Xem xét việc không đặc xá cho tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia

16:25 | 30/05/2018
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long (đại biểu Quốc hội đoàn Kiên Giang), cần xem xét các đối tượng bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, chống hòa bình, chống loài người, tội phạm chiến tranh, khủng bố vào diện được hưởng đặc xá hay không?
xem xet viec khong dac xa cho toi pham xam pham an ninh quoc gia Đảm bảo an ninh quốc gia trên không gian mạng
xem xet viec khong dac xa cho toi pham xam pham an ninh quoc gia Công an TP Hà Nội tổ chức Hội nghị quán triệt một số luật mới cho cán bộ chiến sỹ

Chiều ngày 29/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật đặc xá. Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, đa số các đại biểu đồng tình với báo cáo thẩm tra của Quốc hội.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng điểm hạn chế lớn nhất trong thời gian qua là điều kiện về đặc xá có diện quy định rộng, dẫn đến số lượng người được đặc xá mỗi đợt lớn. Điều này làm giảm đi ý nghĩa đặc ân của Nhà nước đối với người phạm tội. Do đó, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật cần lưu ý những hạn chế trên để đưa ra phương hướng sửa đổi luật hợp lý.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long (đại biểu Quốc hội đoàn Kiên Giang) kiến nghị, cần rà soát và cân nhắc kỹ việc đưa đối tượng như: người bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, chống hòa bình, chống loài người, tội phạm chiến tranh, khủng bố vào diện được đặc xá. Trong trường hợp nếu vẫn tiếp tục quy định những đối tượng phạm tội này thuộc diện đặc xá thì theo hướng các điều kiện phải nghiêm khắc hơn.

Ngoài ra, thời điểm đặc xá cũng phải xem xét lại bởi thời điểm đặc xá thường rơi vào các ngày lễ lớn trong khi, số lượng ngày lễ lớn rất nhiều.

xem xet viec khong dac xa cho toi pham xam pham an ninh quoc gia
Đại biểu Quốc hội Lê Thành Long tham gia thảo luận về Luật Đặc xá

Đồng quan điểm, đại biểu Lê Thị Nguyệt (đoàn Vĩnh Phúc) nêu ý kiến tán thành với việc Chủ tịch nước xem xét, quyết định về đặc xá đối với người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đang chấp hành hình phạt tù nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước. Tuy nhiên, cần quy định chi tiết hơn sự kiện trọng đại được đặc xá là ngày nào, ngày lễ lớn của đất nước được đặc xá là dịp nào?

Đại biểu Quốc hội Đào Thanh Hải (đoàn Hà Nội) cho rằng, để đảm bảo tính cụ thể của Dự Luật này, tạo tính chủ động cho các cơ quan khi triển khai thực hiện, cần quy định rõ thời điểm đặc xá. Bởi nếu quy định hàng năm xét đặc xá sẽ trùng với việc tha tù trước thời hạn, khiến việc đặc xá không còn ý nghĩa. Về thời điểm đặc xá, việc quy định như trong Dự Luật là phù hợp với thực tiễn, đó là nhân sự kiện trọng đại của đất nước, nhân các ngày lễ lớn và những thời điểm đặc biệt.

Về điều kiện được đặc xá, đại biểu Đào Thanh Hải nêu quan điểm, trong mỗi đợt có thể đặc xá 10.000 người hoặc nhiều hơn nữa. Luật không cần thiết quy định số lượng cụ thể miễn sao đúng trình tự, thủ tục, đối tượng và đảm bảo minh bạch sẽ có tác động to lớn, tích cực đối với việc thực hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước.

Về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện đặc xá, một số đại biểu Quốc hội nhận định dự thảo Luật đã quy định trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tuyên truyền, phổ biến Luật đặc xá, Quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước và các văn bản hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Phối hợp với chính quyền địa phương tạo điều kiện, giúp đỡ người được đặc xá trở về hoà nhập với gia đình và cộng đồng, phòng ngừa tái phạm, tạo công ăn việc làm, ổn định cuộc sống và trở thành người có ích cho xã hội.

Tuy nhiên cần quy định cụ thể hơn nữa về trách nhiệm này của Mặt trận Tổ quốc; đồng thời bổ sung thêm trách nhiệm giám sát của Quốc hội với việc thực hiện đặc xá.

Theo Khánh An/ vnmedia.vn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này