Chuyện của con không phải chuyện nhỏ

17:39 | 26/05/2018
Con gái tôi từ ngày lên cấp hai không còn vui vẻ như hồi học tiểu học nữa. Nhìn cháu mỗi lần đi học về cứ lủi thà lủi thủi tôi thương lắm. Hỏi thì cháu bảo “các bạn ngồi cùng bàn mỗi khi có chuyện gì đều che miệng lại nói với nhau, không cho con nghe”, “một số bạn nam ngồi bàn sau còn lấy bút chọc vào lưng áo con...
chuyen cua con khong phai chuyen nho Hệ lụy đau lòng khi cha mẹ chạy theo thành tích
chuyen cua con khong phai chuyen nho Hãy làm 5 điều này để trở thành bố mẹ hoàn hảo trong mắt con
chuyen cua con khong phai chuyen nho Vợ chồng cãi nhau đầu năm vì tiền mừng tuổi của con

Tôi không chỉ thương con mà rất khó chịu với những cô bé ngồi cùng bàn con gái. Không hiểu ở thời đại nào rồi mà còn chơi với nhau kiểu đó. Kể lại chuyện này với chồng, bố con bé bảo: “Đừng nghe một phía, phải xem ở lớp con như thế nào đã chứ!”

Hồi trạc tuổi con gái bây giờ, chuyển từ khu tập thể về quê, khi tới trường, chị em tôi thường bị bọn con trai, thậm chí cả đám con gái ra sức bắt nạt. Ngày nào tan học, chúng cũng chặn chúng tôi lại, bắt nộp sách vở và dụng cụ học tập. Tệ hơn, chúng còn lôi tên bố mẹ, ông bà chúng tôi ra mà réo. Chúng dọa nếu mách cô thì chúng sẽ đánh. Nhưng mà, mất sách giáo khoa, mất đồ dùng học tập thì không thể giấu ai được.

chuyen cua con khong phai chuyen nho
Chan hòa, cởi mở, hòa đồng là những điều cha mẹ cần dạy con hướng tới. (ảnh minh họa: BT)

Còn nhớ, ngày ấy bố mẹ đã át đi khi chúng tôi về nhà mếu máo mách về chuyện ấy: “Không có lửa làm sao có khói”. Có lẽ, bố mẹ cũng biết bọn trẻ con trong làng, trong lớp thường bắt nạt chúng tôi như vậy nhưng phần vì bố mẹ coi đó là chuyện muôn thuở của lũ học trò, phần vì mải làm ăn, không xem việc chị em tôi bị bạn bè bắt nạt là chuyện gì ghê gớm nên bố mẹ không bao giờ giải quyết giúp các con. Chúng tôi phải âm thầm chịu đựng. Có lần, tức quá không chịu được tôi đã mắm môi mắm lợi đuổi theo bọn chúng rồi vớ hòn đất, hòn đá nào là nhặt ném lấy ném để. Cũng may những hòn đá ấy không trúng đứa nào chứ không thì về nhà tôi sẽ bị ăn đòn vì tội oánh nhau với bạn.

Nhưng, dù chị em tôi có cố gắng bằng mấy, sự việc đó vẫn tiếp diễn...Bọn chúng vẫn lấy trộm sách vở, vẫn bắt chúng tôi cống nạp giấy học sinh. Vẫn chửi tên ông bà bố mẹ chúng tôi. Mấy chục năm qua rồi mà tôi vẫn nhớ nguyên cái cảm giác mỗi giờ tan học, phải mắt trước mắt sau rồi tháo dép chạy thục mạng để trốn lũ bạn như thế nào. Cho nên tôi rất hiểu nỗi khổ tâm của con.

Nhưng tôi phải làm thế nào đây? không thể cho qua như không có chuyện gì xảy ra như bố mẹ tôi ngày trước được. Trước đây, trời sinh voi trời sinh cỏ thật còn bây giờ thì khác. Nếu bố mẹ không quan tâm kịp thời, có thể con bé sẽ bị cô lập, ngày càng tách biệt với bạn bè mà sinh ra trầm cảm.

Tìm hiểu kĩ, tôi được biết: ở lớp con gái có nhiều nhóm học ở nhà thầy cô. Duy nhất cháu không thuộc nhóm nào trong số đó. Sở dĩ vậy bởi vì cháu gầy còm, ốm yếu nên phương châm của vợ chồng tôi là chỉ yêu cầu con học trong sách giáo khoa, chưa cần thiết đến mức phải đi học ca một ca hai như các bạn. Vì thế, khi ra lớp, có một số vấn đề liên quan đến bài tập ở nhà thầy cô, các bạn mới không cho cháu nghe. Luôn mặc cảm mình không thuộc “tốp, nhóm” nào nên mỗi giờ ra chơi, cháu thường lấy truyện ra đọc hoặc tranh thủ làm bài tập.

Lâu dần thành quen, có trò gì chơi các bạn trong lớp cũng ít khi rủ cháu chơi cùng; về chuyện ăn mặc, vì nhà có các bác, các dì ở Hà Nội nên thường mua sắm cho cháu những bộ quần áo đẹp và kiểu cách. Trong khi phần lớn các bạn trong lớp đều khá giản dị. Có lẽ vì thế mà các bạn coi cháu là một “ đẳng cấp khác”. Sự xa cách giữa bọn trẻ vì thế mỗi ngày một lớn. Con bé ở nhà được ông bà, bố mẹ quan tâm, chiều chuộng, ra lớp bị các bạn xa lánh như vậy tủi thân là điều dễ hiểu.

Nhưng chuyện của con bây giờ khác với chuyện của tôi ngày xưa. Tôi không thể đến gặp thầy cô hay các bạn của con để yêu cầu cho con tôi chơi cùng được. Chỉ biết dạy con: “ Hãy sống chan hòa, cởi mở với bạn bè. Đừng tự ti thu mình lại như con ốc. Mình chưa thử thì làm sao có kết quả được. Sống tốt với bạn, bạn sẽ tốt với mình. Điều quan trọng hơn là con phải nỗ nực trong học tập. Các bạn sẽ phục con hơn nếu cuối kì, cuối năm con đạt thành tích cao ”.

Cũng từ đó, hai vợ chồng tôi dành thời gian cho con nhiều hơn. Những ngày nghỉ, ngày tết, lễ...thay vì chúng tôi ra sức tranh thủ làm thêm cho mấy doanh nghiệp gần nhà, vợ chồng tôi dẫn con về quê hay đi thăm thú bạn bè. Sự giao lưu làm cho cháu đợ rụt rè hơn. Tới chơi nhà bạn, thấy con gái rất hồn nhiên nô đùa với con của bạn làm lòng tôi cũng vơi đi phần nào nỗi lo lắng.

Dần dà, tôi thấy cháu đã vui vẻ hơn. Có hôm còn hỏi mẹ cho mang cuốn “Dế mèn phưu lưu kí”, “ Lá cờ thêu sáu chữ vàng” cho các bạn đọc. Cháu còn khoe hôm nay cả bàn được điểm 9 một tiết khi kiểm tra địa lí. Vì trước đó, giờ truy bài khi các bạn không hiểu về kinh tuyến- vĩ tuyến cháu đã giảng lại cho các bạn rát cặn kẽ...

Bây giờ thì mỗi buổi sáng, đều có một nhóm bạn đến tận nhà rủ cháu đi học. Thi thoảng, những thứ bẩy chủ nhật nào không quá nhiều bài tập, bọn trẻ còn rủ nhau đến nhà tôi chơi. Chúng cười nói, nô nghịch rất tự nhiên và vui vẻ.

Việc con gặp một rắc rối nào đó ở trường không phải chuyện gì quá to tát nhưng cha mẹ cũng đừng xem đó là chuyện nhỏ. Những ấm ức trong lòng con trẻ, nếu không được tháo gỡ kịp thời, dễ làm cho con cái chúng ta mất đi vẻ hồn nhiên thơ ngây vốn có. Chan hòa, cởi mở, hòa đồng là những điều cha mẹ cần dạy con hướng tới.

Hồng Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này