Hành trình đưa diều Tiên ra thế giới

09:31 | 17/04/2018
Hình tượng “Tiên”  trên chạm khắc của những ngôi đình làng ven đô Hà Nội đã có sức sống hàng ngàn năm, đặc biệt trong kiến trúc và tín ngưỡng. Không ai có thể ngờ, những giá trị di sản này lại được hiện thực hoá sống động qua những con diều bay cao, bay xa đến với thế giới.
tin nhap 20180417084859 Khoa cử Việt Nam xưa trong Di sản Tư liệu thế giới
tin nhap 20180417084859 Hát Xoan và nghệ thuật Bài Chòi được bình chọn nhiều nhất

Năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và Trung Tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp tổ chức Triển lãm “Rồng-Tiên trên chạm khắc đình làng Việt Nam”. Những chạm khắc hình ảnh Rồng và Tiên của đình làng đã trở thành biểu tượng của làng, là niềm tự hào của cộng đồng, là hình ảnh sâu đậm trong tâm thức của người Việt và có nhiều giá trị về mặt di sản nghệ thuật.

Tại đây, bà con kiều bào, công dân Pháp cũng như bạn bè quốc tế đã có dịp chiêm ngưỡng sự kết hợp độc đáo giữa Rồng và Tiên trong chạm khắc của đình làng. Buổi triển lãm hôm đó, ông Quan Hằng Cao – một người đam mê chơi diều tình cờ cũng có mặt tại đó. Nhận thấy những giá trị di sản văn hoá của những chạm khắc này, nhất là hình ảnh Tiên, ông Cao đã nuôi hy vọng một ngày sẽ giới thiệu đến bạn bè quốc tế hình ảnh Tiên thông qua cánh diều.

tin nhap 20180417084859
Ông Quan Hằng Cao và cặp diều Tiên tại Lễ hội diều do Malaysia và Thái Lan đồng tổ chức vào tháng 3/2018. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Hiện nay, ông Cao là thành viên Hiệp hội Diều quốc tế và Hiệp hội Diều Đông Nam Á. Ông Cao cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Mặc dù đã nhiều năm sinh sống , học tập và làm việc ở nước ngoài nhưng kí ức về tuổi thơ của tôi luôn gắn liền với những buổi chiều hè oi ả thả diều trên triền đê sông Hồng. Niềm đam mê ấy đã giúp tôi khám phá, tìm hiểu quá trình phát triển, đậm sắc văn hóa của các dân tộc khác nhau thông qua những lần tham dự lễ hội diều quốc tế. Điều mong ước của tôi muốn được giới thiệu với cộng đồng diều thế giới về nền văn hóa có từ lâu đời gắn liền với đình làng Việt Nam thông qua những cánh diều”.

Ngay từ khi có ý tưởng làm diều về hình ảnh Tiên trong chạm khắc đình làng, mất 4 năm nghiên cứu, ông mới cho ra phiên bản diều đầu tiên. Ông Cao cho biết, khung diều được ông làm bằng vật liệu cacbon giúp diều nhẹ, có thể cân bằng, gió nào cũng bay được. Ông cũng tự tay thiết kế, phối màu và tỉ mỉ may áo diều, thuận tiện cho việc lắp ghép vào khung diều. Ông Cao đã khéo léo đưa hình ảnh Tiên với những nét đẹp hoang sơ nhưng giàu bản sắc văn hoá một cách tinh tế lên áo diều. Năm 2016, tại Lễ hội diều thế giới được tổ chức tại Bedford, Anh, ông đã gây bất ngờ và nhận được sự đánh giá cao của làng diều thế giới. Ông được vinh danh ghi tên vào cúp những cống hiến sáng tạo mới cho cộng đồng diều tại lễ hội này. Ông Cao cho biết, mỗi năm, Ban Tổ chức sẽ tìm ra một người để vinh danh những đóng góp của họ cho làng diều thế giới.

Với ý nghĩa tôn vinh những nét văn hoá truyền thống của Việt Nam thông qua hình ảnh Tiên trong chạm khắc đình làng, ông Cao đã nhận giải thưởng danh giá này. Bởi trên thế giới, Tiên chỉ được coi là hình tượng chứ không có quá trình lịch sử. Những giá trị vật thể và phi vật thể của những chạm khắc Tiên trong ngôi đình làng là một điều vô cùng quý báu, là minh chứng cho nét tinh hoa của mảnh đất Thăng Long-Kẻ chợ xưa.

Năm 2017, ông cải tiến khung diều bằng vật liệu tre Việt Nam, khiến diều có thể vẫy cánh được. Tháng 5/2017, ông tham gia Lễ hội diều quốc tế lần thứ năm được tổ chức ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ và được giải nhất về diều đẹp và sáng tạo. Vừa qua, tháng 3/2018, tại Lễ hội diều do Malaysia và Thái Lan đồng tổ chức, ông một lần nữa lại cải tiến diều Tiên bay nhẹ hơn và bay theo cặp nam, nữ với màu sắc đẹp hơn. Khung diều được làm bằng tre Lồ Ô của Huế, vót tre mỏng dần theo cánh giúp diều bay thanh thoát hơn.

Tại cuộc thi này, ông đã giành giải thứ tư trên tổng số 44 quốc gia tham dự. Mặc dù đã đạt được những thành tích cao tại làng diều thế giới, nhưng ông Cao vẫn luôn đau đáu muốn đi tìm phiên bản gốc về hình tượng Tiên. Bởi những gì ông có chỉ là hình ảnh ít ỏi tại triển lãm ông được chiêm ngưỡng tại Pháp. Sinh sống tại Anh đã lâu, ông vẫn quyết tâm về Việt Nam, đi khắp các ngôi đình cổ ven đô Hà Nội để tìm cho bằng được nguyên mẫu của hình tượng Tiên.

Nhờ sự giúp đỡ của nhóm Đình làng Việt, ông đã tìm được nguyên mẫu Tiên tại ngôi đình Phú Xuyên (Phong Châu, Ba Vì). “Tại cuộc điền dã này, tôi đã tìm được nguyên tác của phiên bản Tiên anh và Tiên em, thấy rõ hơn hình ảnh Tiên anh cầm bút nghiên và bầu rượu; Tiên em cầm bao thơ và gương lược. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục cải tiến phiên bản hoàn chỉnh từ mặt mũi, trang phục. Tiên nữ phần dưới sẽ bầu hơn và cánh tay vút hơn” – ông Cao cho biết.

Với mong muốn tìm hiểu về nguồn cội và phát triển văn hoá, ông đã kiên trì theo đuổi hành trình 6 năm đưa diều Tiên của Việt Nam ra thế giới. Là người con của Thủ đô, người đam mê diều Quan Hằng Cao luôn đau đáu về quê hương và mong mỏi được làm một điều gì đó với mảnh đất Kinh kỳ. Những giá trị di sản trong hình tượng Tiên đã truyền cảm xúc cho ông khi hiện thực hoá thành những con diều. Tại các cuộc thi diều thế giới, những giá trị văn hóa độc đáo của Việt Nam có cơ hội được biết đến rộng rãi hơn.

Đây là sự cần thiết trong việc bảo vệ, tôn vinh những nét đẹp của di sản văn hóa dân tộc trong cuộc sống đương đại. Hy vọng rằng cùng với nỗ lực từ những người yêu văn hoá truyền thống như ông Quan Hằng Cao, các giá trị kiến trúc và tín ngưỡng truyền thống sẽ được sống lại với những giá trị quý báu vốn có của nó. Di sản văn hoá là do con người tạo ra, và chỉ có chúng ta bằng những nỗ lực hành động cụ thể ngày hôm nay mới có thể góp phần bảo vệ cũng như tiếp sức lan toả những giá trị của di sản văn hoá truyền thống cho thế hệ mai sau.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này