Phát triển ngành công nghiệp văn hóa của Hà Nội: Bắt đầu từ đâu?

14:13 | 10/05/2018
Ngành công nghiệp không khói du lịch và công nghiệp văn hóa là một trong những trụ cột xây dựng Hà Nội theo hướng văn minh, hiện đại; bảo tồn gắn liền với phát triển. Tiềm năng thì nhiều, song phát triển ngành công nghiệp văn hóa ra sao là cả vấn đề.
bat dau tu dau Đẩy mạnh tuyên truyền lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô

Từ tiềm năng dồi dào

Công nghiệp văn hóa là ngành công nghiệp kết hợp sáng tạo, sản xuất, phân phối và dịch vụ tiêu dùng các sản phẩm có yếu tố văn hóa. Công nghiệp văn hóa gồm 12 nhóm ngành: Quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật - nhiếp ảnh - triển lãm, truyền hình - phát thanh và du lịch văn hóa.

Bằng các sản phẩm chứa đựng những giá trị nhân văn, các ngành công nghiệp văn hóa đã góp phần không nhỏ làm phong phú tâm hồn, trí tuệ, phát huy khả năng sáng tạo của con người, đồng thời quảng bá được hình ảnh, vị thế, sức mạnh của quốc gia, dân tộc. Qua đó mang lại doanh thu không nhỏ, đóng góp tỷ trọng lớn trong tăng trưởng kinh tế của Thủ đô.

bat dau tu dau
Lễ hội Đình Kim Liên – Trấn Nam Thăng Long Tứ Trấn.

Với gần 6.000 di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng di tích.Theo thống kê, Hà Nội hiện có hơn 1.000 lễ hội với nhiều quy mô lớn nhỏ khác nhau, diễn ra tập trung vào mùa xuân. Bên cạnh đó, các lễ hội có quy mô hội vùng như: Hội gò Đống Đa, hội Gióng, hội đền Cổ Loa, hội đền Hai Bà Trưng, hội chùa Hương, hội chùa Thầy gắn với huyền tích Thiền sư Từ Đạo Hạnh, hội chùa Tây Phương, hội đền và thờ Đức Thánh Tản...Không chỉ vậy, Hà Nội hiện có khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, trong đó gần 300 làng nghề đã được công nhận là làng nghề truyền thống Hà Nội.

Mảnh đất Thủ đô còn có nhiều món ăn đặc sản hấp dẫn; hội tụ nhiều trường văn hóa-nghệ thuật; có nhiều tên tuổi nghệ sĩ lớn gắn với những bộ phim, bài hát, dòng tranh…. Bên cạnh các tiềm năng về di tích lịch sử văn hóa, làng nghề truyền thống hay ẩm thực, thì Hà Nội cũng có nhiều giá trị văn hóa phi vật thể vô cùng phong phú khác như: Âm nhạc cổ truyền, lễ hội, rối nước, ca trù, chèo, hầu đồng hay truyện cổ tích, truyện cười, các sáng tác thơ văn nổi tiếng… Việc khai thác hiệu quả các cơ sở hạ tầng văn hóa sẽ tạo động lực cho Hà Nội tiến đến gần hơn với một thành phố công nghiệp văn hóa mạnh, không chỉ của Việt Nam mà cả ở khu vực Đông Nam Á.

Đến hành động

Theo Kế hoạch số 112/KH-UBND của UBNDTP Hà Nội 29 tháng 5 năm 2017về thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 thì phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô bao gồm: Phấn đấu doanh thu các ngành công nghiệp văn hóa tăng dần, tạo nhiều việc làm, nâng cao năng lực hưởng thụ văn hóa cho nhân dân Thủ đô; tập trung phát triển một số ngành sẵn có lợi thế, tiềm năng như: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, thủ công mỹ nghệ, thời trang, du lịch văn hóa, định hướng và từng bước phát triển các ngành: Kiến trúc, thiết kế, xuất bản, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm.

Hà Nội kỳ vọng ngành công nghiệp văn hóa sẽ phát triển rõ rệt cả về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế Thủ đô trong thời gian tới… Kế hoạch đã có, công tác triển khai cũng đã bắt đầu, song nhìn tổng thể để hình thành nên cái gọi là “công nghiệp văn hóa” cơ quan chuyên môn cần phải tính toán bắt đầu từ khâu nào.

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển ngành công nghiệp văn hóa, cụ thể là tăng cường công tác quản lý của nhà nước đối với các hoạt động lễ hội, đầu năm 2018 UBND TP Hà Nội đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn.

Đơn vị này có nhiệm vụ tổ chức kiểm tra, phát hiện và xử lý các vi phạm quy định của pháp luật và thành phố trong công tác tổ chức lễ hội; các hành vi gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; dịch vụ đổi tiền lẻ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; hiện tượng ép giá, bắt chẹt khách du lịch; ăn xin, bói toán, mê tín dị đoan; trộm cắp, cờ bạc dưới mọi hình thức; công tác vệ sinh môi trường; vệ sinh an toàn thực phẩm; công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ tại lễ hội...

Thành phố cũng ban hành các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai, khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sĩ, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực văn hóa. Như trong lĩnh vực nhiếp ảnh, thành phố tạo điều kiện để các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của doanh nghiệp kinh doanh tham gia triển lãm, hội chợ quốc tế có uy tín. Thu hút đầu tư bằng việc xây dựng các chính sách ưu đãi; phát triển mạng lưới doanh nghiệp, trong đó hình thành một số tập đoàn lớn về công nghiệp văn hóa ở các lĩnh vực truyền thông, điện ảnh, phát thanh và truyền hình, phần mềm và các trò chơi trực tuyến.

Năm nay việc đón nhận danh hiệu làng văn hóa, danh hiệu làng nghề, bằng chứng nhận di tích lịch sử văn hóa... được kết hợp tổ chức với các lễ hội hàng năm nhằm làm phong phú hoạt động của lễ hội, động viên, khích lệ nhân dân giữ gìn và phát huy các giá trị đã được công nhận xếp hạng. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần trong cộng đồng.

Ngoài ra, Hà Nội còn tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, đăng cai các sự kiện văn hóa quốc tế lớn tại Thủ đô như: Liên hoan phim quốc tế, lễ hội hoa anh đào, chương trình lễ hội âm nhạc quốc tế gió mùa, chương trình hòa nhạc ngoài trời Vietnam Airline Classic – Hà Nội concert… thu hút sự tham gia của các nghệ sĩ, các tổ chức văn hóa nghệ thuật uy tín, được đông đảo công chúng quan tâm.

Hà Nội kỳ vọng công nghiệp văn hóa sẽ trở thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt cả về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế Thủ đô trong thời gian tới…Qua kế hoạch phát triển ngành công nghiệp văn hóa, thành phố Hà Nội hướng tới từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật về văn hóa; đưa ứng dụng, áp dụng công nghệ tiên tiến của thế giới từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng. Kế hoạch đã có, công tác triển khai cũng đã bắt đầu, song nhìn tổng thể để hình thành nên cái gọi là “công nghiệp văn hóa” cơ quan chuyên môn cần phải tính toán bắt đầu từ khâu nào.

Phương Nguyễn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này