Đại dương xanh và những bí ẩn về nàng tiên cá

15:19 | 25/08/2014
LĐTĐ - Đại dương bao la ẩn chứa trong đó biết bao sự huyền bí, nhưng cho đến nay con người mới chỉ khám phá được một phần rất nhỏ của nó. Giữa muôn vàn bí mật tưởng như bất tận ấy truyền thuyết về Nàng tiên cá đến nay là một ẩn số mà con người luôn muốn giải mã.

Truyền thuyết và những câu chuyện không tin không được

 

Truyền thuyết về nàng tiên cá xuất hiện cách đây khoảng 1.000 năm TCN, kể về nữ thần Syria nhảy xuống hồ để biến thành một con cá. Tuy nhiên, vẻ đẹp tuyệt vời của Syria đã không thể biến hoàn toàn thành cá mà chỉ có nửa dưới biến đổi được. Theo truyền thuyết, mỹ nhân ngư có sắc đẹp tuyệt thế và giọng hát du dương đầy mê hoặc.

Kể từ năm 1403, người ta tìm thấy không ít xác ướp được cho là người cá, gây bối rối cho các nhà khoa học. Đầu tiên, các ngư dân ở Eton, Hà Lan phát hiện ra một nàng tiên cá mắc kẹt trên bờ biển. Trong cuốn sách “Speculum Mundi” xuất bản năm 1635 do đích thân Bộ trưởng nước Anh John Swan viết về sự kiện này, "mỹ nhân ngư" tỏ ra sớm hòa nhập với cuộc sống “trần gian”, thích mặc quần áo đẹp, thích dạo chơi, nghe các quý bà tâm sự, nhưng tuyệt nhiên không bao giờ trò chuyện với ai.

Trong nhật kí của mình, nhà hàng hải người Mỹ trứ danh Henry Hudson khẳng định: "Hôm nay, ngày 15/6/1608, hai thuỷ thủ Thomas Hill và Robert Raynor nhìn thấy một sinh vật lạ có nửa người bên trên giống hệt một cô gái nhưng bên dưới lại là một cái đuôi to khoẻ. Sinh vật này tóc đen tuyền, da trắng, phần đuôi được bao bọc bởi lớp vảy như vảy cá. Đuôi của sinh vật này giống đuôi cá heo, song về màu sắc thì lại giống cá thu". Điều lạ lùng là những gì Hudson mô tả lại khá giống với các nhà hàng hải nổi tiếng trước đó như Ferdinand Magellan hay Christophe Columbo viết lại. Ngay họa sĩ Stradanus, người tham gia cùng với Magellan trong chuyến hải hành vòng quanh thế giới, sau khi về cũng vẽ lại một bức ký họa "nàng tiên cá" với cái đuôi nhọn đang bơi cạnh thuyền.

Một cuộc chạm trán với tiên cá khác từng được coi là câu chuyện có thật trong cuốn sách "Những bí ẩn và huyền thoại khó tin của đại dương" của Edward Snow khi vị thuyền trưởng này đi tới vùng biển Newfoundland năm 1614 và tận mắt thấy: " một nàng tiên cá bơi lại gần với vẻ đẹp khó có thể miêu tả, đôi mắt to, cái mũi thẳng nhưng lại có phần ngắn và một đôi tai dài...”. Smith còn cho biết là mái tóc dài màu xanh mang lại một vẻ hấp dẫn.

 

Từ các mô tả và những câu chuyện cho thấy nàng tiên cá xuất hiện tại nhiều quốc gia như Israel, Anh, Nga, Nam Tư, Philippines…Nhưng không phải lúc nào nàng tiên cá cũng mang vẻ đẹp quyến rũ, trong một số miêu tả thì sinh vật này xấu đến tệ hại, đặc biệt khi xuất hiện tại khu vực Châu Á.

Năm 1682 tại chùa Zuiryuji ở Osaka (Nhật Bản), một thương gia đã tặng cho vị sư trụ trì chùa này một "mỹ nhân ngư" với bộ mặt không khác gì loài khỉ. "Nàng" có độ dài chỉ vài chục cm và giữa ngực có một cái hốc sâu hoắm. Một ngôi đền khác ở Myouchi, (Kashiwazaki, tỉnh Niigata, Nhật Bản) hiện cũng đang lưu giữ một xác ướp người cá. "Mỹ nhân" này hai tay chống cằm, tư thế rất suy tư và cũng chỉ dài khoảng 30 cm.

Trong số các người cá đang được lưu giữ ở Nhật Bản, thì chỉ có Shinto là đạt "chiều cao" lý tưởng. "Nàng" cao tới 170cm và có độ tuổi tới 1400 năm. Người cá này hiện là vật linh của môn phái Shinto, một giáo phái ở Fujinomiya, dưới chân núi Phú Sĩ. Shinto có chiếc đầu…hói, mắt, miệng há rộng, tay có màng và móng vuốt sắc nhọn. "Nàng" có đuôi dài tới 20 cm, nửa thân dưới cấu trúc xương giống như xương cá, thân trên không rõ có xương hay không.

 

Nàng tiên cá thường được mô tả với vẻ đẹp huyền bí.

 

            Ngày 2/7/1991, tờ United Daily News của Singapore đưa tin các nhà khoa học đã phát hiện hóa thạch hoàn chỉnh của mỹ nhân ngư đầu tiên trên thế giới với chiều cao gần 1,6m, mắt không mí... Năm 1738, nhật báo London của Anh đăng tải tấm hình gây sốc, một mỹ nhân ngư nhỏ bé được phát hiện bên bờ biển Hebrides, bị ném đá tới chết do người ta tưởng nhầm là quái thai. Sau đó cô người cá xấu số được mai táng cẩn thận, và nếu có ai đó nghi ngờ thì bất kỳ người dân trong làng cũng sẵn sàng thề độc để chứng minh câu chuyện là có thật 100%.

 

Nàng tiên cá chỉ là tác phẩm của trí tưởng tượng ?

 

Nếu như nhiều thế kỉ trước thậm chí có người khẳng định nàng tiên cá là có thật thì ngày nay câu chuyện đó có vẻ được hiểu theo một nghĩa khác. Ngày 6/3/2013, một clip của các thủy thủ tàu ngầm được đăng trên You Tube đã  khiến cư dân mạng xôn xao. Trong clip có hình ảnh một bàn tay màu trắng đặt lên tấm kính phía sau người quay phim với những ngón tay có màng. Sau đó là một nàng tiên cá với dung nhan đáng sợ lướt qua. Có rất nhiều người cho rằng đây là hình ảnh thật về một nàng tiên cá. Song, một số lượng nhiều ý kiến khác thì cho rằng đó chỉ là những hình ảnh giả, vì nàng tiên cá thì di chuyển, mà hình ảnh những cặn nước trong video lại đứng yên.

Năm 2012, kênh truyền hình Animal Planet phát sóng một chương trình như phim tài liệu cho thấy Nàng tiên cá là có thật, bao gồm cả những bằng chứng, phát biểu của các chuyên gia... Tuy nhiên sau đó, Cục Đại dương và Khí quyển Quốc gia của Hoa Kỳ (NOAA) đã chính thức lên tiếng trên trang web của mình tố cáo sự không chính xác trong chương trình của Animal Planet. Đồng thời NOAA cũng nhấn mạnh: “Không hề có bằng chứng về sự xuất hiện của người sống dưới nước”.

Những ngày gần đây, dư luận lại xôn xao bởi chuyện một nàng tiên cá đã chết với khuôn mặt nhợt nhạt, đuôi dài và nhiều vây trôi dạt vào một bờ biển của Philippines. Cuối cùng, cộng đồng mạng phát hiện đây là tin vịt vì nàng tiên này chỉ là nhân vật do con người tạo nên để phục vụ cho bộ phim Cướp biển vùng Caribe.

Trong lịch sử nhân loại, suốt từ năm 1842 đến năm 1982 “mỹ nhân ngư” FeeJee đã cho người dân hai nước Mỹ và Anh nếm quả đắng bởi cú lừa quá ngoạn mục. Năm 1842, FeeJee ra mắt công chúng New York với sự đón nhận nhiệt tình từ phía các nhà khoa học và những người háo hức được chứng kiến phát hiện "quý báu" của nhân loại. Người đứng ra đảm bảo đây là xác ướp của người cá là một quý ông xưng danh "Tiến sĩ Griffith". Một thời gian dài, FeeJee được trưng bày trong bảo tàng Barnum như một bằng chứng sống về người cá giữa thế giới thực. FeeJee còn được gọi là xác ướp "cá khỉ" bởi xác ướp kỳ quái này có cấu tạo đầu khỉ mình cá.

Trải qua nhiều biến cố FeeJee đã lưu lạc sang tận nước Anh và được phát hiện  tại một chợ cá ở Anh vào năm 1919. Đến năm 1982, bảo tàng Horniman (Anh) nhận được xác ướp của FeeJee như một món quà quyên góp và từ đó tới nay đã được lưu giữ tại đây.

Năm 2011, một nhóm nghiên cứu người Anh thuộc trường đại học St George cuối cùng đã đưa ra một kết luận gây bàng hoàng cho toàn giới khoa học. Xác ướp bao lâu nay được coi là bằng chứng về sự tồn tại của người cá thực chất chỉ là sự lừa đảo. Đó chỉ là sản phẩm cấy ghép tinh vi giữa mình khỉ và đuôi cá. Theo phán đoán ban đầu, nhóm nghiên cứu cho rằng người ta đã khâu đầu của loài khỉ với phần thân của một con cá. Họ còn cho biết xác ướp cá khỉ là do ngư dân ở Nhật Bản cận khu vực Đông Á tạo nên.

Thế nhưng với ngần ấy bằng chứng vẫn chưa đủ thuyết phục nhiều người rằng nàng tiên cá không có thật, bởi với họ không phải ngẫu nhiên mà hàng loạt quốc gia, tại nhiều châu lục đều nhắc đến nàng tiên cá. Điều này cũng giống như nhiều nước trên thế giới đều kể truyền thuyết về nạn đại hồng thủy hủy diệt trái đất. Tin hay không còn tùy thuộc vào mỗi người nhưng có một sự thực rằng đại dương bao la kia đang chứa đựng quá nhiều bí ẩn mà con người mới chỉ biết đến một phần rất nhỏ trong chuỗi bí ẩn đó.

Nguyễn Gia

 

 

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này