Xây dựng quan hệ lao động hài hòa thông qua đối thoại:

Kinh nghiệm từ một công đoàn cơ sở khu vực FDI

11:14 | 15/05/2018
Là một doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Nhật Bản, những  năm qua, Công ty TNHH SWCC SHOWA Việt Nam (KCN Bắc Thăng Long, Đông Anh,  Hà Nội) luôn thực hiện tốt các chế độ chính sách cho người lao động, bổ sung các chế độ phúc lợi cao hơn quy định pháp luật, đảm bảo cuộc sống của người lao động ngày càng tốt hơn. 
kinh nghiem tu mot cong doan khu vuc fdi Chống chuyển giá tại khu vực FDI: Cần thu hẹp khoảng cách ưu đãi thuế

Ông Nguyễn Minh Sơn, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH SWCC SHOWA Việt Nam cho biết, hàng năm, Ban Chấp hành CĐCS đều phối hợp với công ty thực hiện tốt công tác đối thoại tại nơi làm việc theo định kỳ 3 tháng/lần và tổ chức Hội nghị người lao động 1 năm 1 lần theo đúng quy định.

kinh nghiem tu mot cong doan khu vuc fdi
Vấn đề an toàn lao động cũng luôn được lãnh đạo và Ban Chấp hành công đoàn Công ty TNHH SWCC SHOWA Việt Nam quan tâm. Ảnh minh họa.

Để thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở theo quy định của Chính phủ cũng như tại Bộ Luật Lao động, Ban Chấp hành Công đoàn phối hợp với người sử dụng lao động đã lấy ý kiến trực tiếp người lao động từ tổ công đoàn và lập hòm thư góp ý để thu thập ý kiến của người lao động.

Sau đó, Ban Chấp hành Công đoàn tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của người lao động. Nếu nguyện vọng của người lao động là chính đáng, phù hợp với thực tế của doanh nghiệp và điều kiện làm việc thì CĐCS sẽ lập tức đề nghị thực hiện ngay việc thương lượng đột xuất với người sử dụng lao động để giải quyết.

Ngoài việc thương lượng đột xuất, tại hội nghị người lao động tổ chức vào tháng 3 hàng năm, toàn thể người lao động cũng được đối thoại trực tiếp với lãnh đạo Công ty. Tại đây tất cả ý kiến người lao động được tiếp nhận và trả lời, có những ý kiến lãnh đạo công ty chưa trả lời ngay được thì sẽ trả lời bằng văn bản và đưa ra thời gian thực hiện. Điều này đã tạo lòng tin cho người lao động vào tổ chức công đoàn và doanh nghiệp.

Cũng theo ông Nguyễn Minh Sơn, Ban Chấp hành Công đoàn không chỉ giữ vai trò đại diện cho tập thể người lao động, mà còn là một trong những thành viên ban tư vấn cho người sử dụng lao động. Hai bên đã thống nhất xây dựng quy chế phối hợp là sẽ cùng đàm phán thương lượng để ban hành các chính sách, quy định áp dụng cho những trường hợp cụ thể phát sinh quản lý lao động ở công ty.

Theo đó, những quy định của Bộ luật Lao động liên quan đến quyền lợi của người lao động phải được người sử dụng lao động tôn trọng, thực hiện đầy đủ và có những điểm có lợi hơn cho người lao động. Bên cạnh thỏa ước lao động tập thể đã ký giữa hai bên, việc sửa đổi bổ sung chính sách quản lý nếu chưa đăng ký được với cơ quan quản lý lao động tại địa phương thì phải lập một bản phụ lục của thỏa ước lao động tập thể để có căn cứ thực hiện.

Thông qua việc tổ chức đối thoại định kỳ để nắm bắt nguyện vọng người lao động, cùng sự thương lượng kiên trì, mềm dẻo nhưng cũng dứt khoát và hợp lý của công đoàn, nhiều điều khoản có lợi hơn cho người lao động đã đưa vào văn bản chính thức tại doanh nghiệp như: Trong thời gian thử việc, người lao động được hưởng 100% lương cơ bản và các phụ cấp theo quy định của công ty; Công ty sẽ mua và công khai mức bảo hiểm sức khỏe 24/24 cho người lao động chính thức; Số ngày nghỉ trong năm nhiều hơn so với quy định của luật, tổng số ngày nghỉ bao gồm cả nghỉ lễ là 91 ngày/1 năm…

Đặc biệt, Công đoàn đã cùng Ban Giám đốc công ty bàn bạc để xây dựng thang bảng lương rõ ràng, cụ thể đối với từng đối tượng và luôn cố gắng duy trì lương cơ bản đầu vào ở top đầu trong khu công nghiệp. Ngoài ra tiền phụ cấp chuyên cần cũng được điều chỉnh lại cho hợp lý nhằm khuyến khích với công nhân viên có tỉ lệ đi làm 100%/tháng và bổ sung thưởng chuyên cần liên tiếp cho người lao động có tỉ lệ đi làm 100%/6 tháng....

Ông Nguyễn Minh Sơn cho biết thêm, trong tình hình biến động của nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn nên việc tháo gỡ khó khăn với doanh nghiệp cũng là 1 nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn thay vì chỉ đối thoại để đòi quyền lợi cho người lao động.

Từ yếu tố này mà việc kết nối giữa chủ sử dụng lao động và người lao động ở công ty trở nên dễ dàng và gắn bó hơn. Tỉ lệ người lao động có thâm niên trên 5 năm gắn bó với công ty chiếm 88.3% còn lại số lượng lao động có thâm niên dưới 5 năm là 12.7%. Con số này thể hiện sự cố gắng của công ty trong việc giải quyết chế độ chính sách với người lao động và khẳng định việc duy trì đối thoại tại nơi làm việc tại công ty luôn phát huy hiệu qủa.

“Từ những hoạt động của mình, chúng tôi đúc kết rằng: Hãy làm đúng trình tự và thủ tục, mạnh dạn làm đúng vai trò và chức năng của cán bộ công đoàn, linh hoạt và thiết thực, hãy là đại diện của người lao động nhưng hãy chia sẻ và đồng hành cùng doanh nghiệp, đưa con thuyền doanh nghiệp cùng đi chung một hướng, chúng ta sẽ thành công”- Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH SWCC SHOWA Việt Nam Nguyễn Minh Sơn đúc kết.

Ngọc Tú

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này