Dùng điều hòa không đúng cách: Gia tăng trẻ nhập viện vì viêm phổi

15:18 | 01/06/2018
Theo các cơ sở y tế, số trẻ mắc bệnh lý về hô hấp vào viện tăng 20% so với trước thời điểm mùa hè. Đáng chú ý hơn, có nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng nặng, viêm phổi phải thở máy ngay khi vào viện…Đáng lo ngại, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này là do các bậc phụ huynh sử dụng điều hòa làm mát cho trẻ không đúng cách. 
dung dieu hoa khong dung cach gia tang tre nhap vien vi viem phoi Lưu ý khi dùng điều hòa để sưởi ấm trong thời tiết rét đậm của miền Bắc
dung dieu hoa khong dung cach gia tang tre nhap vien vi viem phoi Những kinh nghiệm phải biết trước khi lắp điều hòa

Đơn cử, tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai đang điều trị cho hai bé bị viêm phổi nặng phải thở máy. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai: Thời tiết nóng bức đã làm sức đề kháng của trẻ suy giảm. Cả 2 trẻ đều bị viêm phổi trên nền các bệnh lý kèm theo khác nên dẫn đến sức khỏe trẻ suy kiệt.

dung dieu hoa khong dung cach gia tang tre nhap vien vi viem phoi
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng

Bác sĩ Dũng cho biết một nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh của trẻ nhỏ gia tăng trong mùa hè đó chính là do cha mẹ sử dụng quạt, điều hòa làm mát sai cách cho con. Trong thời tiết nắng nóng, điều hòa có tác dụng làm mát không khí, giảm sự khó chịu cho cơ thể khi phải tiếp xúc với không khí nóng bức.

Tuy nhiên, việc sử dụng điều hòa không đúng cách cũng là một nguyên nhân để gió lạnh nhân tạo kéo dài nhiều giờ gây hại cho sức khỏe của trẻ. Và chính sự chênh lệch nhiệt độ nóng – lạnh giữa bên ngoài trời và bên trong phòng có điều hòa tấn công sức khỏe trẻ, dẫn tới trẻ mắc các bệnh đường hô hấp, trong đó có viêm phổi.

Cũng theo bác sĩ Dũng, qua theo dõi bệnh nhân, có nhiều trường hợp gia đình trẻ thấy con bị ho, sốt đã tự ý đi mua thuốc về cho con dùng, sau vài ngày không khỏi, bệnh trở nặng, suy hô hấp mới hốt hoảng đưa con nhập viện, khiến việc chữa trị khó khăn hơn. Nhiều trẻ lúc nhập viện đã biến chứng phải thở máy điều trị viêm phổi, viêm tiểu phế quản.

dung dieu hoa khong dung cach gia tang tre nhap vien vi viem phoi
Ảnh minh họa.

Những trường hợp càng đến viện muộn, càng kéo dài thời gian tự điều trị thì nguy cơ biến chứng nặng càng tăng hơn, có trẻ tử vong do đến quá muộn. Ngược lại, cũng có tình trạng nhiều ông bố bà mẹ hễ thấy con hơi ho, sốt một chút là vội vàng đưa bé đi viện, bất kể là buổi trưa ngoài trời đang nắng nóng.

Các bác sĩ cho biết, vào những ngày nắng nóng, nếu thấy trẻ bị sốt, người nóng ran thì phụ huynh không nên vội vàng đưa trẻ đi viện ngay mà hãy bình tĩnh cặp nhiệt kế cho con, cho trẻ uống thuốc hạ sốt nếu thấy bé sốt, theo dõi sức khỏe của bé rồi hãy đến viện. “Đặc biệt vào buổi trưa, nhiệt độ ngoài trời cao, trẻ bị sốt lại hấp thụ nhiệt ngoài trời càng làm trẻ sốt cao hơn, rất nguy hiểm. Nếu sau khi dùng hạ sốt thấy trẻ đỡ sốt, vẫn chơi đùa bình thường thì có thể đợi lâu hơn, đến khi tắt nắng hãy cho con đi khám” – bác sĩ Dũng nói.

Để phòng ngừa các bệnh đường hô hấp cho trẻ trong mùa nóng, khi cho con nằm điều hòa, cha mẹ cần chú ý điều chỉnh nhiệt độ điều hòa thích hợp. Nguyên nhân là do cơ thể trẻ chưa phát triển hoàn thiện nên dễ mắc bệnh khi nhiệt độ thay đổi. Khi nhiệt độ nóng trẻ sẽ rất dễ bị rôm sảy, nhiệt độ lạnh trẻ lại dễ viêm họng, ho, cảm… Thông thường nhiệt độ trong phòng phù hợp cho trẻ là từ 27 - 29 độ C.

Đồng thời, các bậc phụ huynh cần cho trẻ uống nhiều nước, bởi trẻ dễ bị mất nước khi thời tiết nắng nóng. Khi mất nước, cơ thể trẻ bị suy nhược, dễ bị ốm và hay bị táo bón. Chính vì vậy, cha mẹ cần nhớ bổ sung thật nhiều nước cho trẻ thông qua việc uống sữa, uống nước lọc, nước hoa quả, uống canh, súp…

Đặc biệt, bác sĩ Dũng cho biết, không nên cho trẻ tiếp xúc với nhiệt độ thay đổi đột ngột. Sự chênh lệch nhiệt độ đột ngột giữa ngoài trời và trong phòng sẽ làm trẻ dễ bị sốt, ho, cảm. Vậy nên khi muốn cho con từ phòng điều hòa ra ngoài thì hãy mở cửa trước đó 3 phút, cho con đứng chơi gần đó để quen với luồng không khí nóng bên ngoài.

Còn khi bé ở ngoài về, ra nhiều mồ hôi, cha mẹ nên lau mồ hôi cho con và để con ngồi nghỉ ít nhất 3 phút ở nhiệt độ phòng bình thường, tránh cho bé vào ngay phòng điều hòa gió lạnh, nhiệt độ thấp đột ngột. Các bậc phụ huynh cũng không nên để điều hòa thốc thẳng vào người trẻ.

Để điều hòa thổi thẳng vào mặt, vào đầu trẻ sẽ làm trẻ dễ mắc những bệnh về đường hô hấp như viêm họng, viêm mũi, viêm phế quản, viêm phổi, ho… Khi đó, trẻ thường có các triệu chứng như ho, sốt, ngạt mũi. Ngoài ra, với những chiếc điều hòa lâu không được vệ sinh việc thốc thẳng điều vào vào người trẻ cũng làm trẻ hít phải các loại bụi, nấm mốc và gây hại cho sức khỏe trẻ.

Ngoài ra, các bậc phụ huynh không nên bật điều hòa suốt cả ngày. Bởi ngồi trong điều hòa liên tục sẽ không tốt cho sức khỏe của trẻ nói chung và hệ hô hấp của trẻ nói riêng. Mỗi ngày cha mẹ cần tắt điều hòa, mở cửa để lưu chuyển không khí trong phòng.

Ngoài ra, vào thời điểm mát trời buổi sáng hoặc chiều nên cho trẻ chơi ở những khu vực thoáng mát để được tiếp xúc nhiều hơn với thiên nhiên, giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ. “Chính việc cho trẻ hít thở với thiên nhiên trong lành giúp tăng cường sức đề kháng, phòng ngừa bệnh tật hiệu quả nhất”, bác sĩ Dũng cho biết thêm.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này