Luật Giáo dục Đại học đang sửa đổi vẫn giữ quy định hiệu trưởng phải có 5 năm kinh nghiệm quản lí

08:18 | 07/05/2018
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết: Tại dự thảo 5 sửa đổi Luật Giáo dục Đại học 2012, vẫn giữ định lượng của kinh nghiệm quản lí là 5 năm nhưng sẽ theo hướng "mở" hơn.
luat giao duc dai hoc dang sua doi van giu quy dinh hieu truong phai co 5 nam kinh nghiem quan li Học phí đại học sẽ tăng theo giá, rút ngắn thời gian đào tạo xuống 3 năm
luat giao duc dai hoc dang sua doi van giu quy dinh hieu truong phai co 5 nam kinh nghiem quan li Công bố 5 phương án cho cách tính đầu vào cho các trường ĐH, CĐ

Liên quan tới vụ việc GS Trương Nguyện Thành - Phó Hiệu trưởng điều hành Đại học Hoa Sen không đủ tiêu chuẩn công nhận hiệu trưởng do chưa đủ 5 năm làm công tác quản lí, nhiều chuyên gia nhận định một số quy định tại Luật đã lỗi thời và còn cứng nhắc.

luat giao duc dai hoc dang sua doi van giu quy dinh hieu truong phai co 5 nam kinh nghiem quan li
Việc GS Trương Nguyện Thành bị từ chối công nhận hiệu trưởng do chưa đủ 5 năm làm công tác quản lí được cho là bất cập của Luật Giáo dục Đại học 2012. Ảnh: FBNV

Trong đó, TS Lê Viết Khuyến - Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục ĐH, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã đề xuất nên tăng quyền tự chủ cho các trường và đặc biệt bỏ quy định về 5 năm làm công tác quản lí.

Điều 20 Luật Giáo dục Đại học 2012 quy định tiêu chuẩn hiệu trưởng:

Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín về khoa học, giáo dục, có năng lực quản lí và đã tham gia quản lí cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục ĐH ít nhất 5 năm, có trình độ tiến sĩ đối với trường ĐH, giám đốc học viện, đại học, có sức khỏe tốt.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT cho biết: Luật Giáo dục Đại học đang được sửa đổi, bổ sung và quy định nêu trên cũng đã được rà soát, sửa đổi.

Ở 3 dự thảo đầu, ban soạn thảo quy định nội dung trên theo hướng mở: “Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín khoa học, có năng lực quản lí, quản trị giáo dục đại học”. Năng lực quản lí, quản trị giáo dục đại học này sẽ do hội đồng trường, hội đồng quản trị xác định, lựa chọn.

Tuy nhiên, qua tổ chức lấy ý kiến tại 5 hội thảo ở 5 vùng (Thái Nguyên, Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ, với thành phần tham gia là đại diện các trường đại học, chuyên gia giáo dục, doanh nghiệp…), nhiều người góp ý không nên hạ thấp tiêu chuẩn tại điểm a, khoản 2, điều 20 của luật hiện hành. Quy định trên tại dự thảo lần thứ ba chưa rõ, cần định lượng cụ thể.

Tiếp thu ý kiến góp ý, từ dự thảo lần thứ tư, ban soạn thảo tiếp tục quy định: “Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín khoa học, có kinh nghiệm tham gia quản lí giáo dục đại học ít nhất 5 năm từ cấp khoa, phòng, ban trở lên”.

Nội dung của dự thảo vẫn giữ định lượng của kinh nghiệm quản lí nhưng mở hơn, không nhất thiết phải có kinh nghiệm ở cơ sở giáo dục đại học, mà có thể quản lí giáo dục đại học ở cơ quan bộ, ngành, viện nghiên cứu có đào tạo trình độ tiến sĩ… Qua hai dự thảo lần thứ tư và năm đến nay, không có ý kiến góp ý về nội dung này.

Bà Phụng cũng cho rằng, đây mới chỉ là dự thảo. Những nội dung sẽ tiếp tục được xin ý kiến Quốc hội. Như vậy, nếu không có gì thay đổi, quy định được cho là bất hợp lí này sẽ vẫn tồn tại trong Luật Giáo dục Đại học.

Theo Huyên Nguyễn/ laodong.vn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này