm phóng viên chiến trường, trước hết phải làm một người lính, phải biết cầm súng, biết đeo trên lưng 30 cân quân dụng, biết đào hào, biết chiến đấu, trải qua hết những khốc liệt của chiến tranh… Như thế mới có thể viết về chiến tranh và hiểu được tâm tư nguyện vọng của những người lính, những người ở hậu phương trong các cuộc chiến. Trước khi làm báo phải sống như một người lính ở chiến trường, cống hiến toàn bộ sức mạnh tinh thần của người lính trên chiến trường”.

Ông kể, việc tác nghiệp trên chiến trường gian khổ một thì việc in ấn, phát hành còn gian khổ mười. Trong những cuộc hành quân dài hàng trăm cây số, những phóng viên, nhân viên của báo Quân đội Nhân dân thời ấy đã phải thay nhau vác chiếc máy in nặng hơn 30 kg trên vai, được bọc kỹ để khỏi bị lộ.

Khi in xong, cũng cần phải phát đến tay các trung đội ngay cho nên nhiều chiến sỹ đã băng rừng lội suối, vượt qua làn đạn, bom, mìn để đưa đến từng trung đội. Báo thời ấy không có thông tin giải trí mà chủ yếu là tin chiến sự và những bài viết khích lệ tinh thần yêu nước của người lính.

“Khi tờ báo in xong, cùng với phát hành, chúng tôi đưa báo còn nóng hôi hổi chạy tỏa ra khắp mặt trận, đưa báo xuống tận đơn vị, gặp lại nhân vật mình viết, để người lính đó đọc nếu họ còn sống. Nếu họ là thương binh, chúng tôi đọc cho họ nghe. Đó thật sự là những ngày tháng không thể nào quên. Hào hùng nhưng cũng đầy bi tráng”, ông nói.

Ngay ở số báo đầu tiên xuất bản ngoài mặt trận, nhà báo Phạm Phú Bằng đã giữ vai trò viết nhiều tin chiến sự với một loạt tin bài về giải phóng Lai Châu và tin chiến thắng của bộ đội Pa-thét Lào. Đặc biệt, sơ đồ cuộc truy kích của ta cũng do ông chuẩn bị. Trong suốt 33 số báo, ông là người chuẩn bị và thể hiện phần bản đồ, sơ đồ chiến sự.

Để có được những sơ đồ này, ông phải biết cách liên hệ với Bộ Tổng tham mưu và biết cách “biến” những thông tin từ bản đồ địa hình quân sự trở thành sơ đồ, bản đồ báo chí. Làm được điều đó, ngoài trí nhớ tốt cần phải có sự mẫn cảm chính trị để tránh được những vùng cấm, những nguy cơ lộ bí mật. Là phóng viên chiến trường, có ông và đồng nghiệp đến khi vừa chiến thắng, có khi trực tiếp cùng người lính công đồn, đối diện với quân địch.

Làm báo trong thời chiến, nhà báo Phạm Phú Bằng chia sẻ, ông đã từng đi cả trăm cây số để gặp nhân vật mình cần viết. Nhưng kể cả trong những chuyến đi tác nghiệp hay hành quân, ông đều tranh thủ tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân, ghi chép lại dọc đường để về viết thành bài.

Ông bảo, làm báo chiến trường phải tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của “người chết trước mình”, vì người lính chiến đấu là người xông pha trận mạc trước phóng viên, cho nên, có thể họ sẽ hy sinh trước khi mình đến và kịp viết về họ. Chính vì điều đó, nên ông ghi chép rất nhiều, cho đến nay ông có cả hàng ngàn bài ghi chép trên nhiều loại giấy mà sau chiến tranh, ông nhớ lại và viết lại mãi không hết.

Chia sẻ thêm về những kỷ niệm về nghề báo trên chiến trường năm xưa, ông nói: “Ngày nay nhà báo đi tác nghiệp thì có tiền trong túi, về đăng bài có nhuận bút, còn xưa thì không có gì, nhuận bút nếu có thì là những chiếc ngòi bút mực để dành viết bài hoặc những cuộn giấy chiến lợi phẩm thu được trong chiến dịch, nhưng đó là những thứ quý giá của người làm báo mà không có gì mua được”.

Dù chiến tranh đã đi qua mấy chục năm, nhưng với Đại tá, nhà báo Phạm Phú Bằng, ông vẫn còn nặng lòng với lịch sử. Trước khi nghỉ hưu ở Báo Quân đội Nhân dân, nhà báo Phạm Phú Bằng là phóng viên Phòng Văn hóa - Thể thao của báo. Tuy nghỉ hưu, nhưng chưa bao giờ ông thôi cầm bút. Các cuộc chiến tranh nay đã lùi xa.

Ngòi bút rực lửa của những tin tức, bài vở khét mùi thuốc súng và như còn thấm đỏ máu đồng đội đã chuyển sang những trang mới. Nhưng người lính Phạm Phú Bằng vẫn tiếp tục hành trình không nghỉ. Thẳm sâu trong những câu chuyện ông kể là sự hy sinh, cống hiến vĩ đại của nhân dân, là máu xương của người lính, là tài năng, đức độ của những người cầm quân, là cống hiến lặng thầm, là cuộc đua cùng thời gian và tiếng súng của những người cầm bút…

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này