Hướng tới Ngày Gia đình Việt Nam 28/6

Gỡ khó cho gia đình công nhân

07:00 | 22/06/2018
Yêu, tiến tới hôn nhân và xây dựng gia đình hạnh phúc là quyền của mỗi người, là nhu cầu tự nhiên, khát vọng cuộc sống nhưng cũng rất giản dị, đời thường. Thế nhưng, ước mong giản dị đó với đa phần công  nhân lao động ở KCN, KCX không hề dễ dàng.  Những vất vả mưu sinh, nỗi lo cơm áo gạo tiền triền miên cùng với sự  thiếu hụt về kiến thức, kỹ  năng tâm lý về hôn nhân, gia đình của không ít cặp vợ chồng công nhân đã dễ dàng khiến tổ ấm của họ bị lung lay, rạn nứt.
go kho cho gia dinh cong nhan Biểu dương 43 gia đình công nhân viên chức tiêu biểu
go kho cho gia dinh cong nhan Biểu dương gia đình công nhân viên chức tiêu biểu

Hạnh phúc “ngắn chẳng tày gang”

Sau gần hai năm tìm hiểu, yêu đương, Mai Hoa, quê Hải Dương và Tuấn Hùng, quê Thanh Hóa (cùng là công nhân trong KCN Sài Đồng) chính thức nên duyên chồng vợ trong niềm mừng vui, chúc phúc của hai bên gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Họ thuê một căn phòng trọ nhỏ, sống đầm ấm với cảnh “một túp lều tranh, hai trái tim vàng”.

Nhưng rồi, hạnh phúc ngắn “chẳng tày gang”, đúng lúc Hoa sinh con đầu lòng thì công việc của hai vợ chồng, nhất là Hùng - người trụ cột gia đình - lại gặp khó. Công ty ít đơn hàng, Hùng và nhiều công nhân khác chỉ làm việc cầm chừng, hưởng 70% lương.

Còn câu chuyện của Thu Nga (quê Nghệ An, công nhân KCN Bắc Thăng Long) cũng không khỏi xúc động. Vốn dịu hiền, xinh đẹp, Thu Nga được không ít chàng trai để ý, nhưng cô chỉ “chấm” con trai bà chủ nhà nơi cô thuê trọ.

Họ yêu, rồi cưới nhau, hạnh phúc tưởng như đã mỉm cười.Thế rồi, do công việc chia ca kíp, Nga thường xuyên phải đi sớm về muộn, thậm chí đi làm ban đêm, việc nhà cửa cô không thể chu toàn, khiến quan hệ mẹ chồng - nàng dâu vốn đã xa cách càng thêm nặng nề căng thẳng.

go kho cho gia dinh cong nhan

Ảnh minh họa

Cùng với đó, những dư luận, định kiến của họ hàng, làng xóm về việc trai thành thị, lấy gái thôn quê, người trí thức lại lấy công nhân... khiến hạnh phúc đôi trẻ dần rạn nứt.Từ một chàng trai hiền lành, yêu thương vợ, chồng Nga trở nên lầm lỳ, cục tính, nhất nhất nghe lời mẹ, hắt hủi vợ.

Cho tới khi Nga lần lượt sinh hạ hai cô con gái, thì như lửa đổ thêm dầu, mẹ chồng Nga nhất mực xúi con trai bỏ vợ. Chồng Nga nghe lời mẹ cũng nhất mực đâm đơn ly dị. Níu kéo mãi chẳng được, Nga đành chấp nhận chia tay, một thân một mình vừa đi làm ở khu công nghiệp vừa vất vả nuôi con.

Nhiều thách thức với các gia đình công nhân

Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, hiện có hơn 2,4 triệu công nhân làm việc tại các KCN, với 60 – 70% là lao động nữ. Phần lớn là lao động đến từ nhiều địa phương khác nhau trên cả nước. Sự phát triển của các KCN mang lại nhiều tác động tích cực trong tạo việc làm, thu hút một lực lượng lao động với quy mô lớn và đa dạng về đặc trưng nhân khẩu học và xã hội, góp phần cho sự hình thành và phát triển của các gia đình công nhân trong các KCN hiện nay.

Tuy nhiên, vấn đề xây dựng đời sống gia đình để công nhân “an cư, lạc nghiệp” tại các khu công nghiệp cho thấy nhiều khó khăn thách thức. Đa phần công nhân có tuổi đời trẻ, là lao động nhập cư mới tốt nghiệp THPT, thoát li từ nông thôn ra thành thị đến làm việc tại các KCN, thiếu hụt cơ bản những kiến thức, kỹ năng về xây dựng hạnh phúc gia đình.

Cùng đó, hầu hết các KCN hiện nay chưa có quy hoạch về xây dựng nhà ở, nhà trẻ mẫu giáo, cơ sở hạ tầng và các thiết chế văn hóa, xã hội phục vụ người lao động; đời sống tinh thần của công nhân còn nghèo nàn. Đặc biệt, tình trạng mất cân bằng giới tính tại khu công nghiệp; đời sống vật chất của CNLĐ còn gặp nhiều khó khăn, tiền lương chưa đáp ứng được mức chi tiêu cơ bản hằng ngày của người lao động, tiền lương và thu nhập thấp dẫn đến áp lực về đời sống vật chất khiến đại bộ phận công nhân lúng túng khi lựa chọn bạn đời và lo lắng các điều kiện cần và đủ để xây dựng hạnh phúc gia đình.

Theo kết quả khảo sát của đề tài “các giải pháp nâng cao chất lượng đời sống hôn nhân, gia đình của công nhân tại các KCN hiện nay” do Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện, đời sống hôn nhân, gia đình của công nhân tại các KCN đang có nhiều vấn đề bức xúc đặt ra.

49% công nhân cho rằng xu hướng quan hệ tình dục trước hôn nhân tăng; 38,5% cho rằng tình trạng nạo phá thai trước hôn nhân tăng; 24,6% cho rằng có tình trạng cưới rồi không dám sinh con vì kinh tế khó khăn; 19,3% cho rằng tình trạng sống độc thân ngày càng nhiều; 20,2% cho rằng có tình trạng lao động nữ sinh con và nuôi con một mình; 11,7% có con nhưng không đăng ký kết hôn.

Về vấn đề bình đẳng giữa vợ và chồng, có tới 85,6% công nhân được hỏi cho rằng giữa vợ chồng có sự phân chia công việc bình đẳng trong nội trợ, chăm sóc con và cơ hội kiếm tiền. Cuộc sống khó khăn khiến đa phần công nhân phải nỗ lực, chia sẻ để bảo đảm hạnh phúc gia đình. Trên thực tế công nhân không có đòi hỏi cao xa, kỳ vọng quá nhiều vào bạn đời…

Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hồng: Yêu, tiến tới hôn nhân và xây dựng gia đình hạnh phúc là quyền của mỗi người, là nhu cầu tự nhiên, khát vọng cuộc sống nhưng cũng rất giản dị, đời thường. Thế nhưng, ước mong giản dị đó với đa phần CNLĐ ở KCN, KCX không hề dễ dàng.

Công đoàn giúp tổ ấm công nhân bớt chênh vênh

Thực trạng về đời sống hôn nhân của CNLĐ như trên cho thấy, để tổ ấm gia đình công nhân bớt chênh vênh, rất cần sự tiếp sức từ nhiều phía: Người hoạch định chính sách, người sử dụng lao động, cơ quan chức năng, đoàn thể xã hội, nhà chuyên môn. Trong đó, cơ quan quản lý nhà nước cần điều chỉnh chính sách về hộ khẩu, giá cả dịch vụ sinh hoạt như điện, nước, nhà trẻ, mẫu giáo để CNLĐ nhập cư được hưởng công bằng như người của địa phương; có chính sách xây dựng nhà ở ưu đãi, trả góp cho riêng đối tượng công nhân lao động và tạo mọi điều kiện để CNLĐ có thể tiếp cận dịch vụ này một cách thuận tiện nhất để ổn định cuộc sống gia đình.

Đặc biệt, cần nhanh chóng hoàn thiện chính sách tiền lương để phấn đấu đến năm 2020 mức lương tối thiểu có thể đáp ứng được 100% mức sống tối thiểu của người lao động, giúp người lao động yên tâm lao động sản xuất và chăm lo tốt hơn cho gia đình.

Đối với doanh nghiệp cần quan tâm hơn tới chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, đời sống hôn nhân, gia đình cho CNLĐ để người lao động thực sự yên tâm, gắn bó với doanh nghiệp; Nghiêm túc thực thi các điều khoản trong Bộ Luật Lao động và các chính sách xã hội liên quan đến CNLĐ nói chung và lao động nữ nói riêng; dành một phần kinh phí hỗ trợ CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho CNLĐ, bố trí các căn hộ nhỏ khép kín cho gia đình công nhân thuê nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc xây dựng nhà ở cho CNLĐ ở KCN; Tăng cường các buổi đối thoại giữa công nhân với chủ doanh nghiệp và công đoàn để kịp thời lắng nghe, chia sẻ và giải quyết những khó khăn, bức xúc của công nhân.

Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ Thành phố Đặng Thị Phương Hoa cho biết, hàng năm, dưới sự chỉ đạo của LĐLĐ Thành phố, các cấp công đoàn Thủ đô đã có nhiều hoạt động thiết thực như: Tuyên truyền các chủ trương, các chỉ thị nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác xây gia đình văn hoá trong CNVCLĐ; tổ chức các hội nghị toạ đàm về xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc, mời báo cáo viên nói chuyện về hạnh phúc gia đình trong thời kỳ CNH, HĐH Thủ đô, đất nước, về vai trò người chồng, người cha trong gia đình… qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nam CNVCLĐ trong việc chia sẻ công việc gia đình.

Các phong trào thi đua lao động giỏi, nữ CNVCLĐ giỏi việc nước đảm việc nhà, mẹ lao động giỏi con học giỏi được phát động sâu rộng đã động viên, khích lệ nữ CNVCLĐ vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao đồng thời chăm lo gia đình, nuôi dạy con khoẻ, ngoan, học giỏi.

Thiết thực hơn, các cấp công đoàn Thủ đô thường xuyên chú trọng việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, đảm bảo về việc làm, thu nhập, tiền lương, thưởng, các chế độ chính sách đối với người lao động, là cơ sở đảm bảo cho mỗi gia đình CNVLĐ có được tiêu chí ổn định, phát triển bền vững.

LĐLĐ Thành phố cũng xúc tiến các hoạt động cho nữ CNVCLĐ vay vốn với lãi suất thấp để phát triển kinh tế gia đình từ nhiều nguồn khác nhau, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Thông qua các nguồn quỹ xã hội do CNVCLĐ Thủ đô đóng góp, LĐLĐ Thành phố và các cấp CĐ Thủ đô còn đẩy mạnh các hoạt động xã hội, kịp thời trợ giúp CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống.

Hy vọng những hoạt động thiết thực của tổ chức CĐ cùng sự quan tâm chăm lo của doanh nghiệp, sự chung tay của xã hội sẽ giúp mỗi CNVCLĐ có động lực để giữ lửa, xây dựng mái ấm thêm vững chắc.

Ngọc Tú

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này