Xây dựng văn hóa ứng xử sau va chạm giao thông:

Hãy bắt đầu từ cư xử hòa nhã

15:19 | 01/06/2018
Hiện nay chưa có thống kê chính thức về số người bị tổn thương sau những vụ ẩu đả chỉ vì va chạm giao thông. Nhưng tình trạng sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn là không hiếm gặp trên đường phố, nhất là ở các đô thị lớn. Va chạm giao thông là điều không ai muốn, bởi vậy nâng cao ý thức, tránh việc “cả giận mất khôn” trong những tình huống sau va chạm là hết sức cần thiết. 
hay bat dau tu cu xu hoa nha 35 vụ tai nạn giao thông làm 24 người chết trong ngày mùng 4 Tết
hay bat dau tu cu xu hoa nha Tai nạn giao thông gia tăng trong những ngày Tết

Muôn kiểu ứng xử

Khi tham gia giao thông đường bộ, cho dù sử dụng phương tiện giao thông nào, người tham gia giao thông cần có ý thức chấp hành Luật Giao thông, cẩn trọng để không xảy ra những tình huống va chạm, tai nạn khi lưu thông. Tuy nhiên, ngay cả khi những yêu cầu trên được thực hiện, các vụ va chạm giao thông vẫn có thể xảy ra.

hay bat dau tu cu xu hoa nha
Một vụ xô xát do va chạm giao thông xảy ra trên trục đường Nguyễn Trãi gây ùn tắc giao thông

Đáng nói, đã có không ít các vụ việc cố ý gây hấn, muốn sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề sau khi có va chạm. Anh Đinh Công Thành (SN 1992, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông) kể, ngày 25/4 vừa rồi, khi có việc lưu thông qua trục đường La Thành, do là thời điểm tan tầm, phương tiện lưu thông đông nên một phương tiện đi cùng chiều đã va quệt vào xe anh. Dù là bên sai nhưng người thanh niên đó lại hùng hổ xuống xe đòi “xử” anh Thành. Chỉ đến khi có sự can ngăn của người dân trong khu vực, vụ việc xô xát mới được ngăn chặn.

Trường hợp dùng bạo lực để giải quyết sau va chạm giao thông không hề hiếm gặp. Sự mất kiềm chế này đã trực tiếp dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật. Vụ việc xô xát giữa phụ xe buýt và lái xe tải tại nút giao thông cầu Đền Lừ được dư luận ghi nhận cách đây ít lâu là một ví dụ.

Để ngăn chặn và xây dựng văn hóa ứng xử sau va chạm giao thông, theo nhà văn Nguyễn Văn Học, giải pháp tối ưu là giáo dục nâng cao văn hóa giao thông trong mỗi gia đình.

“Bậc cha mẹ rất cần khuyên bảo con em mình ý thức từ những việc như đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, luôn đi đúng lòng lề đường, không vượt đèn đỏ, và ứng xử đúng mực khi không may va chạm xảy ra… Điều quan trọng nhất vẫn là phải từ nhận thức của mỗi người. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ và thiết thực nhất, đó là luôn chấp hành luật giao thông, cư xử lịch sự, hòa nhã.

Cụ thể, khoảng giữa tháng 3 vừa qua, tại nút giao thông cầu Đền Lừ, khi xe buýt mang BKS 29B.190.24 đang dừng chờ đèn tín hiệu giao thông thì bị một chiếc xe tải mang BKS 99B.008.55 từ phía sau lách lên va chạm, dẫn tới xe buýt bị vỡ gương chiếu hậu bên lái. Sau va chạm, lái xe tải không dừng lại để xem xét sự việc mà tiếp tục di chuyển. Do vậy, lái và phụ xe buýt đã đuổi theo ngăn lại. Sau một hồi tranh cãi hai bên đã dẫn tới to tiếng, xô xát. Lái, phụ xe buýt đã đánh người đàn ông điều khiển xe tải.

Sau sự việc trên, lái xe tải đã đồng ý bồi thường, còn Xí nghiệp xe buýt Thăng Long đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với lái, phụ xe để tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của đơn vị, quy chế của Tổng Công ty.

Trái ngược với những vụ hung hăng, quá khích sau khi xảy ra va chạm, không ít vụ việc thay vì cãi chửi hay ẩu đả, người tham gia giao thông lại bắt tay nhau hòa giải. Câu chuyện của chị Vũ Thị Hồng (Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm) là một ví dụ. Theo lời chị Hồng, vào khoảng tối muộn cách đây ít lâu, khi đi qua đường Võ Chí Công đoạn rẽ vào khu đô thị Ciputra, chị có va quệt với một chiếc xe Audi màu trắng.

Lúc đó ô tô đang đi phía trước, lỗi là do chị Hồng đi quá nhanh nên không phanh kịp. Hậu quả là đã đâm tay lái vào cụm đèn hậu làm vỡ nát một phần đèn và làm xước phần rìa bên phải của chiếc ô tô. Chị Hồng cho hay: “Đến bây giờ tôi vẫn còn cảm thấy thật may mắn vì gặp được người tốt.

Khi va chạm xảy ra, anh chủ xe xuống đã hỏi ngay tôi có làm sao không rồi mới ngó nghiêng xem xe của anh ấy. Khi đó tôi liền bảo anh chủ xe cho xe tấp lùi vào lề đường rồi xin đền bù thiệt hại vừa gây ra. Vậy mà anh chủ xe chỉ cười nhẹ nhàng bảo không sao và còn hỏi han tôi rồi nói tôi cứ đi đi. Thật sự tôi cảm thấy rất bất ngờ trước cách xử lý nhã nhặn của anh chủ xe”.

Cần ứng xử văn minh

Khách quan nhìn nhận, nhiều nguyên nhân thúc đẩy việc xô xát sau va chạm đã được đưa ra, có trường hợp giải thích do việc lái xe căng thẳng, mệt mỏi, rất bất bình khi chứng kiến nhiều người đi lại, lưu thông hỗn loạn, bất chấp các quy tắc giao thông nên đã thiếu kiểm soát khi có va chạm.

Song có một điều chắc chắn là việc xử dụng vũ lực để giải quyết sau va chạm giao thông là hành vi cần lên án. Và việc thiếu hiểu biết về pháp luật chính là một trong những nguyên nhân căn bản nhất dẫn tới tình trạng một bộ phận người tham gia giao thông tự cho mình quyền phán xét, bắt nạt người khác.

Hệ lụy là, đã có không ít những trường hợp mang thương tật không phải vì tai nạn mà do ẩu đả sau va chạm. Thậm chí, không ít đối tượng còn hủy hoại tài sản, lăng mạ người va chạm. Theo ông Nguyễn Ngọc Sinh - Chuyên viên tư vấn luật (Công ty Cổ phần Tư vấn DLS Việt Nam), tùy thuộc và diễn biến và các tình tiết, nhiều vụ va chạm giao thông tuy chưa đến mức truy cứu hình sự nhưng từ cách cư xử thiếu văn hoá đã biến họ gặp phải những rắc rối, liên quan đến pháp luật.

Thậm chí nhiều trường hợp họ - những người “cả giận mất khôn” đang là bị hại nhưng vì quá nóng giận, hành xử theo kiểu côn đồ nên trở thành bị can, bị cáo. “Có không ít vụ hậu va chạm giao thông, gây hấn và hủy hoại tài sản của nhau. Họ không biết rằng, nếu tài sản thiệt hại từ 2 triệu đồng thì có thể khởi tố hình sự về tội cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017). Và căn cứ vào việc xác định mức thiệt hại thực tế mà người phạm tội có thể bị nhận các mức hình phạt tương ứng” - ông Nguyễn Ngọc Sinh chia sẻ.

Theo nhà văn Nguyễn Văn Học người giành Giải Nhì của cuộc thi viết “Vì an toàn giao thông Thủ đô” do Uỷ ban An toàn giao thông Hà Nội và các đơn vị liên quan tổ chức chia sẻ, ở các quốc gia phát triển, khi xảy ra những vụ va chạm giao thông, người ta thường đợi lực lượng chức năng đến giải quyết chứ không sa vào các cuộc cãi vã, có thể gây ảnh hưởng dẫn đến xung đột, mất trật tự xã hội. Nói cách khác, cần giữ thái độ bình tĩnh để xử lý vụ việc.

Để ngăn chặn và xây dựng văn hóa ứng xử sau va chạm giao thông, theo nhà văn Nguyễn Văn Học, giải pháp tối ưu là giáo dục nâng cao văn hóa giao thông trong mỗi gia đình. “Bậc cha mẹ rất cần khuyên bảo con em mình ý thức từ những việc như đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, luôn đi đúng lòng lề đường, không vượt đèn đỏ, và ứng xử đúng mực khi không may va chạm xảy ra… Điều quan trọng nhất vẫn là phải từ nhận thức của mỗi người. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ và thiết thực nhất, đó là luôn chấp hành luật giao thông, cư xử lịch sự, hòa nhã.

Bổ sung thêm quan điểm trên, theo ông Nguyễn Ngọc Sinh các ngành chức năng cần thay đổi phương thức tuyên truyền để việc đưa kiến thức pháp luật đến người dân hiệu quả hơn. Các nhà trường cũng cần có những chương trình giáo dục học sinh, sao cho các em được tiếp cận với những kiến thức thực tế, gần gũi với cuộc sống hằng ngày.

Chẳng hạn, các em cần nhận biết được đâu là những hành vi nguy hiểm phải tránh. Cần nâng cao nhận thức cho các học sinh hơn nữa về an toàn giao thông, về cách ứng xử phù hợp khi gặp tình huống va chạm.

Giang Nam

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này