Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV: Nâng cao chất lượng xây dựng luật

12:10 | 31/05/2018
Tiếp tục kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, sáng 30/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. 
ky hop thu 5 quoc hoi khoa xiv nang cao chat luong xay dung luat Quỹ bảo hiểm xã hội thực chất chỉ giữ tiền hộ người lao động
ky hop thu 5 quoc hoi khoa xiv nang cao chat luong xay dung luat Quốc hội thảo luận quản lý vốn, tài sản, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Trình bày Báo cáo thẩm tra đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, thời gian qua, thực hiện các quy định mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoạt động lập pháp đã được cải tiến trong tất cả các khâu.

ky hop thu 5 quoc hoi khoa xiv nang cao chat luong xay dung luat
Toàn cảnh phiên họp

Công tác lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh được Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và các cơ quan quan tâm, tích cực và chủ động hơn. Công tác soạn thảo, thẩm định được coi trọng và dành nhiều thời gian, công sức thực hiện.

Chính phủ bố trí nhiều thời gian hơn và tổ chức các phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật để thảo luận, cho ý kiến về các dự án. Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội tập trung thực hiện tốt hơn nhiệm vụ thẩm tra các dự án, tích cực thực hiện việc tiếp thu, chỉnh lý dự án sau khi được Quốc hội cho ý kiến.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc lập và triển khai Chương trình vẫn còn những hạn chế: hồ sơ đề nghị xây dựng một số dự án luật chưa được chuẩn bị kỹ, tình trạng xin lùi, rút, bổ sung dự án vào Chương trình vẫn còn diễn ra thường xuyên (năm 2017, bổ sung 06 dự án, lùi thời gian trình 05 dự án, rút khỏi Chương trình 03 dự án, 02 dự án được thông qua theo quy trình 3 kỳ họp; năm 2018, Chính phủ đề nghị điều chỉnh thời gian trình 03 dự án, bổ sung 10 dự án)...

Nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về xu hướng một luật sửa nhiều luật, lồng ghép các ưu đãi làm cho hệ thống pháp luật thiếu tính ổn định. Việc tổ chức lấy ý kiến và tham gia ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan đối với nhiều dự án còn hình thức. Chính phủ chưa bố trí thời gian để thảo luận bàn sâu về chính sách cụ thể của mỗi dự án. Trong quá trình soạn thảo, tiếp thu chỉnh lý, người đứng đầu một số cơ quan soạn thảo dành thời gian để tham gia ít, chủ yếu giao cho cấp dưới.

Cơ quan thẩm tra của Quốc hội trong một số trường hợp chưa thực sự thẳng thắn, thiếu kiên quyết trong việc bảo vệ quan điểm của mình. Phát biểu của nhiều đại biểu còn trùng lặp, chưa tập trung vào những nội dung cần xin ý kiến. Kỹ thuật văn bản còn một số điểm chưa thống nhất. Nhiều trường hợp gửi hồ sơ dự án đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra, đại biểu Quốc hội chậm so với quy định...

Thảo luận về nội dung này, các ý kiến đại biểu cơ bản đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, trong đó có đánh giá về những tồn tại, hạn chế về Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2018 các đại biểu cho rằng, những tồn tại nêu trong báo cáo cũng là những tồn tại trong nhiều năm qua nhưng chưa vẫn chưa được khắc phục.

Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này là do kỷ luật làm luật không nghiêm. Hồ sơ dự án luật đôi khi chỉ ở đạng phác thảo sơ bộ. Tình trạng hồ sơ chậm vẫn xảy ra, việc xin lùi, xin rút các dự án luật ảnh hưởng đến chương trình xây dựng Luật. Do đó, cần sớm khắc phục tình trạng này để đảm bảo tính ổn định của chương trình.

Thảo luận, cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, đại biểu Ngọ Duy Hiểu- TP Hà Nội đánh giá cao kết quả đạt được trong việc xây dựng luật, pháp lệnh trong thời gian qua song cho rằng tình trạng xin rút, xin lùi của các dự án luật vẫn chưa được cải thiện, chưa đáp ứng được mong đợi của nhân dân, hạn chế sự phát triển, nhiều dự án luật còn xa rời cuộc sống, nhiều dự án luật mới chỉ đưa ra dự thảo ban đầu đã vấp phải phản ứng gay gắt của nhân dân... Đại biểu nhấn mạnh điều này cần sự chỉ đạo của các cấp, ngành trong thời gian tới, nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng luật.

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, có nhiều dự án luật chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng hạn chế, trong khi đó, một số quy định của pháp luật khi được ban hành thì lại chưa đi vào cuộc sống, có những quy định khi đi vào cuộc sống thì cản trở sự phát triển... Các đại biểu cho rằng, trong thời gian tới cần đề cao trách nhiệm của các bộ, ngành trong công tác tham mưu, xây dựng luật, pháp lệnh.

H.Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này