Từ việc “giải cứu dưa hấu” đến bài toán cần giải cho nền Nông nghiệp Việt Nam:

Kỳ 1: Khi nền nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập

08:08 | 29/05/2018
nHết “giải cứu” thịt lợn, đến “giải cứu” củ cải và mới đây nhất là “giải cứu” dưa hấu. Không chỉ có vậy, những năm gần đây liên tục những “chiến dịch giải cứu” nông sản từ cà chua, khoai tây, thanh long, hành, gừng, tỏi… được phát động. Một thực trạng đáng báo động cho nền nông nghiệp Việt Nam. Đến bao giờ sản phẩm làm ra của người nông dân không cần đến sự “giải cứu”?
ky 1 nen nong nghiep van con nhieu bat cap Úc tiếp tục tài trợ cho nông nghiệp Việt Nam
ky 1 nen nong nghiep van con nhieu bat cap Nâng cao thương hiệu nông sản Việt trên trường quốc tế
ky 1 nen nong nghiep van con nhieu bat cap
Dưa hấu phơi ngoài ruộng nằm chờ "giải cứu" của bà con huyện Phù Ninh - Quảng Nam. Ảnh baogiaothong.vn

Có nên tiếp tục giải cứu?

Thời gian gần đây, người dân cả nước lại bắt đầu chiến dịch chung tay “giải cứu” dưa hấu cho bà con nông dân khu vực miền Trung. Từ mức 6.500 đồng/kg đầu vụ, giá dưa hấu chỉ còn 1.000-2.000 đồng/kg, khiến cho người dân đổ đống, bán tháo và lại tiếp tục cần đến sự giúp đỡ của cộng đồng. Theo ước tính, riêng trên địa bàn huyện Phú Ninh - "thủ phủ" dưa hấu của Quảng Nam có khoảng 2.000 tấn dưa chín đang nằm ngoài ruộng chờ được "giải cứu". Và đây không phải là lần đầu tiên người dân trồng dưa cần được “giải cứu”. Đã nhiều năm nay, cứ đến mùa dưa bị “ứ đọng”, người dân cả nước lại ra tay nghĩa hiệp để “giải cứu” người dân trồng dưa. Nhưng rồi, sự chung tay góp sức và lòng tốt của cộng đồng có tồn tại mãi được hay không? Câu trả lời chắc chắn là “không”.

Trên thực tế, việc “giải cứu” dưa hấu cho người nông dân là việc làm ý nghĩa mang tính nhân văn, thể hiện sự tương thân tương ái, theo đó góp phần hỗ trợ người nông dân tiêu thụ được sản phẩm, ổn định để tiếp tục tăng gia sản xuất. Tuy nhiên, xét một cách toàn diện, đây chỉ là giải pháp đối phó với tình thế tạm thời, mang tính ngắn hạn, bởi trên thực tế, năm nào người dân trồng dưa cũng thua lỗ và cũng phải giải cứu thế này thì tiếp tục trồng dưa để làm gì khi việc làm này không mang lại hiệu quả kinh tế cho họ.

Cũng phải nói rằng, trong lúc chúng ta giải cứu dưa hấu, hàng loạt các xe nối đuôi nhau từ miền Trung ra Thủ đô để bán dưa. Cổng các trường đại học.. thành nơi bán dưa cho bà con, thì tại các chợ, các cửa hàng, siêu thị giá dưa hấu vẫn khá cao. Tìm hiểu ra mới hay, dưa bán siêu thị đa số là dưa chất lượng, ruột đỏ, ngọt; còn một số loại dưa các tỉnh miền Trung như đề cập thành thật chất lượng chưa tương xứng. Bởi vậy, sự lựa chọn giống cây để cho những sản phẩm ngon cũng vô cùng quan trọng.

Nền nông nghiệp chưa bắt kịp xu thế mới

Có thể thấy rõ, sản xuất nông nghiệp của nước ta phần lớn đang làm theo kiểu tự phát, không có quy mô, không có sự chủ động và có một phần mang tâm lý “ỉ lại”, “dựa dẫm” vào Nhà nước và cộng đồng. Chúng ta đang ở trong nền kinh tế thị trường và người nông dân cần phải chủ động hơn với cách làm kinh tế của chính mình.

Bên cạnh đó, tâm lý đám đông là một vấn đề cũng cần phải nói đến. “Thấy người ăn khoai, vác mai đi đào”, năm nay được mùa cái gì là y như rằng người dân lại đổ xô đi trồng cái đó. Trồng nhiều, dẫn đến dư thừa cung, vậy là lại bán đổ, bán tháo với giá rẻ. Rồi năm nay rẻ thì lại không trồng nữa, dẫn đến hậu quả là năm sau lại đắt đỏ, khan hiếm. Cái vòng luẩn quẩn đó cứ lặp đi lặp lại cho thấy nhận thức và sự hiểu biết của người dân nước ta là thiếu và yếu trầm trọng.

Chúng ta không thể mãi đổ lỗi cho thời tiết hay thương lái. Người nông dân không kết nối được với thị trường và không được cung cấp đầy đủ thông tin nên dẫn đến thất bại thường xuyên. Việc phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái nước ngoài dẫn đến sự bị động trong việc bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Cần phải có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người nông dân để gắn kết từ quy trình sản xuất hiệu quả đến khâu tiêu thụ. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa người trồng và đơn vị xử lý sản phẩm sẽ giúp sản phẩm được bảo quản đúng cách, cung cầu hợp lý tránh bị thương lái ép giá xuống thấp hoặc đẩy giá lên cao.

ky 1 nen nong nghiep van con nhieu bat cap
Không biết cách bảo quản nông sản và bảo quản nông sản một cách sơ sài là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng nông sản thối hỏng, không giữ được lâu. Ảnh minh họa

Mặt khác, không có sự định hướng kĩ thuật và đầu tư chất lượng giống cây trồng, người nông dân chủ yếu canh tác theo kinh nghiệm, không có quy trình kiểm duyệt chất lượng dẫn đến nguồn dưa hấu không đảm bảo, chất lượng kém. Bài học về việc xuất khẩu cá ngừ đại dương sang thị trường Nhật Bản của ngư dân Bình Định là một ví dụ điển hình. Biết cách xử lý đúng kỹ thuật trong quy trình câu, đánh bắt, xử lý tại chỗ, kiểm định chất lượng và bảo quản đã giúp ngư dân tăng giá bán cá ngừ đại dương cao gấp 5 lần so với trước đây sang một thị trường được coi là “khó tính” như Nhật Bản.

Một điều quan trọng là nền nông nghiệp nước ta chưa bắt kịp với xu thế mới của nền nông nghiệp thế giới. Khi mà nền nông nghiệp thế giới đang đứng trước những cơ hội rất lớn trong việc biến ngành nông nghiệp thành một ngành công nghệ số 4.0 với những khái niệm mang tính trừu tượng như “nông nghiệp 4.0”, “Nông nghiệp công nghệ siêu cao” thì Nông nghiệp nước ta vẫn đang loay hoay trong việc giải quyết những vấn đề căn bản.

Chính vì vậy rất cần có sự quan tâm đúng mức của Chính phủ, các Bộ ban ngành trong việc định hướng canh tác cho người dân. Có một điều cần nhìn nhận khách quan ở đây đó là dường như người dân đang bị “bỏ rơi” trong một cuộc chơi không công bằng. Người dân chưa được định hướng trong việc trồng cây gì nuôi con gì, trồng, nuôi như thế nào và bao nhiều là đủ. Dẫn đến hệ lụy là sản xuất ồ ạt (cung cao) hoặc sản xuất ít (cung thấp) mà không biết nhu cầu thực sự của thị trường như thế nào. Ở các nước có nền nông nghiệp phát triển, người nông dân luôn được hỗ trợ trong việc định hướng canh tác và dự báo cung cầu cũng như có sự hỗ trợ của chính phủ trong việc bao tiêu sản phẩm. Công bằng mà nói, người nông dân nước ta vẫn chưa có được sự hỗ trợ nhiều từ chính quyền trong việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp một cách bài bản, đồng bộ và khoa học.

Trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 4/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu nhìn thẳng vào những vấn đề cần tập trung giải quyết để đưa ra biện pháp cụ thể. Qua đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương làm rõ nguyên nhân và giải pháp khác phục. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, cần phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao và tìm thị trường tiêu thụ đúng hướng. Thủ tướng cũng đề nghị các Bộ, ban ngành có liên quan rà soát ngay các quy hoạch, kế hoạch và tình hình sản xuất, chế biến, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm một cách nghiêm túc, đúng chuẩn theo quy trình.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Tìm hướng đi phù hợp cho nền nông nghiệp nước nhà

Song Thu

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này