Đề xuất mức thu thuế tài sản với nhà ở trên 700 triệu đồng

Cần lượng sức dân

09:30 | 17/04/2018
Vài năm trước đây, cùng với việc Chính phủ ban hành gói hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng, phân khúc nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp có điều kiện phát triển, góp phần giải quyết nhu cầu về nhà ở cho đại bộ phận người dân, từng bước bình ổn thị trường bất động sản. Nhưng khi gói hỗ trợ kết thúc, phân khúc này cũng “chìm” theo. Để hỗ trợ người dân có thu nhập thấp chưa đủ điều kiện mua nhà, đầu tháng 4/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 370/QĐ-TTg về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội năm 2018 tại Ngân hàng chính sách xã hội. Tuy nhiên, khi người dân vẫn chưa kịp hết vui thì việc Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ dự thảo Luật Thuế tài sản, khiến người dân khá bàng hoàng.
tin nhap 20180417091117 Dân phản đối tăng thuế môi trường xăng dầu vì thiếu minh bạch
tin nhap 20180417091117 Để lộ mã số thuế cá nhân có thể bị truy thu thuế oan

Người dân không đồng tình

Phản đối việc áp thuế nhà ở trong dự án Luật Thuế tài sản, anh Đỗ Huy Đạt (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: Tôi phản đối thuế này. Ly dó, theo anh Đạt sau nhiều năm phải ở phòng trọ vừa chật hẹp vừa phiền toán, tích góp mãi vợ chồng anh mới dám mạnh dạn vay tiền người thân và ngân hàng để đi mua nhà ở xã hội.

Nhà mới còn chưa thấy đâu, đã phải còng lưng đi trả nợ, giờ lại thêm tiền thuế nhà ở thì chắc vợ chồng anh sẽ phải tính chuyện bán nhà đi trả nợ. vậy mà trong khi, nhà nước tạo điều kiện cho chúng tôi được vay tiền mua nhà ở xã hội để ổn định cuộc sống, giờ vừa vay được tiền để mua nhà thì lại đánh thuế. Vậy cho vay mua nhà để làm gì?.

tin nhap 20180417091117
Với định mức khoảng 700 triệu đồng như dự án Luật Thuế tài sản thì nhà ở xã hội cũng là đối tượng phải đóng thuế.

Đặt ra câu hỏi liệu có “thuế chồng thuế”, chị Nguyễn Yến Hải (Mỹ Đình, Hà Nội) cho hay, bố mẹ chị công tác hơn 40 năm, tiền các cụ để lại, gom góp cả đời mới mua được căn nhà, sau này do nằm trong khu quy hoạch mới nên tạm được coi như sống trong căn nhà “triệu đô”. Tuy nhiên hiện với đồng lương hưu hơn 4 triệu đồng/ tháng mỗi người, chiểu theo quy định trong Luật Thuế tài sản, chắc chắn các cụ sẽ không đủ tiền đóng Thuế. “Đất đai là tài sản quốc gia thì đánh thuế là đúng nhưng đang sống yên ổn mà tính thuế thì là thuế gì? Người dân xây nhà, mua nhà đã phải nộp đủ loại thuế, phí.

Tại “dự thảo Luật thuế tài sản” lần này, Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án về ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng hoặc 1 tỷ đồng. Bộ Tài chính cũng đưa ra 2 phương án về thuế suất là 0,3% hoặc 0,4%. Đồng thời, những người sở hữu sẽ phải nộp thuế 0,3% đến 0,4% đối với toàn bộ giá trị đất. Hiện Bộ Tài chính đang nghiêng về phương án thuế suất 0,4% và ngưỡng không chịu thuế với nhà là 700 triệu đồng và dự kiến số thu thuế tài sản thu về là khoảng 31.000 tỷ đồng.

Hiện tại là thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (nói nôm na thuế nhà đất với mức chịu thuế 0,1%). Vậy thì nếu thu Thuế Tài sản đánh lên nhà ở thì có phải là “thuế chồng thuế” hay không? Người dân đang yên lành sống trong nhà mình thì lại mang tiếng “nợ” với “trốn” thuế là như thế nào” – chị Hải nói.

Bình luận về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho hay, nếu tính theo giá trị căn hộ, tức là tính thuế tài sản từ căn hộ trị giá 700 triệu đồng thì sẽ xảy ra một vấn đề là căn cứ vào đâu để xác định chính xác được giá trị căn hộ. Giá bất động sản biến động theo thời điểm, năm nay khác với năm trước, người mua ở mỗi thởi điểm là một giá, nói cách khác qua thời gian giá trị căn hộ đã biến đổi.

Ngoài ra, giá trị căn hộ còn phụ thuộc vào chất lượng căn hộ. Căn hộ sau vài năm xuống cấp, giá giao dịch cũng sẽ khác. “Nhà tôi mua năm nay 1 tỷ đồng, nhưng năm sau xuống cấp, hoặc thị trường suy giảm, nhất là thị trường chung cư, giá trị căn hộ sẽ thay đổi. Vậy lấy điều gì làm cơ sở để xác định giá trị căn hộ?” - ông Điệp đặt câu hỏi.

Không thể thế giới sao ta vậy

Chỉ ra rằng dự thảo luật này chưa rõ ràng, gây ra một nghịch lý khiến ngay cả người nghèo cũng có nguy cơ bị thu thuế, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong thẳng thắn cho rằng, dự thảo này bất cập, sơ sài và mang tính áp đặt. Theo TS. Nguyễn Minh Phong việc đánh thuế đối với nhà ở mức sàn 700 triệu đồng là quá thấp và hệ số thu thuế ở mức 0,4% là quá cao. “Bây giờ nhà ở xã hội rẻ nhất cũng phải tiền tỷ chứ không có dưới 700 triệu đồng, nếu thu ở mức 700 triệu đồng thì nhà ở xã hội cũng bị đánh thuế, như vậy là bất hợp lý vì đầu này hỗ trợ, đầu kia tận thu.” - ông Phong phân tích.

Theo tính toán của đại diện Bộ Tài chính, nếu dự thảo luật được thông qua, dự kiến mỗi năm Nhà nước sẽ thu về khoảng trên 20 nghìn tỷ đồng. 20 nghìn tỷ đồng tưởng lớn, nhưng nếu so với bộ máy của toàn hệ thống chính trị vốn vẫn cồng kềnh như hiện nay cũng như sự tiêu xài lãng phí và cả chục dự án đầu tư đang nằm đắp chiếu thì có thể vẫn chưa thấm vào đâu. Do đó, trong lúc Bộ Tài chính kiến nghị xem xét trình Chính phủ dự thảo Luật này, có lẽ Bộ cần phải tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi của giới chuyên gia, người dân và các ban, bộ tham mưu khác để “xem’ có kế gì hay hơn trong việc xây dựng nguồn thu thay vì tính chuyện sở hữu nhà, xe ô tô cũng bị đánh thuế!

Cũng theo TS. Nguyễn Minh Phong, việc đánh thuế nhà nói trên không đảm bảo được sự công bằng so với tài sản khác dễ gây ra việc người nghèo phải chịu thuế trong khi nhà giàu có những tài sản trị giá gấp mấy lần giá trị căn nhà của người nghèo. “Nhà ở là điều tối thiểu nhất trong khi những đồ kim cương, xe hơi, du thuyền của những người giàu thì gấp mấy lần nhà xã hội. Tôi cho rằng phải nâng nhà lên giá trị vài tỷ thì mới thu thuế, đồng thời hạ thấp định mức cần thu thuế đối với các tài sản khác như đồ hiệu, nhẫn kim cương…” - vị chuyên gia kinh tế bày tỏ.

Trước nhiều luồng ý kiến phản ứng về đề xuất đánh thuế nhà ở có giá trị trên 700 triệu đồng, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng cần bình tĩnh để hiểu đúng về Thuế tài sản, cũng như đề xuất của Bộ Tài chính. Về nguyên tắc, thu thuế về tài sản, bất động sản là phù hợp với thông lệ quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh thuế bất động sản của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, phải tính toán làm sao cho vừa sức dân. Theo chuyên gia Lê Đăng Doanh, việc đưa ra một định mức cụ thể là 700 triệu đồng là một cách vận dụng định mức rất lỗi thời. “Người dân phải vay ngân hàng để mua nhà, giờ lại bị đánh thuế nữa thì sẽ rất khó khăn nên họ phản ứng là điều dễ hiểu. Cộng thêm mới đây lại có hàng loạt đề xuất đánh thuế ôtô và các loại thuế khác như thuế môi trường trong xăng dầu, làm cho người dân cảm thấy bị sốc” - ông Doanh nhận định.

Tuy nhiên chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho biết, với một nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp vào khoảng 2.200 USD/người như ở Việt Nam, Ngân hàng Thế giới đã khuyến cáo không nên thu thuế cao để khoan sức dân, để người dân có lợi nhuận tái đầu tư. “Hiện nay chúng ta đã thu thuế lên đến khoảng 32% GDP rồi, tức là rất cao so với khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới và đây là điều chúng ta phải suy xét” – chuyên gia Lê Đăng Doanh Doanh nhận định.

Đồng quan điểm này, nhiều chuyên gia kinh tế cũng lên tiếng cho rằng người dân đang phải gánh quá nhiều loại thuế, nhưng mỗi loại thuế có tính chất, mục đích khác nhau. Do đó việc xây dựng khung thuế cần phải căn cứ trên tình hình thực tế của nền kinh tế, không phải thế giới sao thì chúng ta như vậy. Có thể nếu đánh Thuế tài sản, chúng ta cần tập trung ở một giá trị hợp lý, đánh thuế những tài sản xa xỉ.

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này