Nét độc đáo bên những tường đá vùng biên

18:53 | 26/04/2018
Từ lâu, Cao Bằng được không ít người biết đến với những thắng cảnh tuyệt sắc của tạo hóa như Thác Bản Giốc, Hồ Thang hen, động Ngườm Ngao… Tuy nhiên có một nét kiến trúc đẹp hoang sơ, hấp dẫn không ít tâm hồn du khách khi đứng trên vùng đất này đó là những bức tường được xếp bằng đá.
net doc dao ben nhung tuong da vung bien Thác Bản Giốc: Hùng vĩ giữa đại ngàn
net doc dao ben nhung tuong da vung bien “Lạc bước“ đến hang Ghị Rằng - chốn bồng lai tiên cảnh nơi hạ giới
net doc dao ben nhung tuong da vung bien Ký ức chiến tranh biên giới 1979

Men theo quốc lộ 3, luồn lách qua những cung đường huyện lộ quanh co chúng tôi đặt chân đến địa phận huyện Trùng Khánh. Có thực mắt chứng kiến mới thấy hết được vẻ đẹp của những tường đá nơi đây. Hòa lẫn trong nét thanh bình của những bản làng vùng cao, những bức tường bằng đá được người dân xếp thủ công một cách khéo léo, trải dài uốn lượn càng như tôn thêm nét hoang sơ vốn có.

net doc dao ben nhung tuong da vung bien

Ở nước ta, không chỉ có những bản làng của cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) mới độc đáo, lãng mạn. Ở Cao Bằng, đá cũng được trân trọng với những nét đẹp thiêng liêng ẩn trong sự bình dị. Ảnh: Đinh Luyện

Những hòn đá tảng tưởng như vô tri nhưng qua bàn tay, khối óc của người dân bản địa bỗng chốc chúng như được thổi hồn. Biến đổi thành những đường nét kiến trúc độc đáo. Dù cho không hề sử dụng bất cứ chất liệu kết dính nào nhưng đá tảng vẫn được xếp chồng khít lên nhau, đứng chắc chắn, vững trãi để trải qua bao mưa gió dập vùi.

Bên chén rượu ngô đượm vị vùng cao, một ông cụ dáng vẻ phong sương đã ngoài tuổi bát tuần tên Lý Dào Luồng, người dân tộc Dao cho biết: Cao Bằng là nơi quy tụ chín dân tộc anh em như: Tày, Nùng, Dao, Mông, Lô Lô… Mỗi dân tộc lại có một nét khác biệt, một bản sắc riêng. Tuy nhiên, nét chung thuần nhất của các tộc người lại là tập tục xếp đá thành những bức tường rào, cổng ngõ.

net doc dao ben nhung tuong da vung bien

Đá được xếp thành những hàng rào bao quanh đường làng, ngõ xóm. Ảnh: Đinh Luyện

Đá trong tâm tưởng của họ thiêng liêng, phảng phất vai trò như một vị thần giúp che chở những khắc nhiệt của thiên nhiên. Chẳng thế mà trong luật tục của của mỗi tộc người trên vùng đất Cao Bằng này đều có những ngày nhất định để tiến hành tế lễ cảm tạ thần đá, thần rừng.

Còn nhớ, tộc người Lô Lô sinh sống ở huyện Bảo Lạc, năm nào cũng vậy, cứ độ vào tiết trời thanh minh tháng 3 là cư dân cả bản dù có bận việc đến đâu cũng sẽ tạm gác lại để cùng họp nhau tại nơi thờ cũng thần đá được quy ước trong bản để làm lễ “mể-lồ-phỉ” (hiểu nôm na là lễ cúng thần đá).

net doc dao ben nhung tuong da vung bien

Trong sinh hoạt của người Tày, Nùng… trên vùng đất Cao Bằng, họ luôn coi đá như một phần trong cuộc sống. Bởi thế, có những bức tường đá đã phủ hoen màu thời gian vẫn vững chắc tồn tại, mà không ai dám phá cả. Ảnh: Đinh Luyện

Hằng mong truyền đạt, cầu những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với bản làng của mình trong những ngày mùa màng sắp tới. Đến và sống trong không khí lễ “mể-lồ-phỉ” của người Lô Lô mới thấy hết được sức sống mãnh liệt của một nền văn hóa dân gian, nó mang tính bản sắc mà cũng đầy tính đồng vọng với thiên nhiên. Hay cao hơn nữa, tập tục tế thần đá này còn thể hiện ý thức trách nhiệm của cả một cộng đồng trước mẹ thiên nhiên.

Những tảng đá nằm lăn lóc bên góc rừng, triền núi được gom nhặt lại, xếp chồng lên nhau thành những bức tường kiên cố. Tường đá hiện diện ở khắp mọi nơi chúng xếp dài trên lối đi, uốn lượn qua những cung nét của từng nấc ruộng bậc thang. Đá xếp vây quanh những mó nước suối chảy róc rách không ngừng. Đá vây tròn những ngôi mộ, những gốc cây đại thụ trong bản… Nhờ đá mà mọi thứ trở nên sống động nó cấu thành nên sự giản đơn, trang nhã mà hòa hợp với thiên nhiên.

net doc dao ben nhung tuong da vung bien
Những tảng đá nằm lăn lóc bên góc rừng, triền núi được gom nhặt lại, xếp chồng lên nhau thành những bức tường kiên cố. Ảnh: Đinh Luyện

Không gian nhà - ngõ - vườn - ruộng - đồi núi gắn bó một cách hết sức hài hòa, thân thiện như thể hiện một nét sống thuần nông nghiệp của những cư dân vùng bán sơn địa. Mấy ai đến nơi đây mà không một lần rung động cảm xúc khi tận mắt chứng kiến những dãy đá được xếp khéo léo trải dài ngút ngàn quanh co theo triền núi phủ một màu xanh phảng phất của từng ruộng lúa, hàng cây. Thật là một cảnh sắc đẹp như tranh vẽ.

Theo lời những người dân nơi đây, họ luôn coi đá như một phần trong cuộc sống. Bởi thế nên có những bức tường đá đã phủ hoen màu thời gian vẫn còn tồn tại, vững chắc mà không ai phá cả. Thậm chí bất cứ ai khi đi ngang qua những bức tường đá không may bị hư hỏng là bà con lại tự động nhặt đá lắp lại ngay. Chính vì thế mà những hàng rào đá, những ngõ đá vẫn còn lại gần như nguyên vẹn.

net doc dao ben nhung tuong da vung bien

Làng Khuổi Kỵ nằm giữa hai địa điểm du lịch Thác Bản Giốc và động Ngườm Ngao thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh từ lâu đã nổi tiếng với cái tên “làng đá” mang những nét kiến trúc độc đáo từ thời nhà Mạc. Ảnh: Đinh Luyện

Cũng cần phải nói thêm, khi bất cứ ai dù là khách quen hay người lạ mặt nếu một lần bước men theo những bức tường rào xếp bằng đá, đến trước những ngôi nhà sàn sẽ đều được những người dân vùng cao thuần hậu, chất phác và vô cùng mến khách tiếp đón chu đáo. Bên ấm trà nóng cùng những chén rượu nồng gia chủ sẽ kể cho nghe chuyện về tục thờ thần đá, về những bức tường đá xếp quanh co uốn lượn trải dài mãi không ngừng.

Giang Nam

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này