Sửa đổi Luật Giáo dục lần này cần toàn diện, căn bản

15:51 | 28/05/2018
Đó là ý kiến được nêu lên tại Hội nghị góp ý kiến cho 2 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH) và Luật Giáo dục sửa đổi do Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) tổ chức sáng 28/5 tại Hà Nội.
tin nhap 20180528152814 Bộ Giáo dục “ráo riết” xây dựng khung quy tắc ứng xử trong trường học
tin nhap 20180528152814 Dự kiến xem xét, thông qua mức thu học phí đối với giáo dục mầm non
tin nhap 20180528152814 Giảm áp lực thi cử, tăng cơ hội học tập cho học sinh

Đây là 2 dự luật sẽ được Chính phủ trình Quốc hội thảo luận trong tuần này. Bà Bùi Thị Thanh - Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQVN và ông Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì hội nghị.

tin nhap 20180528152814
Bà Bùi Thị Thanh - Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQVN phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Kỳ Anh

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, dự thảo luật sửa đổi mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ đại học: tự chủ về hoạt động chuyên môn, về tổ chức bộ máy và nhân sự, về tài chính, tài sản. Cùng với đó, đổi mới công tác quản trị đại học theo hướng quy định rõ cơ chế quản trị trong trường đại học công lập tự chủ, trường đại học tư thục và trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Đối với các cơ sở GDĐH công lập tự chủ, sửa đổi, bổ sung các quy định để Hội đồng trường là hội đồng có thực quyền, thực hiện chức năng quản trị trong trường đại học tự chủ. Đối với các cơ sở GDĐH tư thục, bổ sung quy định về bộ máy quản lý theo tiêu chí chủ sở hữu; bổ sung quy định về đại hội đồng cổ đông và ban kiểm soát để áp dụng những thiết chế quản trị đại học hiện đại, vận dụng cơ chế quản trị doanh nghiệp; bổ sung các quy định phù hợp để khuyến khích đầu tư, phát triển các trường tư thục.

Về dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, đáng chú ý sẽ nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tiểu học, trung học cơ sở; giảng viên giảng dạy trình độ đại học và giảng viên giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ để đảm bảo chất lượng đào tạo, giảng dạy. Dự thảo luật bổ sung 1 điều quy định chuyển tiếp, theo đó các quy định về trình độ chuẩn của giáo viên tiểu học, trung học cơ sở có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2026 và giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện việc chuẩn hóa đối với nhà giáo.

Dự thảo luật cũng bổ sung trách nhiệm của gia đình phối hợp với nhà trường, nhà giáo trong việc giáo dục học sinh; tôn trọng nhà giáo, không được xúc phạm danh dự, nhân phẩm và thân thể nhà giáo. Cùng với đó, sửa đổi, bổ sung quy định về học phí của học sinh, sinh viên sư phạm theo hướng học sinh, sinh viên sư phạm thực hiện việc đóng học phí như học sinh, sinh viên các ngành khác.

tin nhap 20180528152814
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Kỳ Anh

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, việc sửa đổi này nhằm thực hiện đúng quan điểm ưu tiên, ưu đãi đối với người học sau khi tốt nghiệp làm việc trong ngành giáo dục, tránh lãng phí ngân sách nhà nước... đồng thời rút vấn đề lương giáo viên ra khỏi dự thảo luật vì Chính phủ đã có đề án cải cách tiền lương. Đối với việc nâng chuẩn giáo viên, Bộ đã có lộ trình thực hiện để không gây xáo trộn...

Góp ý về dự thảo, nhiều GS, PGS, các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục đã bày tỏ nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn. Tuy nhiên, các đại biểu cũng góp ý nhiều vấn đề còn bất cập của 2 dự thảo luật này.

Góp ý Luật Giáo dục sửa đổi, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, Luật Giáo dục có nhiều sửa đổi quan trọng, tuy nhiên, nó không đáp ứng được các yêu cầu của thực tiễn, của cuộc cách mạng 4.0. Cụ thể, tin học phải là một môn học riêng biệt, không thể tích hợp thành toán - tin. Hay như việc đổi mới giáo dục phổ thông lần này liệu có thành công khi thực hiện tích hợp 3 môn lý- hóa - sinh thành môn khoa học, trong khi ở rất nhiều quốc gia, việc tích hợp này chỉ diễn ra ở bậc tiểu học?

GS Nguyễn Lân Dũng cũng bày tỏ lo ngại khi cả xã hội đau lòng về đạo đức học sinh xuống cấp, đạo đức nhà giáo cũng có vấn đề. Do đó, trong giáo dục dạy người phải được coi trọng hơn cả dạy chữ và thầy cô phải là những người thực sự mẫu mực. Vì vậy, GS Nguyễn Lân Dũng đề nghị sửa đổi Luật Giáo dục lần này cần toàn diện, căn bản.

tin nhap 20180528152814
Hội nghị góp ý kiến cho 2 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH và Luật Giáo dục sửa đổi do Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường của Ủy ban Trung ương MTTQVN tổ chức. Ảnh: Kỳ Anh

Đồng quan điểm về vấn đề này, TS Nguyễn Viết Chức - Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa, Xã hội của Ủy ban Trung ương MTTQVN cho rằng, cần đổi mới một cách toàn diện. Phải đặt lên trên vấn đề dạy chữ, dạy học làm người. Cùng với đó, phải đổi mới hệ thống giáo dục và phải đặt giáo dục vào cuộc cách mạng 4.0.

Góp ý về Luật GDĐH, TS Nguyễn Viết Chức ủng hộ Luật GDĐH phải bảo đảm tự chủ thực sự cho các trường đại học. Đại học mà không được chủ động thì không đào tạo ra được con người chủ động. “Mỗi trường có một sản phẩm đào tạo riêng, vì thế, sửa Luật GDĐH lần này phải bảo đảm tự chủ hoàn toàn cho các trường đại học”, ông Chức nhấn mạnh.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN Bùi Thị Thanh khẳng định: Những ý kiến trách nhiệm, có chất lượng của các đại biểu góp ý tại Hội nghị sẽ được Ban soạn thảo tiếp thu để hoàn thiện 2 dự thảo Luật trước khi Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XIII.

B.D

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này