Nhìn lại tình hình giao thông sau kỳ nghỉ lễ:

Giải pháp nào khắc phục tình trạng ùn tắc?

10:44 | 03/05/2018
Như một điệp khúc “đến hẹn lại lên”, sau thời điểm kết thúc kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5, hàng vạn người từ các tỉnh thành ồ ạt đổ về Thủ đô đã khiến nhiều trục giao thông cửa ngõ Hà Nội rơi vào cảnh ùn ứ cục bộ. Thực trạng này cho thấy cần có những giải pháp tích cực hơn nhằm xử lý tận gốc vấn đề này.
giai phap nao khac phuc tinh trang un tac Năm 2018: Mục tiêu là phải giảm ùn tắc và tai nạn giao thông
giai phap nao khac phuc tinh trang un tac Tăng cường đảm bảo an ninh, trật tự

“Nóng” từ đường phố đến bến xe

Theo ghi nhận thực tế của PV từ ngày 1 – 2/5 trên một số tuyến đường cửa ngõ như: Phạm Văn Đồng, Nguyễn Trãi, Giải Phóng, QL 21B... hướng ra các bến xe lớn trên địa bàn Thủ đô, lượng người và phương tiện tham gia giao thông có chiều hướng tăng mạnh. Hệ lụy là, không ít cung đường đã rơi vào cảnh ùn tắc cục bộ vào khung giờ cao điểm.

Cụ thể, ngay trong chiều 1/5, nhiều trục đường như: Nguyễn Hữu Thọ nối Giải Phóng với Bán đảo Linh Đàm (quận Hoàng Mai); QL 21B đoạn qua Thị trấn Vân Đình; đường Nguyễn Hoàng đoạn cạnh bến xe Mỹ Đình hướng ra đường Phạm Hùng… xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài hơn 30 phút. Tương tự, trong sáng ngày 2/5, khi người dân bắt đầu trở lại với công việc, nhiều tuyến đường cũng trong cảnh nối đuôi nhau nhích từng mét.

giai phap nao khac phuc tinh trang un tac
Các phương tiện ùn ứ trên QL 21B đoạn qua Thị trấn Vân Đình cuối kỳ nghỉ lễ.

Tuyến đường Nguyễn Trãi, khu vực gần cầu vượt Ngã tư Sở là một ví dụ. Tại đây, nhiều phương tiện rẽ trái để lên cầu đã lấn đường của các phương tiện đi thẳng khiến giao thông xung đột. Lực lượng chức năng phải bố trí nhiều lực lượng chốt trực, phân làn thì tình trạng trên mới dần cải thiện. Tại đường Nguyễn Xiển, đoạn giao với Nguyễn Trãi cũng xảy ra cảnh ùn ứ dài hàng km. Đặc biệt, khu vực lối xuống từ đường trên cao, hàng trăm chiếc ôtô phải nối đuôi nhau nhích từng mét đường. Ở một tuyến cửa ngõ khác là đường Phạm Văn Đồng, mặc dù không xảy ra ách tắc nhưng các phương tiện cũng phải di chuyển vô cùng chậm.

Đáng chú ý, ở các bến xe tình hình giao thông mặc dù có đông hơn so với các ngày thường nhưng an ninh trật tự vẫn được duy trì và điều tiết hiệu quả. Cụ thể, trong bến xe Giáp Bát, dù các con đường dẫn về bến đều ùn ứ, di chuyển chậm chạp nhưng theo ghi nhận lượng người trong bến xe vẫn không quá đông. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại bến xe Mỹ Đình. Tại đây, dễ thấy nhất là cảnh hành khách “tay xách nách mang” khi trở lại Thủ đô. Sau hành trình nhiều giờ di chuyển cùng với thời tiết oi nóng khiến không ít người tỏ ra mệt mỏi. Dù vậy, cảnh chen lấn, xô đẩy gây mất trật tự trong bến không xảy ra.

Theo đánh giá của Ủy ban An toàn Giao thông (ATGT) Quốc gia, hai ngày đầu đợt nghỉ lễ, tình hình tai nạn giao thông có chiều hướng giảm sâu. Tuy nhiên, từ ngày nghỉ lễ thứ ba, tình trạng tai nạn giao thông bắt đầu có chiều hướng tăng trở lại. Cụ thể, tai nạn xảy ra trong kỳ nghỉ lễ có nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ hành vi lái xe sau khi đã uống rượu bia, vi phạm tốc độ, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy. Đối tượng liên quan tới tai nạn giao thông phần lớn là người đi xe mô tô, xe gắn máy. Ngoài ra, hành vi đi sai phần đường làn đường, chuyển hướng không chú ý quan sát cũng trực tiếp khiến các vụ tai nạn tăng cao.

Cần tăng cường truyền tải thông tin

Sau kỳ nghỉ lễ, có một điểm đang chú ý đó là nhu cầu “khát” thông tin trước khi tham gia giao thông của người dân vẫn đặc biệt cao. Cụ thể, theo thống kê từ đường dây nóng của Ủy ban ATGT Quốc gia, chỉ riêng trong ngày 30/4 đơn vị này đã nhận được gần 30 cuộc gọi và tin nhắn của người dân.

Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, 4 ngày nghỉ lễ, cả nước xảy ra 113 vụ tai nạn giao thông với số người tử vong, bị thương cùng là 79, phần lớn xảy ra trên đường bộ. So với cùng kỳ năm trước, số vụ giảm 12, giảm 19 người chết và giảm 11 người bị thương. Riêng ngày cuối dịp nghỉ lễ (1/5), cả nước xảy ra 37 vụ, làm chết 27 người, làm bị thương 33 người.

Theo đánh giá, trật tự an toàn giao thông trong thời gian nghỉ lễ cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, còn nhiều xe khách chở quá số người quy định diễn ra tại tuyến Hà Nội -Thanh Hóa, Nghệ An, nhiều ôtô đón trả khách trái quy định trên cao tốc mà chưa được kiểm tra, xử lý triệt để. Ngoài ra, ùn tắc giao thông vẫn xảy ra tại các trung tâm du lịch lớn.

Các nội dung thông tin chủ yếu phản ánh về các va chạm giao thông, tình trạng ùn tắc giao thông tại một số tuyến đường và các khu vực xung quanh các trung tâm thu hút khách du lịch tham quan nghỉ dưỡng… Nhờ các nội dung phản ánh này, Ủy ban ATGT Quốc gia đã yêu cầu các đơn vị có liên quan thực hiện kiểm tra, xử lý. Sự vào cuộc kịp thời này đã trực tiếp góp phần giải quyết các “điểm nóng” giao thông phát sinh.

Ở chiều tiếp cận thông tin khác, nhiều người tham gia giao thông lại lựa chọn cách tương tác, hỏi nhau thông tin qua mạng xã hội. Thông qua các diễn đàn về giao thông ở mạng xã hội, không ít người đã tìm đường ngắn nhất, nhanh nhất để tránh các điểm ùn tắc. Anh Quốc Trung – một thành viên trên diễn đàn Otofun chia sẻ, bản thân anh đã từng gặp khó khăn khi tham gia giao thông và nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của các thành viên trong cùng diễn đàn. Bởi vậy, khi tham gia giao thông, cá nhân anh dần hình thành thói quen chia sẻ một số lộ trình di chuyển để các thành viên tham khảo tránh các khu vực ùn tắc.

Dẫn như vậy để thấy rằng, nhu cầu tiếp nhận và tương tác thông tin liên quan đến giao thông trước, trong và sau những kỳ nghỉ lễ luôn tăng cao. Bởi vậy, các phương tiện thông tin đại chúng tăng cường công tác cung cấp thông tin trực tuyến về tình hình giao thông trên các tuyến đường chính sẽ trực tiếp giúp người dân có đầy đủ thông tin trước khi tham gia giao thông. Việc tăng cường truyền tải thông tin liên quan đến vấn đề giao thông sẽ góp phần giải quyết tích cực tình trạng ùn tắc cục bộ có thể xảy ra.

Trở lại câu chuyện ùn tắc giao thông cục bộ tại các tuyến đường cửa ngõ dẫn vào Thủ đô, đáng ghi nhận trong suốt kỳ nghỉ lễ là sự vào cuộc tích cực, kịp thời của các lực lượng chức năng. Chẳng hạn, tại tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, suốt nhiều ngày nay, nhiều thời điểm dòng phương tiện ô tô phải đi chậm hoặc dừng hẳn, nối đuôi kéo dài.

Để giải quyết tình trạng này, tại trục giao thông Pháp Vân - Cầu Giẽ, các chiến sĩ CSGT của Đội CSGT số 14 (Phòng PC67 - Công an TP Hà Nội) luôn có mặt từ sớm để phân luồng, hướng dẫn các phương tiện di chuyển, tránh xảy ra xung đột, ùn tắc kéo dài. Trung tá Đỗ Trọng Tuân - Phó Đội trưởng Đội CSGT số 14 cho biết: Do lượng phương tiện từ các tỉnh phía Nam đổ về hướng nội thành lớn nên ngã tư Pháp Vân - Quốc lộ 1A, đến gần cầu Văn Điển thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng. Để giải quyết tình trạng này, Đội CSGT số 14 đã huy động hàng chục chiến sĩ ra phân luồng, điều tiết giao thông giữa các hướng để tránh xung đột giữa các dòng phương tiện.

“Trong những ngày này, chúng tôi phải ứng trực 100% quân số tại nhiều nút giao thông trọng điểm do đội quản lý làm nhiệm vụ hướng dẫn, phân luồng giao thông để người dân đi lại được thuận lợi và an toàn. Tại nút giao thông đầu cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, thời điểm nhiều phương tiện, chúng tôi hướng dẫn các xe rẽ phải để đi xuôi xuống nút giao thông Tam Trinh quay đầu để tránh xảy ra xung đột, ùn tắc tại khu vực này” - Trung tá Đỗ Trọng Tuân chia sẻ.

Đ.Luyện

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này