Quy định mới về giảm thời hạn tước Giấy phép xây dựng

13:55 | 10/05/2018
Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư 03/2018/TT-BXD về quy định giảm thời hạn tước quyền sử dụng Giấy phép xây dựng của các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong lĩnh vực đầu tư xây dựng.
quy dinh moi ve giam thoi han tuoc giay phep xay dung Đề xuất miễn giấy phép xây dựng cho 8 loại công trình
quy dinh moi ve giam thoi han tuoc giay phep xay dung Bổ sung qui định cấp giấy phép xây dựng đối với nhà riêng lẻ

Theo quy định hiện hành, thời hạn bị tước Quyền sử dụng Giấy phép xây dựng đối với các hành vi vi phạm về trật tự xây dựng thuộc Khoản 9 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP là 12 tháng. Tuy nhiên, tại Thông tư 03/2018/TT-BXD vừa được ban hành đã thay đổi quy định nêu trên.

Cụ thể, tùy vào loại công trình xây dựng vi phạm mà thời hạn bị tước Quyền sử dụng Giấy phép xây dựng sẽ là khác nhau và được quy định như sau:

Tước giấy phép xây dựng từ 3 - 6 tháng đối với công trình nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử văn hóa, hoặc công trình xây dựng khác không thuộc trường hợp quy định tại Điểm b, c Khoản 9 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP; Từ 6 - 9 tháng đối với công trình nhà ở riêng lẻ tại đô thị nhưng không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 7 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP; Từ 9 - 12 tháng đối với phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng hoặc xây dựng công trình thuộc trường hợp quy định tại Khoản 7 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP. Cá nhân, tổ chức đã vi phạm không được tổ chức thi công xây dựng trong thời hạn bị tước Quyền sử dụng Giấp phép xây dựng.

quy dinh moi ve giam thoi han tuoc giay phep xay dung
Ảnh minh họa. Nguồn baoxaydung.com.vn

Ngoài ra Thông tư 03/2018/TT-BXD còn quy định về các biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng cụ thể: Khi người có thẩm quyền phát hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 2, khoản 4 hoặc khoản 5 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP , mà hành vi này đã kết thúc, thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.

Công trình, phần công trình xây dựng vi phạm phải được tháo dỡ theo phương án, giải pháp phá dỡ được phê duyệt cho đến khi phần còn lại của công trình đảm bảo an toàn chịu lực khi đưa vào sử dụng. Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức lập, thẩm tra, phê duyệt và thực hiện phương án, giải pháp phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm theo quy định. Phương án, giải pháp phá dỡ phải đảm bảo an toàn công trình xây dựng sau khi phá dỡ phần vi phạm, tính mạng, sức khỏe, công trình xây dựng lân cận và đảm bảo vệ sinh, môi trường.

Trường hợp chủ đầu tư không tự giác chấp hành biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm thì bị cưỡng chế thi hành. Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thuê tổ chức tư vấn lập phương án, giải pháp phá dỡ, giao cơ quan chuyên môn về xây dựng cùng cấp thẩm định trước khi quyết định phê duyệt phương án, giải pháp phá dỡ. Chủ đầu tư có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí liên quan đến việc cưỡng chế tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm: lập, thẩm định, phê duyệt phương án, giải pháp phá dỡ và tổ chức cưỡng chế tháo dỡ.

Thông tư 03/2018/TT-BXD chính thức có hiệu lực từ ngày 12/6/2018, thay thế Thông tư số 02/2014/TT-BXD ngày 12 tháng 02 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở.

T.An

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này